“Chín ơi, bây giờ đi Ban mê thuột mình còn phải đi vòng từ
Đà lạt không vậy chú?”, tôi hỏi đứa em
còn ở Việt Nam. Chú cười, giọng có chút khôi hài:
“Ông anh ơi, sao ông nhà quê quá vậy!? Bây giờ yên rồi mình
đi từ Tây Ninh băng qua Chơn thành rồi bắt quốc lộ 14 đi thẳng đến đó. À, bây
giờ người ta gọi là Buôn Ma Thuột.”
“Ban hay buôn, ma hay mê cũng được. Đi bao lâu tới?”
“Anh hỏi chi vậy? Đi thăm ‘người xưa’ hả? Khoảng 350 cây.”
“Ờ, thì người xưa! Nhưng người xưa đây là hai ông thầy cũ.
Đi và về hai ngày đủ không?”
Tôi hỏi chú em như vậy vì chuyến này tôi đưa vợ con về Việt
Nam có hai tuần lễ, trừ đi mấy ngày ngồi máy bay, thời gian thăm quê nhà không
có bao nhiêu. Vì quá bận công việc làm nên tôi không thể lấy phép lâu hơn được.
“Dư sức. Nếu ba bốn giờ sáng mình khởi hành thì sẽ đến Buôn
Ma Thuột khoảng 12 giờ trưa. Ngủ đêm ở đó rồi sáng mai trở về. Đường đi cũng
khá tốt, không mệt lắm đâu. Anh chị và mấy cháu sẽ có dịp xem phong cảnh vùng
Tây nguyên ...”
Tôi nhờ chú em mướn xe để sáng sớm hôm sau chúng tôi khởi
hành ngay. Vợ con tôi nghe nói hai ngày ngồi xe, lắc đầu, xin được ở nhà chơi
cho khỏe.
Đúng như ước tính của chú em, chúng tôi đến Ban Mê Thuột khi
trời vừa xế ngọ. Ăn trưa xong, tôi nhờ tài xế lái đến số 133B đường Phan chu
Trinh.
Đã gần 40 năm tôi chưa gặp lại thầy Salomon lần nào nhưng
tôi nhìn ra thầy ngay. Gương mặt thầy có chút thay đổi, tóc thầy chỉ còn ít
cọng lưa thưa, bạc trắng, tướng đi của thầy lụm cụm. Tôi dặn chú em cứ đi chơi
đâu đó, khoảng hai giờ sau đến đón tôi. Tôi đến bên, khoanh tay cúi đầu chào
thầy:
“Thưa frère, frère khỏe không?”
Thầy nhìn tôi, ánh mắt của thầy khi ấy giống như một ngọn
đèn bựt sáng vào gương mặt của tôi trong giây lát rồi vụt tắt.
“Thưa ông, ông là ai mà gọi tôi bằng frère?”
“Dạ, con là Dũng đây frère.
Dũng học Mossard từ năm 60 đến 66 ...”
“Dũng nào? Nguyễn Tiến Dũng học frère lớp 10è hay Dũng ... Ơ
... frère có nhiều học trò tên Dũng lắm. Xin lỗi con, lâu quá rồi frère không làm sao nhớ ...”
“Dạ, con là Dũng quê ở Tây Ninh, Dũng ‘le choisi’ đó frère! Năm
ấy con ở nội trú, học lớp 7è Spéciale
mà ngủ ở petit dortoir đó ...”
“A ... Chúa ơi! Frère
nhớ ra rồi. Dũng ... con ... con làm gì
ở đây?”
“Dạ, con tìm thăm frère.”
“Ôi, Dũng ơi, frère mừng ... mừng quá! Con ngồi xuống đây.
Bây giờ con ở đâu? Ai ... ai cho con biết frère
ở đây?”
Thầy vừa nói vừa kéo tôi ngồi xuống chiếc băng gỗ dưới một
bóng cây gần đó rồi thầy trò chúng tôi thi nhau hỏi thăm và kể cho nhau nghe
những kỷ niệm năm xưa. Khi tôi nói đùa với thầy rằng tôi nghe nói bây giờ thầy
là “chuyên gia” nuôi heo, nuôi thỏ và cũng là một nhà làm vườn chuyên nghiệp,
thầy thao thao bất tuyệt kể chuyện cây cối thầy trồng, chuyện thú vật thầy nuôi
... cho đến lúc chú em của tôi đến đón, tôi đành phải nói lời chia tay cùng
thầy. Khi bắt tay từ giã thầy tôi kín đáo nhét vào tay thầy vài tờ đô-la, chút
quà mọn xin thầy chuyển cho nhà dòng. Thầy nắm tay tôi, siết chặt như không
muốn rời. Tôi xin phép được đọc cùng thầy những câu kinh ngày xưa thầy đã dạy
cho tôi:
“Notre Père, qui êtes aux cieux
Que votre
nom soit sanctifié.
Que votre
règne arrive ...”
(Những câu đầu của kinh Lạy Cha)
Sau khi thầy trò chúng tôi đọc
xong bài kinh chót, kinh Gloire
au Père (Kinh Sáng Danh), thầy nhìn thật sâu vào mắt tôi
và hỏi:
“Con ... sau bao nhiêu năm con vẫn
còn nhớ những câu kinh này ... Con ... hay là ... hay là con đã trở lại với Chúa?”
Tôi nhìn đôi mắt nhân từ của thầy,
nhè nhẹ gật đầu. Ánh mắt của thầy bỗng lóe lên như vì sao Bắc Đẩu, thầy ôm lấy
tôi và thầy nói, giọng run run:
“Oui,
je sais, mon enfant. Tu es vraiment le choisi!”
Tôi bàng hoàng, cảm động. Đây
chính là câu thầy nói với tôi năm xưa, năm tôi bắt được chiếc bánh vua, năm tôi
được một ngày làm vua Mossard. Tôi ôm thầy, đầu cúi trên vai thầy cho đến khi cảm
thấy một cơn gió lạnh thổi luồn dưới chân, cuốn theo vài chiếc lá khô. Tôi chợt
thấy trong đám lá ấy có mấy tờ đô-la tôi vừa trao cho thầy. Tôi vội buông vai
thầy, hai chân vụt chạy, hai tay cố chụp lại mấy tờ đô-la. Tôi la lên:
“Frère! Frère! Đô-la!
Đô-la! Bay! Bay rồi!”
Bỗng ai đó lắc mạnh vai tôi. Tôi
giật mình ngồi dậy, mới hay tôi đang ở trong phòng ngủ nhà mình, chăn mền bị
tôi đạp tung, chân tôi lòi ra ngoài, lạnh buốt với cái rét Minnesota. Nhà tôi
ôm vai tôi hỏi:
“Anh thấy chi mà la to rứa?”
Tôi nhớ lại giấc mơ, khe khẽ nói:
“Anh mơ thấy anh đi thăm frère Salomon ở Ban Mê Thuột. Hồi hôm
trước khi ngủ anh lên internet xem
trang Lasan mới hay frère đã qua đời.
Hè năm rồi đáng lý ra mình về Việt Nam rồi đi thăm frère nhưng anh bận công việc quá. Bây giờ thì trễ rồi, anh thật ân
hận ...”
“Em nghĩ anh đọc tin buồn rồi để
trong tâm trí nên mới nằm chộ thấy frère.
Mà răng em nghe anh la lên, hình như là ‘đô-la, đô-la, bay, bay’ rứa?”
“Anh thấy mấy tờ đô-la anh vừa
biếu frère sao tự nhiên bay cuốn theo
một cơn gió rồi anh chạy theo cố chụp chúng lại ... A ... em ơi, anh nghiệm ra
rồi! Phải chăng ... phải chăng frère
về nhắc khéo anh sao cứ mãi mê đeo đuổi công việc, cứ chạy theo đồng tiền?”
Nhà tôi nắm lấy tay tôi một hồi
lâu o mới ngọt ngào nói:
“Anh, em ... em muốn nói với anh
việc ni lâu rồi nhưng mô dám. Anh bay đi công tác xa hoài, miệt mài làm việc,
bỏ mạ con em ở nhà buồn chi lạ. Có nhiều ngày chúa nhật mạ con em đi lễ mà
không có anh. Thôi, việc ni nặng nhọc quá, anh tìm việc khác, anh hỉ. Để anh có
thể ở nhà với mạ con em nhiều hơn ... Chừ hai đứa mình đọc cho frère vài kinh, rồi mình ngủ lại hỉ ...”
Tôi siết tay nhà tôi, lòng tràn
đầy hạnh phúc. Tôi thầm cám ơn thầy Salomon, vị ân sư của tôi, rồi tôi tự nhiên
bắt câu kinh, “Notre Père, qui êtes aux
cieux ...” nhưng câu kinh ấy bị gián đoạn bởi cái siết tay ra dấu của nhà
tôi. Tôi giật mình, bắt lại câu kinh bằng tiếng Việt, “Lạy Cha chúng con ở trên
trời ...”
Apple Valley, Minnesota
Cận Xuân Quí Tỵ,
2013
đàoanhdũng
www.lasanmossard.org
www.lasanmossard.org
Hân hạnh đón nhận những lời bình
luận dễ thương của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét