Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




6 tháng 8, 2013

Lục Bình Cẩm Giang



Tôi yêu màu tím, màu mực học trò tuổi thơ dại, màu trái mồng tơi vườn quê, màu hoa păng-xê (1) Đà Lạt, màu hoa sim thơ Hữu Loan.  Khi “bồ” với tôi, chàng (cha của bầy trẻ) nói với tôi rằng chàng cũng yêu màu tím. Lần hồi tôi mới biết chàng chỉ  “nịnh đầm.” Thật ra, chàng thích màu da trời xanh lơ, xanh biếc vì áo sơ-mi hay pô-lô (2) hay ti-sợt (3) của chàng đa số màu xanh. Tôi không màng tới vì đó chẳng qua là một lời nói dối ...  dễ thương.  Có điều mỗi lần tôi nói đến màu tím gương mặt chàng lại thoáng ngẩn ngơ, nhắc đến màu tím hoa lục bình quê cũ. Tôi đâm ra thắc mắc.



Tôi sinh trưởng ở Sài gòn. Ba mạ tôi, gốc miền Trung, cư ngụ bên rạch Nhiêu Lộc, gần nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Khi còn nhỏ,  thỉnh thoảng tôi thấy một về lục bình trôi lững lờ, mênh mang theo con nước.  Anh tôi, một người có tâm hồn thi sĩ đọc mấy câu thơ (không biết anh đặt hay lượm ở mô):


       Thân em như thể lục bình,

       Sóng xô gió dập lênh đênh giữa dòng ...



Ba tôi nghe vậy thì khuyên lơn: “Sống ở đời mấy con phải có định hướng, chớ đừng có như lục bình, rày đây mai đó, bạ đâu tấp đó!”  Khi ấy tôi còn ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, tôi nào hiểu số phận nổi trôi của lục bình.  Đến lúc cùng gia đình vượt biên, tôi mới thấm thía thế nào là lênh đênh trên sóng nước.



Nghe chàng nói hoa lục bình mà thời ấy in-tợt-nét (4) còn phôi thai, gu-gờn (5), da-hu (6) còn trong trứng nước nên tôi không có cách nào để tìm kiếm mà biết hình dáng nó ra làm sao.  Hỏi thì chàng bảo rằng nó màu tim tím như hoa bằng lăng, hoa sim, chính giữa có nhụy vàng. Một mình, hoa lục bình không có nét gì thật đặc sắc. Nó mong manh, đơn giản, không rực rỡ như hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn. Chàng hứa sẽ có ngày chàng đưa tôi về thăm quê nhà Tây Ninh, đi ngắm hoa lục bình ở Cẩm Giang. Nơi ấy lục bình mọc đầy dòng Vàm Cỏ Đông; tôi sẽ thấy hoa nở đồng loạt, làm khúc sông quê ấy nổi bật lên. Chàng kể rằng địa danh Cẩm Giang do đó mà ra. Từ xa xưa, nó gợi cho người Tây Ninh hình ảnh một dải gấm (cẩm) trên dòng sông (giang).  Cũng có truyền thuyết nói rằng, ngày xưa có một ông quan người Huế đến viếng vùng này, thấy khúc sông đẹp, uốn khúc như một dải lụa, nên ông quan đặt tên “Cẩm Giang” và cho cất một ngôi chùa bên bờ sông. Chùa này mang tên “Chùa Quan Huế.” Từ đó, tôi mong có ngày thấy tận mắt dải gấm trên sông Vàm.



Cưới nhau được 18 năm chàng mới có dịp đưa tôi về Tây Ninh. Nhân có Giỏi, một người học trò cũ của chàng nhà ở Cẩm Giang đến thăm, tôi mới nhắc đến hoa lục bình. Giỏi thật tốt bụng, hẹn sáng sớm hôm sau đưa chúng tôi đi xem hoa lục bình bằng ghe tam bản.

Trời còn tối mà chàng đã đánh thức tôi dậy. Chàng nói lục bình chỉ nở rộ vào buổi sáng và chàng muốn chụp nhiều ảnh về cảnh vật này lúc mặt trời mọc. Chàng mượn chiếc Honda của chú em, chở tôi đi Cẩm Giang.

Đến nơi, trời mới tờ mờ sáng mà Giỏi đã chờ sẵn. Chàng mời Giỏi đi ăn hủ tiếu. Tôi vui buồn lẫn lộn theo câu chuyện thầy trò chàng kể cho nhau nghe. Chàng hỏi Giỏi về cuộc sống  sau biến cố 30 tháng 4, Giỏi trả lời: “Àng ... a, giải phóng rồi em cưới vợ ở luôn bên nầy, chứ hổng có dìa Bến Cầu.” Chàng tìm hiểu về phong trào nuôi tôm đang rộ, đi đâu cũng nghe người ta nói bỏ ruộng bắt tôm. Giỏi lắc đầu, nói: “Àng ... a, dạ không, em làm ruộng cũng đủ sống nên em hổng ham nuôi tôm, nuôi tép gì hết!” Khi ấy tôi mới nhận ra giọng nói chất phát của người Tây Ninh, đặc biệt khi nghe Giỏi hay bắt đầu câu nói bằng hai chữ: “Àng .... a ...” mà sau này chàng bảo với tôi đó là giọng nói của người gốc Bến Cầu, vùng đồng ruộng bên kia sông Vàm Cỏ.



Giỏi chèo len lỏi giữa đám lục bình khi trời ửng sáng. Chàng lách tách máy chụp hình. Riêng tôi thì như chú thỏ Bugs Bunny trong phim hoạt họa “What’s up doc?” khi chú ta sung sướng đứng giữa rừng cà-rốt. Tôi bàng hoàng ngây ngất giữa triệu triệu cánh hoa màu tím, bàng bạc, trải dài theo dòng nước bất tận. Ánh sáng ban mai càng chứa chan, những chùm hoa lục bình càng nở rộ duyên dáng. Tôi không ngớt đưa tay đỡ chùm hoa này, chùm hoa nọ. Hoa lục bình phía rìa màu tím lợt, bên trong tím đậm hơn, điểm những sợi gân tím sẫm, nhụy màu vàng hình trái tim. Hoa lục bình tuy đơn sơ, bình dị mà nó gợi cho tôi cái tình thôn dã, chất phát, mộc mạc đến duyên dáng giữa sông nước mênh mông của quê hương. Sau những giây phút gần như xuất thần ấy, đầu óc tôi có quá nhiều câu hỏi dành cho Giỏi về lục bình. Nó từ đâu mà ra? Mọc bít lối làm sao ghe thuyền qua lại? Ăn được không? Có công dụng gì đặc biệt không? v.v...

Giỏi trả lời, giải thích theo sự hiểu biết của anh ta nhưng tôi nhận thấy có chút bi hài trong giọng nói. Hoa lục bình đẹp thì có đẹp thật, nhưng chỉ đẹp ở trên dòng sông lưu chảy, đẹp khi được tự do kết bè trên sóng nước bao la. Chưa thấy ai chưng nó trong nhà. Hoa nó quá mong manh lại mau tàn héo khi phải rời môi trường sống. Lục bình đến từ nơi nào, trôi giạt đi nơi đâu; không ai biết.  Tuy nhiên, có người dùng đọt và hoa lục bình làm món ăn dân giả chấm với mắm kho, nhưng phải trụng chín vì ăn sống có thể bị ngứa họng. Cũng có người hái lục bình về bầm nấu cháu cho heo ăn. Người ta cũng đem lục bình về nuôi trong ao nhà. Nó sống chen chút nhau nên cọng dài cả thước tây. Người ta hái những cọng này về chẻ làm tư, phơi khô, đan thành võng nằm khá êm. Có lúc báo chí đăng loạt bài nghiên cứu nào đó nói có thể dùng lục bình để làm giấy, thay cho cây rừng, không phá hoại môi sinh. Nhưng rồi nghiên cứu đó trôi đi như thân phận lục bình trên sông. Năm nào người ta cũng than phiền lục bình làm cản trở lưu thông trên sông Vàm Cỏ. Những lời than phiền ấy rồi cũng cuốn theo con nước như lục bình trôi ...

Nắng vừa gắt chúng tôi quay ghe trở vô bờ, chấm dứt cuộc thưởng ngoạn. Lúc chàng bắt tay cám ơn và giã từ Giỏi, không hiểu sao tôi chợt nhớ đến hai câu thơ tôi đọc đâu đó ở báo chợ:



Cảm thương những đám lục bình

Lênh đênh thân phận đời mình ly hương.



Phải chăng vì tôi quá lưu tâm đến những về lục bình nổi trôi ấy mà đầu óc lại quay về thân phận lưu vong của mình? Vâng, vợ chồng chúng tôi, chàng gốc Tây Ninh, tôi sinh trưởng Sài Gòn, trôi dạt đến tận miền Bắc Mỹ và gặp nhau, sinh sống ở đây trên 30 năm. Chân đã mọc rễ xuống vùng đất giá lạnh này nhưng tâm tư vẫn còn vấn vương quê cũ. Đây không phải là “nhà” của chúng tôi, đúng như câu ngạn ngữ Mỹ: “Tim ta ở đâu, nhà ta ở đó.” (7) Thân nhân, bè bạn, đồng hương của chúng tôi, người sống miền Nam, kẻ miền Tây, miền Đông nước Mỹ, người ở xa tít Châu Úc, Châu Âu. Thời gian cứ biền biệt trôi chúng tôi không có cơ hội gặp nhau đông đảo như các đồng hương ở Nam Cali hay Sydney trong các dịp picnic Hè hay tiệc tất niên, tân niên.



Do sự khởi xướng của một nhà giáo kỳ cựu, các cựu học sinh liên trường Tây Ninh khắp nơi ở hải ngoại  cùng nhau tổ chức buổi hội ngộ lần đầu tiên tại Nam Cali vào năm 2009. Tôi thấy chàng lăng xăng liên lạc thu góp bài vở, trình bày quyển đặc san liên trường, phác họa lô-gô (8), làm pốt-tơ (9) cho buổi họp mặt mà vui lây.  Rồi ngày hội ngộ đến, thầy trò, bè bạn ai nấy tay bắt mặt mừng, líu lo trò chuyện, hồi  tưởng những ngày cùng nhau dưới một mái trường ... Rồi, thầy trò, bạn bè lại xa nhau. Người trở về miền Bắc, miền Đông; kẻ xuôi Nam, kẻ về tận Sydney ...



Hôm ấy, sau khi chia tay với một người bạn miền Đông Bắc tại sân bay Los Angeles, chúng tôi lặng lẽ kéo va-li đi hướng khác để bắt chuyến bay trở về Minneapolis. Tan rồi hợp, hợp rồi tan. Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Dù chỉ là một “nàng dâu Tây Ninh” song lòng tôi cũng nặng trĩu với suy nghĩ ấy. Theo thói quen, chàng nắm tay tôi khi phi cơ cất cánh. Bỗng chàng siết chặt tay tôi trong lúc phi cơ chao động rướng mình phóng vào bầu trời Cali. Tôi tưởng chàng lo âu tai nạn nhưng tôi lầm khi nghe chàng nói vào tai:

“Em nhớ hôm mình đi coi bông lục bình ở Cẩm Giang  không? Anh có cảm tưởng buổi hội ngộ liên trường vừa qua của tỉnh mình giống như cái cảnh những về lục bình tụ lại với nhau. Thầy trò ai nấy đều vui mừng, lòng mở hội như bông lục bình nở rộ. Nếu mình không được như lục bình tụ tập hàng năm ở Cẩm Giang, thì ít nhứt đôi ba năm gặp nhau một lần cho vui. Anh định về trển, anh gọi điện thoại bàn với anh Quí, chị Thao, anh Sáng liền. Em thấy sao?”

Tôi nhìn gương mặt rạng rỡ của chàng rồi nghiên đầu dựa vào vai chàng. Tôi siết nhẹ tay chàng thay cho câu trả lời.



Nguyễn Thị Thu Hà

“Nàng dâu Tây Ninh”



(1)   Păng-xê: pensée, hoa “tương tư”

(2)   Polo - áo thun có cổ.

(3)   T-shirt - áo thun màu.

(4)   Internet

(5)   Google

(6)   Yahoo

(7) Home is where the heart is.

(8)Logo - nhãn hiệu
           (9)Poster - bích chương


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn. 

Không có nhận xét nào: