1.
Năm tôi vào nội trú
Mossard có hai thầy rất trọng tuổi làm surveillant.
Đó là thầy Étienne và thầy Marie. Vậy mà chúng tôi vẫn nghịch ngợm, chọc phá
hai thầy.
Thầy Marie có cặp mắt
“nhìn bụi ớt chết bụi cà.” Chúng tôi khám phá ra việc này trong giờ étude. Hôm ấy, một bạn ngồi bàn đầu (Nếu
tôi nhớ không lầm, đó là bạn Lương Lễ Chuẩn) trò chuyện trong lớp bị thầy rầy
nhưng mắt của thầy lại nhìn bạn kế bên. Bạn này ngạc nhiên nói, “Je ne fais rien, cher frère.” (Thưa thầy,
con không có làm gì hết.) và thầy trả lời, “Je
ne te parle pas!” (Thầy không nói với con!) mà mắt thầy ngó bạn kế bên nữa
rồi đi vào cái vòng lẩn quẩn thầy phải chấm dứt bằng cách chỉ ngay mặt bạn đầu
tiên. Chúng tôi phá thầy vài lần rồi thấy nhàm chán nên quên luôn đôi mắt đặc
biệt của thầy Marie.
Thầy Étienne năm ấy đã
phải chống bâton (gậy) rồi nhưng thầy
vẫn còn làm surveillant giờ ra chơi.
Học trò gọi thầy bằng biệt hiệu “pa tin” thay vì bâton. Thầy chăm sóc bông hoa, cây kiểng trồng ở hang đá Đức Mẹ, đứa
nào mon men đến phá thầy rầy la, lấy bâton
xua đi. Vì thầy đi đứng chậm chạp nên có đứa chạy ra xa rồi đứng đó lêu lêu chọc
tức thầy. Có lần đến giờ sắp hàng đi tắm thầy đi đến từng hàng học trò tìm ra đứa
đã phá thầy.
2.
Thầy Jules có một lối
thổi tu-huýt rất dài để báo hiệu giờ vào lớp thay vì bấm chuông điện. Mấy
năm trung học, mỗi khi nghe tiếng còi của
thầy, chúng tôi thường nói với nhau, “ba rỗ” chửi thề rồi đó. Chúng tôi ngỗ nghịch,
đặc biệt hiệu cho vị thầy đáng kính này là “ba rỗ” vì mặt của thầy có chút vết
rỗ hoa mè.
Thầy Jules không có dạy
tôi lớp nào nhưng tôi học được ở thầy một việc rất hữu ích cho tôi sau này. Mỗi
sáng chúa nhật đi lễ chúng tôi phải mặc đồng phục quần trắng, áo trắng, cà-vạt
xanh to bản (Sau này đồng phục Mossard đổi thành quần xanh đậm, áo trắng, cà-vạt
xanh đậm bản nhỏ.) Vì thế, đi lễ và ăn sáng xong chúng tôi trở lại phòng ngủ để
thay đồ. Trong năm đầu trung học, giường của tôi nằm ngay bên phòng của thầy
Jules. Sáng chúa nhật nào khi trở lại phòng ngủ tôi cũng nghe thầy Jules mở
đĩa học tiếng Anh trong phòng của thầy,
bên ngoài nghe lồng lộng. Thầy tự học tiếng Anh. Sau này, từ năm tôi học Seconde (lớp đệ tam chương trình Việt) ở
trường Taberd, người Mỹ đã sang Việt Nam khá nhiều nên tôi nghĩ dù muốn dù
không tôi cũng sẽ phải giao thiệp với họ nếu sau này tôi vào quân đội hay làm
việc cho công ty tư, cơ quan chánh quyền nào đó. Khi ấy, tình trạng kinh tế gia
đình ba má tôi đã khá suy sụp nên tôi không dám xin tiền để đi học thêm Anh
văn. Nhớ đến thầy Jules, tôi quyết tâm tự học Anh văn qua chương trình phát
thanh đọc chậm bằng Anh ngữ trên đài Sài gòn và tập dịch thuật qua các bài
Anh/Việt đăng trên báo vào hôm sau ngày phát thanh. Tôi có ngờ đâu chỉ hai năm
sau đó, năm Mậu Thân, tôi phải bỏ học, được một việc làm nhờ vào khả năng Pháp
ngữ của những năm Mossard và Anh ngữ tôi tự học. Frère Jules, xin linh hồn frère
chứng giám lòng biết ơn của con!
