Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




9 tháng 12, 2013

12. Một trăm phần trăm (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)



Năm 3è, niên học cuối cùng ở Mossard, lớp chúng tôi chỉ còn có 21 đứa cố gắng học dọn thi bằng Brevet (Trung học Đệ nhất cấp).
Năm 3è, 1966

Từ lúc ở nội trú Mossard, mỗi sáng thức dậy trước giờ ấn định tôi thường nghe tiếng chạy rập ràng dưới đường và tiếng đồng ca:



Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn ...

Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang ...



(Hành khúc Lục Quân Việt Nam, tác giả Văn Giảng)

Đó là những khóa sinh trường Bộ binh Thủ Đức đang chạy tập thể dục trên đường Hoàng Diệu, trước trường Mossard. Nằm trên giường suy nghĩ miên man tôi thầm mong chiến tranh sẽ chấm dứt khi tôi rời ghế nhà trường. Tuy nhiên, tình hình ngày càng tệ hơn sau cuộc đảo chánh vào ngày lễ Toussaint (lễ Các Thánh) năm 1963. Học sinh Mossard trong những năm đầu thập niên 1960 đã có vài đứa phải nghỉ học về nhà để tang cha tử trận. Nhiều kỳ nghỉ lễ đi xe đò về Tây Ninh tôi thấy xác xe hơi bị nổ tung còn nằm bên vệ đường. Mấy lần đường bị đấp mô tôi tưởng không về tới nhà hay trở lại trường được. Tôi cũng nhận thấy ba má tôi có nét mặt lo âu khi nghe tiếng đại bác dội về, khi bàn về những trận đánh nơi này vùng nọ. Dù được bảo bọc an toàn trong vòng rào trường nội trú, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của chiến tranh.

Năm 3è bạn bè chúng tôi đã bàn đến chuyện đi quân dịch, đứa nào cũng thấy mình cần phải ráng học thi đậu tú tài I để ít nhất được vào trường Bộ binh Thủ đức, làm sĩ quan. Do đó kỳ thi Brevet không quan trọng lắm, có rớt cũng không sao. Vài đứa đã suy tính chuyển sang chương trình Việt, học nhảy lớp, thi tú tài ban C, dễ ăn hơn với khả năng sinh ngữ của dân chương trình Pháp. Tuy vậy, chúng tôi đứa nào cũng cố gắng học hành trong năm 3è. Có thể nói năm 3è là năm trầm lặng, ân cần chăm chỉ học hành nhất của chúng tôi trong suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp. Vì sao? Vì đây là một thử thách đầu đời hay vì chúng tôi đã có chút trưởng thành do sự đe dọa của chiến tranh?

Năm ấy, thầy Raymond về làm Bề trên Hiệu trưởng, kiêm giáo sư Français titulaire lớp chúng tôi. Thầy Julien dạy Mathématiques Modernes, thêm hai môn Physiques (Vật lý) và Chimie (Hóa học). Thầy Mừng dạy Việt văn. Viết đến đây tôi cố moi óc nhưng không làm sao nhớ tên các giáo sư dạy những môn khác. Có lẽ vì chúng tôi chú trọng đến Français và Mathématiques hơn hết. Chúng tôi cũng rất chú trọng đến môn Việt văn vì đây là sinh ngữ chánh của chúng tôi có coefficient (hệ số) cao khi thi Brevet. Ngoài phần thi écrit môn này chúng tôi cũng phải vào oral. Chúng tôi không lo môn Anglais lắm vì đây là sinh ngữ phụ, coefficient thấp. Hơn nữa, chúng tôi sẽ phải thi Anglais hoặc Sciences Naturelles, hai chọn một. Đến lúc thi giám khảo xé bao đề thi mới biết Bộ Giáo dục Pháp chọn môn nào. Chúng tôi cũng có suy đoán rằng Tây vốn ghét Mỹ, họ sẽ chọn Sciences Naturelles. Đúng như vậy, năm ấy chúng tôi thi môn Sciences Naturelles. Khi ông giám khảo xé bao thơ, thông báo thi môn này cả lớp thí sinh vỗ tay thích thú.

Chúng tôi làm cả trăm bài thi mẫu để dọn cho kỳ thi này. Riêng tôi, tôi tự đặt ra hơn chục đề tài Rédaction (Luận văn) rồi tôi tự làm bài, trau chuốt câu văn, sửa lỗi văn phạm. Nguyễn Tùng Thanh giỏi Pháp văn nhất lớp, bạn tận tâm giúp tôi trong công việc dọn thi này.

Có một chuyện khá thi vị trong lúc chúng tôi soạn thi Brevet. Số là trong phần thi oral môn Việt văn chúng tôi phải chọn 10 bài văn xuôi hoặc văn vần để giám khảo đặt câu hỏi. Bạn Lương Lễ Chuẩn, một trong những bạn tếu lâm nhất lớp, chọn bài thơ “Đĩ già đi tu” của nhà thơ Tôn Thọ Tường. Bạn chú tâm học bài thơ này, dịch xuôi dịch ngược những câu thơ sang Pháp ngữ vì bạn nghĩ rằng tựa bài sẽ đánh vào mắt giám khảo và vị này sẽ chọn để hỏi bạn. Thi xong tôi tò mò hỏi, bạn chỉ mỉm cười. Tôi đoán giám khảo đã chọn bài thơ ấy cho bạn thi nhưng không chắc lắm.

Kỳ thi Brevet năm ấy học sinh Mossard 21 đứa đậu cả 21, đậu một trăm phần trăm, rồi chúng tôi tứ tán, vĩnh viễn rời Mossard.
 
Về mái trường xưa, hè 1966
 Khoảng một tháng sau chúng tôi (năm đứa bạn thân nhất, Thanh, Đáng, Nghiệp, Viên và tôi) trở lại Mossard để cám ơn các thầy. Chúng tôi chỉ gặp được thầy Raymond, Julien và papa François.

Mới có một tháng mà thầy Raymond không nhận ra tôi. Thầy cứ nhìn tôi và nói, “Méconnaissable! Méconnaissable!” (Không nhận ra). Thật ra lúc ấy tôi có da có thịt hơn lúc học thi. Phải chăng thi đậu nên tôi ăn nhậu hơi kỹ? Hay là lúc ấy tôi về Tây Ninh nghỉ hè má tôi nuôi tôi kỹ hơn các frères?

 Trong khi đó chúng tôi thấy papa François thật lạ vì thầy để tóc dài thay vì húi cua như lính trong sáu năm qua. Thầy cho chúng tôi hay thầy đang sửa soạn sang Pháp du học. Riêng thầy Julien cứ tủm tỉm cười, hãnh diện về đám học trò của thầy đã làm nên lịch sử Mossard. Chúng tôi là lớp đầu tiên thi đậu một trăm phần trăm.

Thăm viếng các thầy xong chúng tôi tản bộ quanh trường, bên ngoài cười đùa, nhắc đến từng kỷ niệm Mossard nhưng trong lòng ngậm ngùi nói lời chia tay với ngôi trường thân yêu của mình. Trong năm đứa chúng tôi Nghiệp là đứa duy nhất học nội trú Mossard từ lớp 11è (lớp chót chương trình Pháp). Hôm ấy, tôi hỏi Nghiệp nếu được làm lại ngay từ đầu bạn có trở lại Mossard không. Nghiệp trả lời, không chút ngần ngừ, “Trở lại!” Mỗi đứa trầm ngâm với những suy nghĩ riêng tư sau khi nghe câu trả lời của Nghiệp.




 
Về mái trường xưa, hè 1966

Tôi nghĩ Đáng, Viên và Thanh cũng có cùng một câu trả lời với Nghiệp. Riêng tôi, nếu được làm lại ngay từ đầu, chắc chắn tôi chọn Mossard.

Dù đã đạt được mảnh bằng Brevet, hãnh diện về thành tựu đầu đời, chúng tôi vẫn còn lối suy nghĩ “con nít” như vậy. Đâu có ai biết rằng chỉ có ba năm sau nhiều bạn trong số 21 đứa chúng tôi đã ở trong quân trường Quang Trung, Thủ Đức, hay tiền đồn đâu đó, gật gù nghe ca sĩ Hùng Cường ca dùm mình câu:



“Một trăm em ơi,

chiều nay một trăm phần trăm   ...”

(Bài hát của lính trước 1975 do nhạc sĩ Vũ Chương sáng tác.)



đàoanhdũng
www.lasanmossard.org


(Xem tiếp)
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

Không có nhận xét nào: