Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




26 tháng 8, 2014

Ngỡ Ngàng - Thơ đàoanhdũng

Đây là một bài thơ tôi "mần" lúc 19 tuổi.
Mới tình cờ gặp lại nó, nhờ anh chị bạn thơ văn 
vhp.Hạ Vũ, Phượng Ngày Xưa và Nguyễn Cang
giúp trau chuốt lại. Xin cám ơn quý anh chị
và xin chia sẻ cùng quý bạn.
đàoanhdũng


Ngỡ Ngàng
 
 Xa em anh đếm lóng tay
Bao hôm xa cách, bấy ngày nhớ thêm
Tiền đồn heo hút sương đêm
Mong kỳ phép tới cho mềm môi em.



 



Nhớ ai ánh mắt buồn tênh
Tay ghì báng súng bấp bênh sóng lòng
Hỏa châu soi sáng Cỏ Đông*
Bao giờ ta được tình nồng bên nhau?




 




Thương em giọng nói ngọt ngào
Anh theo cơn gió lọt vào phòng ai
Ngất ngây tình ngấm men say
Tạch đùng tiếng súng bên tai ngỡ ngàng...





 








Thôi đành rủ giấc mộng vàng
Đạn bom khói lửa dở dang tình mình

Mong sao sớm dứt chiến chinh
Anh về tìm lại người tình trăm năm.

Tây Ninh, 1969
* Sông Vàm Cỏ Đông


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.



Chân thành cảm ơn nhà thơ Khôi Nguyên, 
một vị đàn anh Tây Ninh, cảm tác bài thơ họa sau đây.
đàoanhdũng




Ước Mơ

(Họa Bài Ngỡ Ngàng)




Từ ngày hai đứa chia tay
Thù nhà, nợ nước tháng ngày nặng thêm.
Hỏa châu soi sáng từng đêm
Nhắc ta phải gạt nỗi niềm sang bên.

Biên thùy hiu hắt, buồn tênh
Mạng người sống thác bấp bênh não lòng 
Bây giờ tháng giá mùa đông
Thanh bình chưa đến, tình nồng được sao?

Nhớ thương da diết, ngọt ngào
Chung tình vẹn giữ khắc vào tim ai
Đêm nghe tiếng súng bên tai
Giật mình còn tưởng Thiên Thai, mơ màng!

Vì đâu lỡ giấc mộng vàng,
Vì đâu gây cảnh dở dang duyên mình?
Ước mong đất nước thanh bình
Anh về nối lại chuyện tình đôi ta...!

Khôi Nguyên
 

22 tháng 8, 2014

Khung Cửa Mênh Mông - truyện ngắn đào anh dũng



40 năm tưởng nhớ đồng bào nạn nhân

bị thảm sát trong biến cố Tết Mậu Thân tại Huế.

Ô
ng hai Khương ngồi dưới mái hiên hàng ba, trên chiếc ghế mây, tay phe phẩy cái quạt mo, nhìn con đường trước nhà. Thỉnh thoảng có người cỡi xe đạp chầm chậm chạy ngang. Đường vắng tanh. Lũ trẻ chơi thảy lỗ bên khu nhà thương phế binh ở bờ sông, bên kia đường, đã tan hàng về nhà ăn cơm chiều. Trong tầm mắt, về hướng tay phải của nhà ông hai là đồn Nghĩa Quân đóng ngay đầu cầu Nhơn Thạnh, bao cát và dây kẽm gai chằng chịt bao quanh. Không một bóng người, chỉ có chú lính cầm súng gác cầu trên lô-cốt.
Ánh nắng đang tắt dần, chiều đã đến, nhưng không khí vẫn còn oi bức. Ông hai thường ngồi hứng gió trước nhà vào những buổi chiều oi ả như hôm nay. Từ khi có phong trào thương phế binh cắm dùi, bờ sông mọc lên chi chít những căn nhà mái tôn, mái lá tạm bợ, những cơn gió thoảng man mác trở thành một ân huệ hiếm hoi. Ông hai không cảm thấy phiền hà gì về những căn nhà thương phế binh ấy. Ông biết mình còn may mắn hơn họ, thân thể ông cũng có những vết hằn chiến tranh, nhưng ông còn đủ chân tay, có thể kiếm ăn nuôi sống gia đình. Những người thương phế binh sống bên bờ sông, kẻ bỏ lại chiến trường cánh tay, người đi trên cặp nạng, kẻ lang thang như người mất trí, không còn gì hết, ngoài vợ con nheo nhóc. Một miếng đất cắm dùi họ cũng phải tranh đấu để có mái lá che thân. Xã hội tệ bạc, hay là chiến tranh dai dẳng đã làm con người trở nên lạnh nhạt trước nỗi khổ đau của kẻ khác?

Căn nhà ba gian, vách ván, mái tôn, nền tráng xi măng của gia đình ông bà hai Khương thật trống vắng kể từ ngày bà cùng ba cháu nhỏ về Trung. Đây là chuyến thăm quê ngoại hàng năm của gia đình ông bà từ cái Tết Mậu Thân tang tóc ấy. Năm nay, vì một tai nạn xe gắn máy, chân bị gãy phải đăng bột, đi đứng khó khăn, nên ông hai phải ở lại nhà cùng thằng con.
Ông hai xoay người, nhướng mắt nhìn bên hông nhà tìm thằng Phương, đứa con trai đầu lòng của ông bà, miệng lẩm bẩm: “Mới đó mà nó biến đi đâu vậy cà!”  Ông quơ tay, định tìm cây nạng để nhốm chân đứng lên, thì thấy thằng con hai tay đang xách hai gàu nước ở góc vườn. Nó đang tưới luống hành, luống hẹ cùng đám rau đủ loại mạ nó trồng cho gia đình dùng quanh năm. Nhìn thằng con nhễ nhại mồ hôi trong chiếc quần đùi, thân hình cao ráo, lực lưỡng, ông hai mỉm cười hãnh diện, nghĩ thầm: “Mới ngày nào mà bây giờ sắp thi tú tài, bước vào đại học rồi … Ờ, vậy mà còn khờ câm hè!”.
Nhớ trưa hôm nọ có Hạnh, con gái ông ký Ngà, đến học bài chung với Phương, ông hai lịch sự ngồi ngoài hàng ba nhưng tai nghe ráo trọi. Cái mã rụt rè, chúm cha chúm chím trong giọng Huế pha Nam nhè nhẹ, chút nằng nặng, đôi mắt hươu đen ướt ngơ ngác của nó làm cho vài cô học trò cùng trang lứa trong thị xã mê mệt. Việc học hành, bài vở chỉ là cái cớ vì những câu hỏi của Hạnh thỉnh thoảng xa gần đến chuyện tình cảm. Vậy mà thằng Phương không biết đối đáp thích ứng. Lúc ấy, ông hai thầm nghĩ phải “dạy” thằng con bài học tình cảm, nhưng ông thấy làm vậy mình không công bằng với Hạnh, ông phải để chúng tự học mà bước vào đời.

Ừ, đôi mắt hươu đen ướt ấy, giọng nói nằng nặng đó anh em thằng Phương có từ mạ chúng nó. Cũng chính đôi mắt ấy, giọng nói đó đã cột chân ông ở đất thần kinh hơn mười năm. Cuộc tình của ông bà cũng khá gian truân và thơ mộng. Học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành! Nhưng đây không phải trai xứ Quảng mà là anh trung sĩ quân y người Nam mới ra trường được bổ nhiệm về tiểu khu Thừa Thiên. Anh trung sĩ cãi lời cha mẹ cưới vợ miền xa. Cô nữ sinh trung học vượt bức bình phong cổ kính, không ưng người “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà thương chàng trai xứ lạ.
Khi hai vợ chồng được bốn mặt con, ông hai bị trọng thương trong một cuộc cộng sản pháo kích vào Huế. Ông được giải ngũ, cùng vợ con xuôi Nam về quê, xin được chân y tá ở bệnh viện tỉnh. Mỗi ngày tan ca trực về nhà, ông đi chích dạo trong thị xã kiếm thêm lợi tức nuôi vợ con. Hai năm sau ông bà mới có khả năng tài chánh để đưa gia đình về thăm quê ngoại. Định cách năm mới về một lần, nhưng cái Tết tang thương năm ấy làm đảo lộn dự tính của ông bà.
Cái Tết thảm khốc ấy đã hai năm rồi mà ông hai Khương cứ tưởng chừng như nó vừa xảy ra ngày hôm qua. Những ngày cận Tết năm đó, bà hai cứ bồn chồn muốn về thăm quê ngay, không chờ đáo lệ hai năm. Có lẽ vì tin báo chí cho biết hai bên sẽ ngưng bắn ba ngày cho dân ăn Tết. Cũng đúng thôi – là người Việt Nam thì suốt năm làm lụng cực khổ, từng ngày hềm súng giết chóc lẫn nhau vì khác biệt ý thức hệ hay lý tưởng, hoặc vì hận thù nào đó, cũng phải kiêng ba ngày Tết để cúng bái, tưởng nhớ tổ tiên, cùng nhau chén chú chén anh, hưởng Xuân trong tình tự quê hương, dân tộc chớ!  Ông bà tính mãi không đào đâu ra tiền để về quê bà ăn Tết vì mới mua một xẻo đất và cất xong căn nhà tổ ấm. Ðành tự an ủi, thôi chờ đến Tết năm sau, hay sớm lắm là mùa Hè. Lúc ấy, mấy đứa nhỏ nghỉ học sẽ có nhiều thời gian hơn để thăm viếng ông bà ngoại và các cậu dì cùng bè bạn nơi chôn nhau cắt rún.
Chưa hưởng trọn ngày đầu năm, tin dữ từ đài phát thanh làm mọi người ngỡ ngàng. Người ta đã bội ước mở cuộc tổng tấn công. So với Sài Gòn, Huế và các tỉnh lỵ khác, tình hình quê nhà ông hai có phần khả quan hơn, chỉ có vài cuộc tấn công lẻ tẻ vào các đồn bót và pháo kích gây rối vào thị xã. Tuy nhiên, tâm trạng của gia đình ông hai rối tợ tơ vò. Ngoài tin tức từ đài phát thanh và báo chí, tin ngoại thằng Phương không được một chữ nào. Cả tháng sau mới nghe tin nhắn nhà cửa bị hư hại, nhưng may mắn không ai thiệt mạng vì chạy kịp thời vào nhà thờ Phú Cam trú ẩn, chỉ có cậu Tín em ruột của bà làm cán bộ Xây dựng Nông thôn bị bắt đi biệt tích.
Sau khi quân đội tái chiếm Huế và Quảng Trị, tin bay về Nam với những khám phá mồ chôn tập thể làm bà hai đứng ngồi không yên. Ông hai vay nợ, gởi con cho cha mẹ, định chỉ đưa một mình bà về Huế, nhưng thằng Phương nằng nặc đòi đi theo. Trong gia đình nó thương nhất, gần gũi nhất người cậu bị mất tích.

Trong đời ông hai chưa từng thấy cảnh tang tóc nào ảm đạm bằng cảnh đi tìm xác người thân ở Huế mùa Xuân năm ấy. Ông đưa vợ con đi từng nơi có mồ chôn tập thể, nhìn từng xác người đã rữa nát, từng màu áo, từng dấu vết thân quen. Cuối cùng ông bà nhìn ra xác người em ở khu Đông Di nhờ xâu chuổi Đức Mẹ còn đeo trên cổ. Tay anh bị cột quật ra sau lưng bằng dây kẽm gai. Thân xác anh không có dấu vết bị thương. Phải chăng anh cùng hàng ngàn đồng bào xấu số khác bị chôn sống?
Trong sự đau khổ cùng cực ấy, ông lo giữ bà, không cho bà nhào ôm cái xác bấy nhầy, hôi thúi của người em, mà quên đi thằng con của ông. Sau khi bà đã lấy lại bình tỉnh, ông mới nhớ đến nó. Quay mặt tìm, ông bắt gặp một gương mặt lạ lùng không thể tả. Gương mặt của một sự đau đớn tột cùng. Đôi mắt không còn là đôi mắt đen ướt hiền hậu của loài hươu mà là đôi mắt chất chứa hận thù cay đắng. Nó đứng lặng im, không một giọt nước mắt, nhưng ông biết  con ông đang mang trong lòng một nỗi buồn khôn xiết. Ông hối hận đã thương chìu con, không buộc nó ở lại nhà phụ ông bà nội lo cho mấy đứa em như ông bà đã định trước. Nhìn diễn biến trên gương mặt của thằng Phương, ông thương con quá đỗi, chiến tranh ác độc đã đẩy nó vào đời quá sớm.

oOo

Tiếng la lớn của một người lính Nghĩa Quân từ phía cầu Nhơn Thạnh làm ông hai Khương giật mình trở về thực tại.
“Tụi bây lo nấu nướng ăn cơm sớm đi. Đề cao cảnh giác! Trên quận cho biết trong núi hôm qua có tiệc liên hoan đó!”
Một người lính Nghĩa Quân khác văng tục:
“Đ.m., hễ có liên hoan là có chết mà cứ lao đầu vào. Ngu ơi là ngu!”
 “Hừ!”, ông hai lẩm bẩm một mình, “Tối nay lại ngủ hầm!”   Ông quơ cây nạng, đứng dậy, gọi thằng con:
“Phương ơi!”
“Dạ, con đang học bài. Ba gọi con chi rứa? 
Ông hai chưa kịp trả lời, thằng Phương đã chạy đến bên ông, tay nó đỡ cánh tay ông.
“Ba đi mô rứa? Có chi ba gọi con, chờ con dìu, ba đừng đi một mình rủi ro bổ không tốt mô.”
Ông hai mỉm cười. Ở trong Nam mấy năm nay mà thằng con ông còn mô tê răng rứa. Người ta nói đúng đó chớ - con cái nói theo giọng của người mẹ. Tuy nhiên, giọng nói chỉ là một phần của lòng thủy chung của vợ con ông với nơi chôn nhau cắt rún mà thôi. Mạ con thằng Phương "trọ trẹ" với nhau, lúc nào cũng “Huế mình”, ông nghe không buồn mà thương. Chính ông, xa quê hơn mười năm, ông hiểu rõ nỗi nhớ quê nó ray rứt đến mức nào mà.
Ông hai nhớ lại, sau chuyến về Trung năm ấy, thằng Phương trở nên lầm lì, ưu tư, không còn liếng thoắng như lúc trước. Biết con mình bị một đột biến tâm lý quá nặng về cái chết của cậu nó, ông bà hai cố gắng giải thích cho Phương nghe về cuộc đời và cái chết theo tín ngưỡng của mình. Thượng đế đã ban cho ta đời sống thì Ngài có thể lấy đi vào bất cứ lúc nào. Cuộc đời này chỉ là tạm bợ, cuộc sống đời sau mới vĩnh cửu. Ông bà khuyên con nên nhớ thương người cậu xấu số qua câu kinh nguyện, cầu xin cho cậu được sớm hưởng phước thiên đàng.
Phương nghe lời cha mẹ, siêng năng cầu nguyện, nhưng hình như tính hồn nhiên tuổi trẻ của nó đã mất rồi. Ông bà hai hy vọng thời gian sẽ giúp Phương nguôi ngoai, cho đến khi con Thu Hương mách lại anh nó có ý định nhập ngũ sau khi xong trung học để … trả thù. Ông hai bàng hoàng. Lòng chung thủy của con ông với xứ Huế mãnh liệt như vậy sao? Ông không ngại việc con ông sẽ bỏ học mà đi lính, nhưng sứ mạng cuối cùng của người chiến binh không phải giết chóc, mà tạo dựng hòa bình, mang lại tự do, no ấm cho dân tộc. Ra trận với lòng hận thù, người chiến binh sẽ đánh mất sứ mạng cao cả đó. Làm sao ông giải thích cho con ông hiểu đây. Lúc ở tuổi nó, ông đã một lần đánh mất lương tri con người, cũng vì thù hận. Ông đã kể cho con ông nghe kinh nghiệm ông trải qua. Ông chỉ kể, không khuyên nó phải làm gì mà để nó suy nghĩ và tự quyết định.

oOo


… Con còn nhớ ngôi mộ nằm kế ông bà cố của con ở làng Nhơn Hòa không?  Khi gia đình mình mới về đây, lần đầu ba dẫn mạ và các con đi thăm mộ thân tộc, con hỏi ba ai mà chết trẻ rứa, mới có 17 tuổi. Ba trả lời là mộ bà út của con, dì út của ba, mà ba không nói lý do bà mất sớm. Bà chết tội nghiệp lắm con à, cũng như cậu Tín của con vậy, chỉ khác hoàn cảnh mà thôi. Năm ấy ba 15 tuổi, nhỏ hơn dì út của mình có hai tuổi, nên thân với dì lắm, gọi dì là Út thay vì dì út đàng hoàng, theo vai vế. Mấy cậu dì khác của ba đã lập gia đình hết rồi, chỉ còn có Út ở với ông bà ngoại tức là ông bà cố của con.
Hôm đó 23 đưa Ông Táo, ông bà nội con sai ba với cô tư con về Nhơn Hòa vì ông bà cố con có nhắn về lấy nếp gói bánh tét ăn Tết. Đáng lý ra nhận quà xong ba đạp xe về nhà ngay vì hôm ấy Út phải theo ông bà ngoại đi ăn giỗ ở làng bên, nhưng Út xin phép ông bà ngoại ở lại nhà chơi với hai cháu, nài nỉ ba với cô tư chiều hãy về để Út làm xôi vị cho hai đứa ăn. Tội nghiệp Út. Làng Nhơn Hòa cách tỉnh lỵ có một con sông, đường bộ phải đi vòng chỉ bốn cây số, mà quê mùa lắm, con à. Út muốn ba với cô tư ở lại để Út hỏi thăm chuyện ngoài "tỉnh" có cái gì mới, chuyện gì lạ.
Mấy dì cháu đang trò chuyện bỗng có tiếng hàng xóm la chuyền nhau: "Tây bố! Tây bố!". Út lật đật dẫn ba với cô tư con chạy ra bui tre sau nhà để trốn. Bụi tre um tùm, có một lỗ nhỏ đủ để chui vào, nằm sau chuồng heo dơ dáy, hôi hám lính Tây không bao giờ bén mảng tới. Ngồi trong bụi tre chưa yên, Út giật mình nói: "Chết! Nồi xôi còn trên bếp lửa. Khét hết!" Út vội vã chạy vào nhà, ba kéo tay Út lại không kịp. Ba nghĩ rằng không phải Út tiếc nồi xôi, mà đó là phản ứng tự nhiên của một người con gái quê quen việc nội trợ. Ba ngồi trong bụi tre, qua kẽ hở thấy Út chạy trở ra, vẫn còn kịp để trốn nhưng đã nghe tiếng xí xô xí xào rất gần, Út đứng lại. Chuyện gì xảy ra chắc con cũng đoán được. Út không bị giết ngay hôm ấy, nhưng Út chết lần mòn sau lần Út bị làm nhục. Út mang tâm bệnh, khi tỉnh khi mê. Một buổi sáng, ông bà ngoại phát giác Út đã tự kết liễu đời mình trong đêm.

Phận Út đã an bài, riêng ba, ba nhớ mãi cảnh Út đứng lại để bị nạn. Ba nghiệm rằng Út đứng lại vì Út sợ khi chạy đến bụi tre mà không kịp, bọn Tây sẽ tìm ra chỗ trú ẩn rồi bắt luôn ba và cô tư, nên Út phải hy sinh. Út lo cho sinh mạng của ba và cô tư  như vậy mà ba lại hèn hạ, không có can đảm cứu Út. Ba mang mặc cảm đó và lòng hận thù tất cả người Pháp, quyết tâm có ngày trả hận.
1945, Nhật đảo chánh, người Pháp như bị giam lỏng, đi đâu cũng cúi đầu, không dám ngẩng mặt. Có người bị hành hung vô cớ ngoài chợ. Tuy ba không có đeo băng tay cờ mặt trời và chào bằng câu "Nippon Banzai" như một số người, nhưng ba hả hê lắm. Đến một đêm nọ, cả nhà đang ngủ bỗng có tiếng súng nổ, xong có tiếng la của người bị trúng đạn bằng tiếng Pháp. Lúc ấy quân đội Nhật Bản ra lệnh thiết quân luật vào ban đêm. Chắc người Pháp nào đó ra ngoài rồi bị lính Nhật bắn đó thôi. Ba nhớ mình nói lớn: "Chết mẹ mầy luôn! Đáng kiếp!", nhưng ba dỗ giấc ngủ lại không được vì lương tâm ba bị xâu xé giữa tình người và lòng thù hận. Tiếng kêu cứu, ban đầu còn lớn, sau nhỏ dần với tiếng "Maman! Maman!" trong đêm thanh vắng nghe thật thảm thương, vậy mà cuối cùng không ai ra tay cứu giúp. Con biết không, nếu ba ra ngoài để cứu người Pháp bị nạn đó cũng không có gì nguy hiểm đến tính mạng, chỉ cần một cây đuốc và tiếng hô to. Nhiều người chuyển bụng sanh con, phải đi bệnh viện vào ban đêm đã từng làm như vậy, lính Nhật không nổ súng.
 Con thấy đó, thời ấy người Việt mình căm thù người Pháp lắm! Sáng ra, ba thấy một anh lính Tây trẻ măng, hơn ba một hai tuổi gì đó, nằm chết cong queo bên vệ đường. Vết thương nhỏ ở đùi, không thể nguy đến tính mạng. Anh ta chết chỉ vì mất máu mà thôi. Ngay lúc ấy ba thấy sao quá bất nhẫn. Anh ta có trách nhiệm gì đến cái chết của Út mà ba thù, ba không thèm cứu mạng. Phải chăng anh ta chỉ là một người đến tuổi bị động viên như trăm ngàn người chiến binh khác, đi lính xa cha mẹ, xa quê hương, chứ không phải thứ lính đánh thuê, đánh mướn? Điều ba biết chắc chắn anh ta cũng là một con người như ba, mà sao ba không thương, không xót. Ba luôn luôn căm hờn, muốn đánh đổ mọi chế độ bạo tàn, bóp chẹt nhân quyền, nhân phẩm. Nhưng ba không thể để hận thù cướp mất lương tri của mình. Ba cũng may mắn nghiệm ra rằng hận thù không những không làm lành được vết thương, mà nó còn làm cho vết thương trầm trọng hơn nữa. Đó là lý do khi vào quân đội, ba tìm đủ mọi cách để phục vụ trong ngành Y. Ba có ý nguyện rằng trong suốt cuộc đời còn lại, với khả năng hạn hẹp của mình, ba sẽ tiếp tục hàn gắn các vết thương . . .

oOo

Chưa chợp mắt được bao lâu ông hai nghe tiếng đạn pháo kích. Thằng Phương nhanh nhẹn kéo người ông ra bìa bộ ván, hai tay bồng ông chui xuống hầm trú ẩn. Đầu hôm, hai cha con bàn tính với nhau, hai người ngủ trên bộ ván, có biến thì từ bộ ván chui vào hầm trú ẩn ngay dưới bộ ván cũng kịp. Liền sau đó, một loạt đạn pháo kích nổ liên tục. Hầm tối om. Thằng Phương chẹt diêm quẹt đốt cây đèn chong để sẵn trong hầm, rồi nó ngồi càm để trên đầu gối, tay ôm con Mực đã thót vào hầm khi nào ông cũng không rõ. Phương nhìn ông, nói khe khẻ:
“Không răng mô ba ơi, con chỉ nghe tiếng súng cối.”
“Ừ, chắc đánh nhỏ thôi.”
Ông hai hơi an tâm. Đạn súng cối không ác hại bằng hỏa tiễn. Người ta gác loại hỏa tiễn này trên bờ ruộng hay “giàn phóng” làm bằng cành cây sơ sài, nhắm hướng thị xã mà khai hỏa, trúng ai nấy chịu. Hỏa tiễn rơi chỗ nào không gì cản nổi, ông nghe nói mười từng bao cát cũng chịu thua. Chừng năm mười phút sau, ông hai nghe tiếng súng cà-nông phản pháo. Ông thoáng mừng vì nghĩ trận pháo kích chắc cũng sắp xong, chớ nhìn cái chân băng bột cứng đơ, xoay trở khó khăn trong căn hầm chật chội, ông thật ngao ngán. Bỗng có tiếng đạn súng nhỏ nổ rất gần, từng loạt, át cả tiếng của thằng Phương:
“Ba ơi, đánh ở cầu rồi!”
“Ừ, mà sao lạ quá! Chỉ có tiếng cạc-bin và M-16 chứ ba không nghe tiếng AK.”
Tiếng súng nổ từng loạt, xen vào là tiếng hỏa châu “bụp ... bụp”. Ánh sáng hỏa châu len vào kẽ hở vách ván, lóe lên rồi tắt dần, từng trái một. Ngồi an toàn trong hầm trú ẩn, ông hai không khỏi nghĩ đến gia đình các người thương phế binh bên bờ sông. Họ cũng phải tìm cách trốn tránh lằn tên mũi đạn để sống sót mà thôi. Cầu Nhơn Thạnh xưa nay là cái gai của cộng sản vì nó nằm trên trục lộ chính nối liền thị xã với căn cứ Bình Phước. Đã bao lần họ tìm cách phá hoại, khi cho người đội lục bình ôm mìn vào, khi tập kích tấn công. Tối nay, nghe theo tiếng đạn, ông hai đoan chắc mặt kia họ pháo vào tỉnh lỵ để đánh lạc hướng, mặt này họ cho đặc công gài mìn phá cầu, có thể bị các chú Nghĩa Quân phát hiện, hay tình nghi cái dề lục bình nào đó mà bắn hoảng đó thôi.
Đợi tiếng súng im được một đỗi, ông hai khều tay thằng con. Nó hiểu ý, khom người, dìu ông ra khỏi hầm trú ẩn và đỡ ông ngồi lên bộ ván. Thằng Phương trở xuống hầm trú ẩn thổi tắt cây đèn chong rồi nằm trên bộ ván, kế bên ông hai. Nó vòng tay gối đầu, mắt nhìn nóc mùng, nghĩ ngợi mông lung.
“Không biết mạ với mấy đứa em con ngoài nớ có yên không ba hỉ?”
Ông hai không tìm được câu trả lời cho thằng con vì chính lúc ấy ông cũng có câu hỏi tương tự. Ông vói tay, bóp nhẹ vai nó.
“Thôi, con đừng lo nghĩ xa xôi, ngủ đi để sáng mai còn đi học.”
Rồi như để tự trấn an mình, ông đề nghị cùng thằng con:
“Hay là cha con mình đọc kinh cầu xin Đức Mẹ che chở mạ và em con, và cho mọi người bình yên trong đêm nay nghe con.”
Hai cha con ông hai đang lâm râm đọc kinh chợt nghe tiếng con Mực khịt khịt rồi sủa rân lên. Thằng Phương choàng dậy, nhảy phóc xuống đất, miệng suỵt con Mực nhưng con chó không nghe, cứ hư hứ, ngoắc đuôi đánh hơi ở góc nhà. Phương thấy lạ, không suỵt con Mực nữa mà rón rén đến gần ôm nó vào lòng, tay vuốt đầu nó nhè nhẹ. Con chó vẫn khịt khịt, kêu hư hứ nho nhỏ. Bỗng có tiếng sột soạt bên ngoài, rồi giọng nói yếu ớt, run run, đứt khoảng:
“Ai … ông bà … làm … ơn cứu tôi …”
Phương lôi con Mực về bộ ván, nói khẽ với ông hai, lúc ấy đã ngồi dậy ở mép bộ ván:
“Ba ơi, có ai kêu cứu ở ngoài hè đó ba.”
Ông hai đưa ngón tay trỏ lên miệng, suỵt nho nhỏ:
“Suỵt … suỵt …”
Phương hiểu ý, nói thật nhỏ:
“Chắc Việt cộng bị thương quá ba ơi, mấy chú Nghĩa Quân chừ không có đi kích ngoài đồn mô! Còn bà con hàng xóm giờ này ai dám ra khỏi nhà.”
Ông hai gật đầu nhè nhẹ, ông suy nghĩ lung lắm. Lương tâm của con người, hơn nữa của một y tá, bảo ông phải cứu kẻ gặp nạn. Thời chiến tranh, đạn tránh người chứ người làm sao tránh đạn, ông không sợ chết, nhưng chân ông đang bị đăng bột, đi đứng khó khăn, làm sao cứu người. Ông cũng không thể bảo thằng con ra giúp. Nó còn quá trẻ, rủi ro có bề gì ông ân hận lắm. Mà liệu nó có bằng lòng cứu người cán binh cộng sản đó hay không. Cậu nó bị họ giết bằng cách nào nó biết rõ lắm mà. Mối hận thù đó đã phai trong lòng nó chưa? Tiếng kêu cứu của người cán binh cộng sản càng lúc càng cấp bách hơn, thêm vào tiếng rên rỉ nghe thật não lòng. Thoáng trong tiếng rên rỉ thảm thiết ấy, ông hai chợt nghe tiếng gọi nho nhỏ, đứt quãng:
“Đau quá! … Má ơi …”
Ông hai Khương nhíu mày, ngồi im lặng, ánh mắt xa vời vợi.  Tâm tư ông trở về cái đêm của cuộc chiến tranh trước, của năm 1945 hổn loạn - Nhật đảo chánh, Việt Minh nắm chánh quyền, Tây trở lại ... Tiếng kêu cứu của người cán binh cộng sản có khác chi tiếng gọi Maman! Maman! của người lính Pháp năm xưa.  Đây là một cơ hội để ông chuộc lại lỗi lầm sau bao năm vẫn còn vương vấn trong lòng. Ông phải ra tay, nhưng với cái chân đăng bột, cặp nạng, ông phải làm sao đây?
“Ba! Ba!”
Thằng Phương vừa khe khẽ gọi, vừa lắc cánh tay ông hai, mắt nó nhìn ông. Ông hai choàng tỉnh, nhìn sâu vào mắt thằng con. Ông nhận ra đôi mắt hươu đen ướt hiền hậu đã trở lại trên gương mặt của nó. Ông chợt hiểu ánh mắt đó muốn nói gì với ông. Đầu óc ông không còn nghĩ đến lằn tên mũi đạn, không lo ngại con ông còn quá non nớt nữa. Ông ôm hai vai thằng Phương:
“Ừ, con ra ngoài, mang cậu ấy vào đây cho ba lo thuốc men, băng bó. Cẩn thận nghe con!”
Phương bóp vai ba nó thật chặt.
“Không răng mô ba!”
Thằng Phương tay cầm cây đuốc dầu chai, tay mở rộng cánh cửa nhà, miệng la lớn, gọi mấy chú lính Nghĩa Quân:
“Anh hai Bé ơi! Anh tư Ổn ơi! Phương đây! Có người bị thương, em ra cứu đó nghe! Đừng bắn! Đừng bắn!”
Ông hai Khương kềm giữ con Mực, không cho nó chạy theo thằng con ông đang bước qua khung cửa trong ánh đuốc bập bùng, đi vào một không gian tối om, vô định. Trong khoảnh khắc đó, ông thấy con ông đang bước vào cuộc đời mông mênh, đầy bất trắc và chông gai. Tuy nhiên, ông cảm thấy hãnh diện và vui sướng trong lòng. Thằng Phương con ông đã biết tự quyết định việc phải làm và thật sự bước vào đời. Lòng nhân ái sẽ là ánh đuốc soi sáng nó trong suốt cuộc hành trình sắp tới, nó sẽ sống một cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa.

đàoanhdũng
Cận Xuân Mậu Tý, 2008


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.