Sau
hơn 23 năm sống ở xứ người, tôi đưa vợ con tôi về Việt Nam thăm nhà, cho hai thằng
con của chúng tôi biết quê cha đất tổ, bà con thân thuộc.
Trên chuyến bay Cathay
Pacific từ Hồng kông về Sài gòn mỗi hành khách chúng tôi được tặng một giấy chứng
nhận đã đáp một trong những chuyến bay cuối cùng rời phi trường Kai Tak. Kể từ ngày mai phi trường này
sẽ vĩnh viễn đóng cửa, thay thế bởi một phi trường mới, tối tân hơn. Hôm ấy là
ngày 5 tháng 7, 1998. Tôi cám ơn cô tiếp viên và nói tiếp:
“Hôm nay cũng là một
ngày đặc biệt của gia đình chúng tôi.”
Cô tiếp viên cười thật
niềm nở:
“Để tôi đoán xem. A ...
hôm nay là ngày đầu tiên gia đình ông bà trở về Việt Nam?”
Tôi gật đầu, trả lời:
“Đúng, cô nói đúng
nhưng chỉ đúng có phân nửa mà thôi.”
Rồi tôi vò đầu Lực, thằng
con trai thứ hai của tôi đang ngồi ghế kế bên.
“Hôm nay cũng là ngày
sinh nhật của Lực, con của chúng tôi. Cathay Pacific có gì đặc biệt cho nó
không?”
Cô tiếp viên bắt tay
chúc mừng Lực, rồi cô nói cô sẽ hỏi viên phi công trưởng chuyến bay.
Khi máy bay chuẩn bị
đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, cô tiếp viên đến hàng ghế của chúng tôi và
nói nếu tôi cho phép, Lực có thể ngồi trong cockpit
(phòng lái) cùng với phi hành đoàn để xem phi cơ hạ cánh. Đó là món quà sinh nhật
của Cathay Pacific. Nhìn gương mặt rạng rở của con, tôi quên hết những hiểm
nguy có thể xảy ra trong lúc hạ cánh và gật đầu chấp thuận.
Hôm ấy Lực tròn 16 tuổi,
còn tôi năm 16 tuổi tôi rời khỏi mái trường Mossard. Nhìn phong cảnh Việt nam từ
cửa sổ phi cơ tôi bỗng nhớ đến những buổi chiều Mossard năm xưa. Hầu hết các buổi
chiều, sau những trận bóng tròn bạn bè chúng tôi thường hay ngồi nghỉ mệt và
tán dóc ngay tại sân, chờ đến giờ chuông reo đi tắm. Thỉnh thoảng trên bầu trời
Mossard có một chiếc máy bay hàng không dân sự hai động cơ phản lực sau đuôi,
hình như là chiếc Caravelle, bay ngang, từ từ hạ cao độ trực chỉ hướng Sài gòn.
Và, trăm lần như một tôi ước ao ngày nào mình cũng được ngồi trên chiếc phi cơ
để bay đến những phương trời xa lạ.
Nghĩ đến đó, tôi vội nhìn qua cửa sổ, biết đâu
mình đang bay ngang qua Mossard, chắc cũng không khó nhận ra vì Mossard có ba
ngôi nhà lầu, một sân bóng tròn, ba sân bóng rổ, bốn sân bóng chuyền và một
piscine, không kể Đệ Tử Viện. Nhưng đất trời mênh mông “biết mô mà tìm!”
Tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh
ngày cuối cùng tôi rời Việt nam bỗng hiện ra. Khi chiếc Chinook chở đám người
di tản chúng tôi vụt lên khỏi sân thượng tòa Đại sứ Hoa kỳ, tôi cố gắng ghi lại
những hình ảnh cuối cùng của Việt Nam xuyên qua bóng đen của người lính Thủy
quân Lục chiến Mỹ đang ghìm khẩu đại liên, mũi chúi xuống cửa sổ máy bay trực
thăng. Đó là hình ảnh hàng ngàn người trong và ngoài khuôn viên tòa Đại sứ. Kế
đến là nóc nhà thờ Đức Bà. Khi ấy, trời còn tối, tôi cố gắng nhưng không thấy
được mái trường Taberd. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 3 giờ 45. Hôm ấy là ngày 30
tháng 4, 1975.