3.
Năm tôi lên lớp 5è, thầy
Jules đổi sang trường La San khác, thầy Agilbert lên thế chức préfet. Đây là một chức vụ khó thay vì
thầy Jules rất có uy với học sinh trong khi thầy Agilbert lại quá hiền. Thầy thổi
tu-huýt tiếng nghe rất yếu. Mỗi sáng thứ hai chào cờ, thầy thổi tu-huýt trước micro nhưng nghe cũng không bằng thầy
Jules. Mấy lần thầy mở nhạc chào cờ mà để sai tours (vòng), đĩa 45 vòng thầy để 33 nên bài Quốc Ca nghe thật chậm,
chúng tôi phải chào cờ lại. Vì thế, đám học sinh ngỗ nghịch chúng tôi cho vị thầy
hiền hậu này biệt danh là “gà chết”. Nói
vậy chứ mỗi khi thầy rầy la chúng tôi đứng nghe, im phăng phắc.
Có hai lần tôi phạm lỗi
nhưng thầy Agilbert lại tha tôi, không phạt. Một lần tôi giả chữ ký của ba tôi
để xin sortie. Thầy trả lá thơ giả mạo
lại cho tôi và biểu tôi đừng làm vậy nữa. Lần khác tôi đi sortie với Nghiệp, hai đứa ra chợ Thủ đức ăn phở, cưa hai một chay
la-de con cọp. Tôi bị dị ứng với rượu nên khi trở về trường mặt tôi còn đỏ ké.
Thầy điểm mặt tôi, ngón tay trỏ của thầy đưa qua đưa lại, có ý biểu tôi đừng
tái phạm. Vậy mà tôi không tởn vì mấy tuần lễ sau tôi ăn cắp một chai rượu vang
Mâcon của ba tôi mang vào trường để nhậu với bạn bè ngồi cùng carré (bàn ăn bốn người). Tôi gói chai
Mâcon thật kỹ bằng giấy dầu giống như chai xì-dầu để qua mặt các thầy. Nhưng
“Trời bất dung gian đảng” mặt tôi đỏ ửng vì ly rượu chát mà tôi nào có hay. Khi
tôi đang hí hửng ăn cơm chiều với bạn, thầy Agilbert đến bàn hỏi có phải chúng
tôi đang uống rượu. Tôi thản nhiên phủ nhận, đưa ngón tay chỉ ly nước và nói, “Vous voyez, c’est le sirop.” (Thầy thấy
đấy, đó là nước si-rô.) Thời ấy học sinh Mossard thường mang theo chai si-rô
BGI hột gạo để pha với nước lạnh làm thức uống trong khi ăn cơm, màu si-rô đo đỏ
giống như màu rượu chát. Thầy bèn mở giấy gói, lấy ra chai rượu. Tôi hết đường
chối. Lần đó, carré chúng tôi bị phạt
piquet. Tuy nhiên tôi còn hên vì thầy
không gởi thơ về nhà báo cho ba tôi hay chuyện tôi uống rượu trong trường. Từ
đó cho đến lúc rời Mossard, tôi không còn “nhậu” nữa.
Nhưng thầy Agilbert có
một lần rầy oan tôi. Tôi có một đứa em bà con học dưới tôi ba lớp. Đó là Sơn,
con của dì dượng sáu làm chủ một công ty ở Sài gòn nên rất giàu có. Sơn mới vào
học nội trú Mossard nên dì dượng gởi gấm Sơn cho tôi. Vào một buổi trưa thứ
năm, dì dượng cùng gia đình đến thăm Sơn bằng một chiếc xe Huê kỳ lộng lẩy. Dì
sáu kêu tôi ra ngoài xe cùng ăn bánh gâteau
và uống nước ngọt với gia đình dì. Chiều hôm ấy khi chúng tôi sắp hàng đi tắm
thầy lưu ý cùng học sinh điều lệ cấm học sinh ra trước trường ngoại trừ có thân
nhân đến thăm và thầy nói thêm rằng hôm nay có một trò đi ăn chực nơi đó. Trưa
hôm ấy chỉ có một chiếc xe của dì dượng sáu ở chỗ đậu nên tôi nghĩ thầy ám chỉ
tôi là người ăn chực vì thầy không biết Sơn là em bà con của tôi. Tôi rất buồn
thầy về việc này nhưng vì lòng tự ái trẻ con tôi không thưa với thầy sự thật mà
ôm nỗi buồn này trong lòng cho đến lúc rời Mossard.
Kể lại câu chuyện này
tôi không có ý nào khác ngoài một kỷ niệm về một sự hiểu lầm đáng tiếc ở
Mossard. Tôi vẫn một lòng kính mến thầy Agilbert cũng như mọi sư huynh La San
và quí thầy cô giáo đã tận hiến đời mình cho tuổi trẻ Việt Nam.
4.
Nếu kể chuyện về trường
đạo mà không nói đến những ngày lễ Giáng Sinh, tôi nghĩ đó là một thiếu sót rất
lớn.
Năm đầu tôi học ở
Mossard, vào ngày thứ bảy trước lễ Giáng Sinh mỗi đứa học sinh chúng tôi được
nhà trường cho bắt thăm quà Noël trước
khi về nghỉ lễ. Tôi trúng được một món đồ chơi rất “tối tân” vào thời ấy. Đó là
một anh chàng hề trượt patin làm bằng
thiết, chạy bằng mấy cục pin, gắn vào một sợi dây điện chuyền đến máy điều khiển,
chạy vòng vòng, đưa tay, đưa chân rất ngộ. Thiệt là le! Tôi nhớ có mấy bạn đến
năn nỉ đổi đồ chơi mà tôi cũng khá khôn, đâu có chịu, cứ ôm trong bụng để đem về
nhà chơi với anh em của tôi. Đó là món quà Noël
đầu tiên của đời tôi. Hơn 50 năm sau, ngồi viết về kỷ niệm này mà tôi vẫn còn cảm
nhận được nỗi sung sướng khi nhận món quà ấy. Xin cảm ơn các frères.
Trong số bạn học chung
lớp với tôi từ năm 7è Spéciale đến
năm 3è có hai bạn Lương Lễ Chuẩn và Nguyễn Tấn Phước là người có hoa tay. Cha của
hai bạn là giáo sư hội họa trường Mỹ Nghệ Bình Dương. Năm 6è, lớp chúng tôi đứng
đầu trường về cuộc thi trang hoàng lớp học trong dịp lễ Giáng Sinh. Hai bạn này
họa theo hình mẫu các khung cửa kính nhà thờ, vẽ viết chì vào những miếng carton (giấy bồi), chúng tôi dùng kéo và
lưỡi lam cắt rồi dán giấy màu. Ban đêm chúng tôi gắn những bức tranh bằng kính
giả tạo nầy vào khung cửa sổ lớp học, mở đèn néon (đèn dạ quang) trong lớp, bên ngoài trời tối xem rất đẹp.
Năm sau, biết các lớp
khác sẽ thi đua làm cửa sổ hình màu, chúng tôi bỏ cửa sổ, chú tâm vào hang đá,
một hang đá nói lên được cái nghèo khó của Thánh Gia. Bạn Nguyễn Thế Hùng học demi-pensionnaires mang đến một mớ rơm
còn phảng phất mùi phân bò để chúng tôi trang hoàng hang đá của lớp. Đó là
Thánh Gia dưới một mái tranh nghèo nàn, không một ngọn đèn màu chớp tắt mà chỉ
có một ngọn đèn dầu leo lét. Năm ấy lớp chúng tôi lại trúng giải nhất.
5.
Nhắc đến bạn Nguyễn Tấn
Phước làm tôi nhớ đến cái tài phá phách của bạn. Thân hình của bạn ốm tong, tay
chân dài thòng nên bạn có biệt hiệu là “khỉ đột” (Nói đến biệt hiệu của bạn mà
dấu đi biệt hiệu của mình thì không công bằng. Biệt hiệu của tôi ở Mossard là
“Dũng voi” vì so với các bạn tôi hơi lớn con và “có da có thịt”.) Một lần Phước
leo vào các cầu tiêu của phòng ngủ lớn, khóa cửa bên trong và tháo ốc bồn nước
xả cầu cho nước tự động chảy hoài suốt đêm. Báo hại sáng hôm ấy chúng tôi không
thể đi cầu được và không có nước để đánh răng, rửa mặt. Cả nhà ngủ chịu chung một
hình phạt là một tuần lễ không douche, chỉ có tắm piscine. Lần sau, Phước leo chuyền qua lan can ngoài couloir để vào phòng ăn của các frères, lấy trộm thức ăn goûter phân
phát cho chúng tôi. Chỉ có một lần thành công vì lần sau đó Phước bị thầy
Albert bắt tại trận, đứng piquet ở trụ cờ cả tuần lễ mới được tha.
6.
Bạn Tăng Khải Hoàn cũng là một tay hay phá phách. Giường ngủ
của Hoàn ở đầu dãy, cách đó ba bước là chiếc ghế mây các thầy surveillant thường
ngồi lần chuỗi, canh học sinh trước giờ thức dậy. Hoàn than phiền rằng mỗi sáng
sớm, mắc tiểu, thằng nhỏ chỏng gọng mà thầy surveillant ngồi đó, thiệt là kỳ. Bạn
nói, “Je dois faire quelque chose.” (Tao phải làm cái gì mới
được.) Hoàn sanh đẻ bên Pháp. Năm ấy bạn mới theo cha mẹ hồi hương về Việt
Nam. “Quelque chose” của Hoàn là một buổi sáng nọ bạn thức thật sớm, trét kem
đánh răng vào ghế mây, rồi về giường nằm chờ kết quả thay vì ngủ lại. Hôm ấy thầy
Romain làm surveillant nhà ngủ. Thầy vừa ngồi xuống ghế mây, Hoàn nhịn không nổi
nên nằm cười khúc khích trên giường. Thầy Romain lấy làm lạ, rọi đèn pin mới
hay phía sau áo dòng đen của thầy bê bết vết trắng kem đánh răng. Tôi không biết
hôm ấy Hoàn có ăn cây roi mây nào không, chỉ thấy bạn đứng piquet dưới trụ cờ hết
mấy ngày.
7.
Học sinh Mossard cũng có những trò chơi rất rắn mắt. Sau một buổi
tắm piscine nọ, thầy François thổi còi để chúng tôi lên bờ thay đồ. Lạ thay chỉ
còn có một đứa cứ tiếp tục bơi chó dưới hồ. Thì ra đó là Thượng “Ca lo” học
cùng lớp với tôi. Đứa nào lặn tuột quần bạn này và chơi khăm, không trả quần lại
cho bạn. Thượng mang biệt danh này vì ai đó khám phá ra rằng bạn có của quí cắt
bì. Thay vì rầy la chúng tôi thầy François vờ ngó sang hướng khác. Khi thầy
quay lại thì ai đó đã quăng xuống hồ cái quần tắm của Thượng. Hôm ấy chúng tôi
thay đồ, sắp hàng đi về phòng ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Cho đến lúc
tôi rời Mossard trò chơi ngẵng này không hề tái diễn nữa. Tôi phục thầy
François.
8.
Ở trong một môi trường thiếu bóng hồng chúng tôi “khát” gái
(nhưng cũng có “nhát” gái) trong những năm trung học. Nhiều lần Mossard có
chương trình văn nghệ, mời học sinh trường bạn gần đó, trường Notre Dame des
Missions, sang xem. Tôi nhớ lần đầu các cô mặc đồng phục sắp hàng tiến vào trường,
mỗi nhóm có một sœur (dì phước) đi kề bên. Vậy mà khi các bóng hồng vừa xuất hiện,
chúng tôi đồng thanh la ó lên. Chiều hôm ấy, khi sắp hàng đi tắm thầy Agilbert
lớn tiếng rầy chúng tôi một trận, bằng tiếng Việt, với giọng Huế của thầy, “Cạc
anh la như con bò, hẹt như con chỏ!” Nhưng chúng tôi vẫn không chừa, chứng nào
tật nấy, lần nào các cô nàng Notre Dame xuất hiện chúng tôi cũng la ó rân trường.
Một điều tôi thắc mắc là trong suốt sáu năm tôi học ở Mossard
bọn học sinh chúng tôi chưa bao giờ được các sœurs mời sang Notre Dame xem văn
nghệ. Không mời, chúng tôi cũng sang. Số là hai đứa trong vòng bạn bè chúng tôi
có em gái học bên Notre Dame. Đó là Mạnh và Đáng. Mạnh học sau tôi hai lớp
nhưng chơi thân với tôi vì bạn là một đồng hương Tây Ninh. Hai cô em của Đáng
và Mạnh giới thiệu vài đứa chúng tôi với vài cô Notre Dame để thư từ qua lại, một
loại pen pals thời nay. Sau vài lần thư từ trao đổi, chúng tôi quyết định xem
hình không đã, phải gặp tận mặt các cô. Ở Mossard, mỗi chúa nhật xem lễ, ăn
sáng xong chúng tôi được sortie đến 11/12 giờ trưa. Thay vì đi ăn phở hay bún
nem nướng ở chợ Thủ đức, hôm ấy chúng tôi lội bộ sang Notre Dame. Mạnh và Đáng
dẫn chúng tôi vào nhà trường xin phép thăm em. Khi bước vào khuôn viên nhà trường
chúng tôi thấy các cô nàng đứng bên cửa
sổ trên lầu ngoắc tay ra dấu nên rất phấn khởi. Có ngờ đâu lát sau một cánh cửa
mở và một bầy chó chạy ra. Chúng tôi chạy ná thở mới thoát bầy chó dữ ấy. Như vậy
mà mấy sœurs trường Notre Dame cũng chưa vừa lòng vì chúa nhật tuần sau, thầy
Agilbert ký phép sortie cho chúng tôi nhưng thầy lưu ý chúng tôi không được đi
về hướng Notre Dame, nếu tái phạm thì sẽ bị cúp phép.
Các bóng hồng cũng xuất hiện hàng tuần ở Mossard vào trưa thứ
bảy, chúa nhật khi các phụ huynh đến trường thăm viếng hay đưa đón con trai
mang theo luôn con gái. Trong những giờ thăm viếng, đưa đón ấy học sinh chúng
tôi không được bén mảng đến khu vực trước trường, nơi các phụ huynh đậu xe. Tuy
nhiên, “La loi, ce n’est pas la loi.” (Luật,
nhưng không phải là luật.) vì chúng tôi vẫn xé rào trồng cây si. Tôi trồng
một cây si ở Mossard từ năm 4è cho đến năm Première (đệ nhị chương trình Việt) học
ở Ecole Pasteur tôi mới có thể đón nàng ở trường Thiên Phước. Cuộc tình ấy rồi
cũng chẳng đi đến đâu nên “ta suốt đời nhớ nhớ quên quên” (“Mai sau dù có bao
giờ”, thơ Nguyễn Bắc Sơn).
Ngoài ra còn có hai bóng hồng ở khu cư xá nhân viên nhà trường,
gần piscine dưới đồi. Chúng tôi chơi bóng rổ ở sân gần Đệ Tử Viện, thỉnh thoảng
thấy dáng áo dài thướt tha dưới đồi làm vài đứa ngẫn ngơ, bàn luận, ngợi khen
hương sắc. Cho đến một buổi chiều chơi bóng rổ xong chúng tôi ngồi nghỉ mệt ở bực
tam cấp bằng đá đỏ dẫn lối xuống đồi. Tình cờ chúng tôi thấy một trong hai bóng
hồng ấy bước ra tắm bên thềm giếng. Nàng mặc một quần lảnh đen kéo lên khỏi ngực,
thản nhiên xách nước giếng lên tắm như không thấy đám con trai chúng tôi. Nàng
mở giây lưng quần chà xà bông, dội nước vào trong. Chúng tôi im lặng theo dõi cảnh
“tắm tiên”, lòng vẩn đục rồi bỗng thấy mình sao quá “phàm phu tục tử” còn nàng
thì sao quá vô tư (hay là nàng coi chúng tôi như con nít?), nên buồn tình kéo
nhau đi. Từ đó không ai trong chúng tôi nhắc đến hai bóng hồng này nữa.
9.
Thầy Albert dạy lớp 6è Préparatoire nhưng khi tôi lên lớp này
thầy không dạy học nữa mà làm économe. Chúng tôi gọi thầy bằng “thầy Be” hay thầy
“Lê Văn” vì trò nào thầy cũng cho mang họ Lê. Tôi tên Trần Anh Dũng nhưng không
hiểu sao thầy luôn gọi tôi là Lê Văn Dũng. Thầy phát âm tiếng Pháp thiệt ngộ, y
hệt như mấy ông già miền Nam ngày xưa. Năm ấy lớp chúng tôi chiếm giải quán
quân môn bóng rổ lẫn bóng chuyền. Thầy khen lớp chúng tôi, nói rằng “La classe de 5è s’est taillée la
part du lion.” (Lớp 5è chiếm giải sư tử.) và thầy nhấn
mạnh chữ “taillée” thành “tải dê” thật
buồn cười nhưng chúng tôi nào dám cười thầy.
Thầy Albert trông nom
đoàn Nghĩa Sĩ và phụ trách luôn văn nghệ Mossard. Năm tôi mới vào nội trú, “lớn
xác” mà còn ở petit dortoir nên tôi được thầy chọn giúp thầy một tay trong công
việc cho mướn sách. Thầy cho học sinh mướn đọc các quyển sách hình Tintin,
Lucky Luke, Les Schtroumpfs v.v... vào buổi trưa để gây quỹ cho đoàn Nghĩa Sĩ.
Nhờ vậy mà tôi đọc trọn mấy bộ sách hình của Pháp không tốn một xu ten nào.
Trong sáu năm học Mossard, tôi được thầy Albert chọn trình diễn văn nghệ bốn lần.
Một lần trong một màn vũ nước Nga, một lần đóng vai tiên tri Isaia trong vở kịch
Noël, một lần vai công nhân trong vở kịch “Nhà Việt Nam” và một lần trong ca
đoàn Mossard trình bày bản nhạc “Hội Trùng Dương.” Nhớ lại tôi thấy thật vui và
... hãnh diện nữa.
Vào năm 2008 tôi ghé
Mai Thôn thăm quí thầy. Năm ấy thầy Albert tuổi đã gần 90 nhưng thầy vẫn còn dạy
kèm Pháp văn. Nghe có học trò cũ đến thăm, thầy bỏ cô học sinh ngồi một mình
trong phòng học, bước ra ngoài, tay bắt mặt mừng trò chuyện với tôi. Thầy Be của
tôi “gân” thiệt! Tôi khâm phục thầy.
đàoanhdũng
www.lasanmossard.org
(Xem tiếp)
Hân hạnh đón nhận những
lời bình luận dễ thương của bạn.
www.lasanmossard.org
(Xem tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét