Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




30 tháng 10, 2013

Xin lỗi



(Tạp chí Văn Hữu, số 21, mùa Hạ 2013)
 
Công ty anh làm việc tài trợ cho nhiều hội đoàn nhân viên sinh hoạt theo sắc tộc, giới tính, sở thích thể thao, thú tiêu khiển v.v...  Đây là một cách để công ty cầm chân nhân viên. Môi trường làm việc có thoải mái, họ mới mọc rễ, ở lâu.
Lần thứ nhì sinh hoạt với hội nhân viên gốc Á Châu anh tình cờ ngồi bên hắn. Nhìn bản tên  hắn là HOANG TANG, diện mạo người Việt, trạc tuổi anh, nên anh hỏi nhỏ, bằng tiếng Việt:
“Hoàng phải không? Khi xưa ông ở tỉnh nào?”
Hắn nhíu mày nhìn anh, rồi trả lời, bằng tiếng Anh:
“Xin lỗi, tôi là người Trung Hoa.”
Anh cảm thấy hụt hẫng vì anh có linh tính hắn là người Việt nhưng anh cũng ráng hỏi tiếp, bằng tiếng Anh:
“Xin lỗi, vậy chứ ông sinh quán ở đâu?”
Hắn trả lời:
“Shanghai.”
Lần ấy,  anh có thắc mắc, họ Tăng đích thị là gốc Trung Hoa nhưng sao tên của hắn không là Wang, là Won? Thế thôi.
Mấy tháng sau anh lại có dịp sinh hoạt với hội Á Châu, lần này có một nhóm nhân viên từ Bắc Kinh tham dự. Một chị ngồi kế bên tự nhiên hỏi thăm anh bằng tiếng Quan thoại. Anh nhã nhặn trả lời anh là người Việt Nam. Nhìn hắn ngồi phía bên kia bàn, anh cảm thấy buồn cười - anh là người Việt Nam mà chị Trung Hoa tưởng anh là đồng hương, còn hắn là người Trung Hoa mà anh lại lầm hắn là người Việt. Vì thế, anh đưa tay về phía hắn, thật tình giới thiệu hắn là người Trung Hoa, gốc Thượng Hải. Chị Bắc Kinh xổ ra một tràng với hắn. Thay vì trả lời câu chào hỏi, hắn lúng túng nói bằng tiếng Anh:
“Xin lỗi, tôi không biết tiếng Trung Hoa.” 

Từ đó, hắn luôn tránh mặt anh.

đàoanhdũng
Apple Valley, Minnesota

Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

Chạnh lòng


23 tháng 10, 2013

Ông “xếp” gia đình


(Tạp chí Văn Hữu, số 21, mùa Hạ 2013)



Sáng hôm ấy tôi có cái hẹn thử nghiệm định kỳ ở bệnh viện, thử độ mỡ trong máu. Ghi danh xong tôi ngồi xem báo, chờ đến phiên mình. Bỗng nghe tiếng mở cửa phòng và vài câu đối thoại hơi to bằng tiếng Việt nên tôi tò mò, liếc mắt nhìn. Thì ra có ba người, một đàn ông và hai phụ nữ, vừa bước vào phòng. Hai người phụ nữ, một người tuổi độ trung niên, người kia là một cô gái khoảng 17, 18 tuổi, ngồi vào ghế chờ. Người đàn ông tuổi sồn sồn đi thẳng đến quầy ghi danh.
Ngồi gần nên tôi nghe lóm cuộc đối thoại (bằng tiếng Anh) tiếp theo câu chào hỏi thường tình tại quầy ghi danh, như sau:
“Tôi có cái hẹn vào lúc 9 giờ 30.”
“Xin ông vui lòng cho tôi biết số điện thoại để lấy hồ sơ.”
Người đàn ông đọc số điện thoại.
“Xin lỗi, không biết sao tôi tìm không ra hồ sơ của ông trong máy vi tính. Xin ông vui lòng cho tôi biết họ và tên.”
Người đàn ông nói tên và đánh vần:
“Hoa Phan. H. O. A. P. H. A. N.”
“Rất tiếc tôi vẫn tìm không ra hồ sơ. Xin lỗi, ông có chắc ông có cái hẹn ngày hôm nay không?”
Chợt có câu nói tiếng Việt thật to từ hàng ghế chờ đợi:
“Lộn rồi ông ơi! Bả hỏi họ rồi mới tới tên mà ông nói tên trước thì làm sao mà bả tìm cho ra.”
Cuộc đối thoại tiếp tục ở quầy ghi danh (bằng tiếng Anh):
“Ô ... xin lỗi. Họ P. H. A. N. Tên H. O. A.”
“À ... đây rồi, tôi tìm ra rồi! Xin mời ông ngồi chờ đến phiên.”
Khoảng 10 phút sau, một bà y tá xuất hiện ở cửa phòng chờ đợi, gọi tên tôi. Tôi bước đến cửa phòng. Bà y tá xác nhận tên tôi xong bà gọi tên Hoa Phan. Tôi đinh ninh đó là người đàn ông khi nãy ở quầy ghi danh nhưng lại thấy cả ba người tiến tới. Bà y tá ngạc nhiên hỏi:
“Xin lỗi. Ai là Hoa Phan?”
Cô con gái trả lời, giọng tiếng Anh khá chuẩn:
“Tôi là Hoa Phan.”
“Mời cô theo tôi.”
Hai người kia lại bước theo. Bà y tá đưa tay cản.
“Ô ... Ô ... Xin lỗi ông bà là ai của cô gái này?”
“Chúng tôi là cha mẹ.”
“Xin ông bà cảm phiền ngồi chờ ở đây.”
“Không, chúng tôi phải có mặt. Con gái chúng tôi còn nhỏ tuổi.”
Bà y tá xem giấy tờ xong, trả lời:
“Vậy xin mời bà theo cháu.”
“Còn tôi thì sao? Tôi cũng phải có mặt chớ, tôi là chủ gia đình mà!”
Khi ấy tôi mới nghe người đàn bà lên tiếng:
“Thôi đi ông! Làm ơn ở ngoài chờ dùm. Bộ không có ông tụi tui chết hết hay sao?!”

Tôi nhường cho hai mẹ con cô Hoa bước vào cửa khu thử nghiệm trước rồi bước theo sau. Người đàn ông đứng khựng lại. Cửa vừa đóng, người đàn bà nói với tôi:
“Nghe bà y tá đọc tên mới biết chú là người Việt Nam mình. Cảm phiền nghe chú. Ông anh bảo lảnh tụi tui qua đây được hơn một năm rồi mà ông nhà tui cứ chứng nào tật nấy, lúc nào cũng chủ hộ, chủ hộ. Thiệt là chán!”
Lúc ấy, ngoài mặt tôi tươi cười nhưng trong lòng  thấy  tội nghiệp cho ông “xếp” gia đình ấy. Sang xứ này, nhiều thứ đảo lộn trật tự, vị trí tên và họ cũng đảo lộn luôn. Chỉ có cái họ thôi mà khi đọc trước, lúc đọc sau, nói gì đến cái chức chủ gia đình. Rồi nó cũng mai một thôi!

đàoanhdũng
Apple Valley, Minnesota



Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.
 

21 tháng 10, 2013

Khánh Hà - May Mà Có Em



tôi thèm giấc ngủ thật êm

tóc tơ em trải một thềm khói mây

tôi thèm giấc ngủ thật say

có hương tóc cũ bay đầy chiêm bao

hồn trôi đến bến mộng nào

để khi tỉnh dậy có nhau đời đời

mặc cho vật đổi sao dời

còn em tôi vẫn thấy đời dễ thương

Khánh Hà - Na-Uy