Phi cơ chạm đất. Tôi giật
mình, vẫn không ngờ mình đã trở về quê hương.
Rời phi trường Tân Sơn
Nhứt chúng tôi về Tây Ninh ngay hôm ấy. Viếng mồ mả Ông Bà, thăm bà con thân
thuộc xong, tôi muốn đưa hai con của tôi đi thăm ngôi trường Tiểu học Tây Ninh
năm xưa, nơi tôi lần đầu tiên cắp sách đến trường. Nhưng điều này không thực hiện
được. Nơi ấy bây giờ là vùng cấm địa, trực thuộc văn phòng tỉnh ủy.
Mấy hôm sau đi Sài gòn,
tôi bao taxi chạy khắp nẻo đường
thành phố, chỉ cho con tôi biết những nơi tôi đã có những dấu vết kỷ niệm.
Ghé
trường Taberd, ngôi trường xưa còn đó nhưng đã trở thành một trường sư phạm,
không còn bóng dáng những chiếc áo dòng đen. Tôi biểu cậu lái taxi đưa chúng tôi lên Thủ đức. Đến
Mossard tôi đứng ngoài nhìn vào trường, lòng buồn vô hạn. Trường cũ của tôi bây
giờ mang một cái tên dài thòng, lạ hoắc. Bảng tên Mossard không còn trên trụ cổng
nữa.
Hôm
sau, tôi có đi gặp Đáng, một bạn cũ Mossard, để hỏi thăm các frères giờ ở đâu. Đáng cho tôi biết người
ta chừa cho các thầy một cái chái để ở, ngày xưa là nơi gởi xe của học sinh.
Đáng cùng cha con chúng tôi đón taxi trở lại Taberd. Tôi gặp lại vị thầy cũ là
frère François. Mừng mừng tủi tủi, hỏi thăm nhau tôi mới biết sau 1975 thầy
bị “đại nạn” năm năm cùng với vài thầy Mossard khác, các thầy Julien và Vincent
đã về với Chúa, riêng thầy Jules và thầy Salomon (khi ấy tuổi gần 90) đang sống
ẩn dật tại Ban Mê Thuột. Thầy François cẩn thận ghi cho tôi địa chỉ và tôi hẹn
với lòng mình lần tới về Việt Nam tôi sẽ đi Ban Mê Thuột thăm quí thầy.
Với Papa François, Tết Nhâm
Thìn 2012
tại nhà hưu dưỡng Mai Thôn |
Khi chia tay cùng vị thầy cũ, chạnh lòng tôi nhớ đến bài thơ
của Bà Huyện Thanh Quan ngày xưa tôi học với thầy Mừng ở Mossard:
...
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
...
Cảnh
đấy người đây luống đoạn trường.
đàoanhdũng
www.lasanmossard.org
(Xem tiếp)
www.lasanmossard.org
(Xem tiếp)
Hân
hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.
4 nhận xét:
nhớ những chuyện đã xảy ra ngày xưa luôn làm chúng ta thấy ngậm ngùi
Vâng, thật ngậm ngùi. Cám ơn chị đã chia sẻ cảm tưởng.
Câu chuyện mang mang một nỗi buồn ngậm ngùi khi trở lại thăm trường xưa bạn cũ và những ông thầy đã vào tuổi hạc...
Kỷ niệm mãi không phai trong lòng người viễn xứ cho thấy tác giả rất giàu tình cảm với quê hương. Xin cảm ơn rất nhiều..✍️��
Cám ơn bạn chia sẻ cảm tưởng.
Đăng nhận xét