Thuở học trò của tôi không có “Ngày Nhà Giáo”, chỉ có ngày “Tết
Thầy” vào mồng ba Tết mỗi năm. Đây là một ngày có ý nghĩa nhất trong việc biết ơn
thầy. Theo phong tục thời ấy (bây giờ có người gọi là thời phong kiến) đàn bà
phải lo việc nội trợ, chỉ có đàn ông mới được đi học và dạy học mà thôi. Vì
thế, từ trong sách vở đến ngoài đời người ta gọi nhà giáo là thầy mặc dù thời ấy
cũng có một số cô giáo rồi.
Hồi ấy, năm nào cũng vậy, vào ngày mồng ba Tết, từ sáng sớm tinh
mơ, tôi và các bạn cùng lớp rủ nhau đi mừng tuổi thầy. Đứa nào đứa nấy cũng
xúng xính trong bộ quần áo còn thơm mùi vải mới, có đứa còn cả lằn phấn vạch
trên áo, có đứa mặc quần áo rộng thùng thình như người dơi…
Thật là vui khi đến nhà thầy. Chúng tôi, từng đứa một, đứng
nghiêm chỉnh, tay khoanh trước ngực, chúc thầy “Sống Lâu Trăm Tuổi” như đã chúc
ông bà, cha mẹ ở nhà vào ngày mồng một Tết. Đứa nào cũng được thầy xoa đầu rồi
dặn dò phải cố gắng học hành để lớn lên trả hiếu cho cha mẹ, phục vụ xã hội, đất
nước. Sau đó, cả bọn được thầy cho ăn bánh mứt no nê. Tốp nầy ra về thì tốp
khác đến… Thỉnh thoảng, có vài người lớn là học trò cũ của thầy đến thăm, thầy trò
tay bắt mặt mừng rồi cùng nhau đàm đạo bên tách trà nóng hổi.
Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, cha chồng của tôi là thầy
giáo dạy lớp nhất (lớp năm bây giờ). Hằng năm, học trò đến thăm ông từ mồng ba
Tết cho đến ngày hạ nêu (mồng bảy Tết). Khi ông mất, có nhiều người học trò cũ của
ông nghe tin đến viếng và chia phiên nhau canh linh cửu ông suốt ba ngày đêm
liền.
Mỗi thời đại mỗi khác... Ngày nay, Nhà Nước ấn định ngày
20/11 là “Ngày Nhà Giáo Việt Nam” nên không còn ai đi viếng thầy cô vào ngày mồng
ba Tết nữa. Tục lệ “Tết Thầy” đã trôi vào quên lãng hay là thiên hạ lo ngại làm
phiền thầy cô vào ba ngày Tết? Riêng tôi, mỗi năm vào ngày mùng ba Tết lòng tôi
chạnh nhớ đến các Ân Sư của tôi, tiếc rằng các vị không còn trên cõi đời này để
tôi thăm viếng, Tết Thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét