Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




7 tháng 8, 2013

2. Câu Kinh Đầu Đời (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)



Tựu trường năm ấy, năm 1960, lần đầu tiên tôi sống đời học sinh nội trú xa nhà.
Sáng hôm lên trường, tôi khoanh tay thưa ông nội để đi học. Nội vò đầu tôi, biểu tôi ráng học cho giỏi, và nội cho tôi một trăm đồng để ăn bánh. Thiệt là le! Mà tôi có cần phải ăn xài gì trong trường nội trú, hai chục đồng ba má cho là quá đủ. Sau đó, mỗi tháng ông nội cho tôi một trăm. Tôi để dành nhờ anh Kiệt, người anh thứ ba của tôi, mua cho tôi một cái đồng hồ đeo tay hiệu Cytas giá 600 đồng. Đó là cái đồng hồ đeo tay đầu đời của tôi.
Tôi vào lớp 7è Spéciale dành riêng cho các học sinh chuyển từ lớp nhứt chương trình Việt sang chương trình Pháp. Trường Mossard có ba dortoir (nhà ngủ) dành cho học sinh. Dortoir nhỏ, gọi là petit dortoir, cho học sinh các lớp 11è, 10è và 9è; dortoir trung bình cho các lớp 8è, 7è, 7è Spéciale và 6è Préparatoire; từ 6è trở lên học sinh  ngủ ở dortoir lớn. Tôi thuộc lứa trung bình nhưng dượng mười của tôi xin cho tôi đổi sang petit dortoir để được cái giường kế bên Tâm, con của cô dượng, cho có anh có em bên cạnh nhau.
Tuần lễ đầu tôi rất bỡ ngỡ, gặp toàn là bạn mới. Trong trường chỉ có thầy chứ không có một cô giáo nào. Thầy đây là thầy dòng, ngoại trừ vài thầy giáo mặc thường phục, ai cũng mặc áo dòng đen, trên cổ mang cái rabat màu trắng, giống như cái cà-vạt nhưng ngắn ngủn, vuông vức, hình như làm bằng plastic. Khi ấy, tôi thấy thầy nào cũng như thầy nấy, khó biết ai là ai ngoài thầy dạy học của mình.
Tôi xin mở một dấu ngoặc ở đây. Trường Mossard những năm tôi học không có một bóng dáng phụ nữ nào. Ngoài các thầy, thầy dòng hay thầy giáo, nhân viên văn phòng, quét dọn, sửa chữa, nhà bếp ... toàn là đàn ông. Có chăng là ở dãy phố nằm dưới đồi, kế bên piscine, nơi cư ngụ của vài gia đình nhân viên nhà trường. Khu cư xá này có đôi bóng hồng tôi xin dành kể lại vào một chương khác của tập hồi ký này.
Vì lúc mới vào trường tôi không phân biệt được các thầy trong chiếc áo dòng đen nên tôi mới có cơ duyên gặp một vị  đã ảnh hưởng sâu đậm đến tôi sau này.
Hôm tựu trường, buổi chiều ra chơi tôi gặp một ông thầy dòng đầu sói với một gương mặt phúc hậu. Tôi cúi đầu chào vì hình như đây là ông thầy anh tôi đã giới thiệu hôm đi thi. Hôm sau, gặp thầy này tôi cũng cúi đầu chào. Khi tôi chào lần thứ ba, thầy bước đến bên tôi và hỏi:
“Sao lần nào gặp frère con cũng chào vậy?”
Tôi ấp úng nói:
“Dạ, con nhớ có gặp frère hôm hè đi thi, anh con dẫn con đến chào frère.”
Nghe đến đó, thầy ngạc nhiên nói:
“Chắc con lộn frère với frère nào rồi vì frère chưa có gặp con lần nào.”
“Dạ, a ... a ... vậy ... chắc là con nhìn lộn frère với frère ‘Sê Chen’ rồi.”
Ông thầy dòng cười ngất, rất vui vẻ, hiền hậu:
“À ... chắc là hôm ấy con gặp frère Bề trên Sébastien bên Đệ Tử viện. Còn frèrefrère Sa ... lo ... mon.  Sébastien đọc là Sé ... bas ... tien chớ không phải Sê Chen đâu nghen con.”
Tuần lễ sau, tôi gặp thầy Salomon hàng ngày vì đến phiên thầy làm surveillant (giám thị) nhà ngủ nhỏ.

Học trường đạo Thiên Chúa, khi vào lớp chúng tôi đọc kinh. Học xong cũng đọc kinh. Trước và sau khi ăn đọc kinh. Đến giờ đi ngủ sắp hàng trước hang đá Đức Mẹ đọc kinh. Ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở, lại đọc kinh. Trong khi đó, gia đình ba má tôi đạo thờ ông bà, thỉnh thoảng tôi  thấy má tôi đi chùa lạy Phật. Ở nhà, mỗi lần cúng giỗ, ba tôi biểu anh em chúng tôi xá trước bàn thờ Ông Bà. Cạnh nhà ông nội tôi có một cái am do ông cố chú của tôi làm chủ lúc sanh tiền. Anh năm của tôi có nhiệm vụ sang bên am đốt nhang mỗi buổi tối, thỉnh thoảng tôi thay thế anh năm đi đốt nhang.
Tôi chưa hề biết, chưa hề đọc một câu kinh nào.
Trước khi tôi thi vào trường Mossard, chị Paulette dạy tôi Pháp văn chớ chị không có dạy tôi đọc kinh Thiên Chúa bằng tiếng Pháp. Anh tư cũng không có dạy tôi câu kinh nào và anh cũng không căn dặn tôi điều gì khi ở nội trú. Hôm nay nhớ lại tôi khâm phục và cám ơn anh. Tôi nghĩ rằng anh muốn tôi tự khám phá, học hỏi những điều mới lạ và tự bươn chải lo lấy thân trong những năm đi học xa nhà ấy. Những kinh nghiệm sống với thầy, với bạn trong những năm tháng Mossard với lòng chân tình, đức bác ái và ý chí sinh tồn đã giúp tôi rất nhiều sau khi tôi trưởng thành, chạm trán với đời. Thói quen tự lập hữu ích này có vài lần giúp tôi thoát chết trong thời chiến tranh.
Mấy ngày đầu ở trường nội trú, tôi bắt chước các bạn làm dấu Thánh Giá rồi đọc kinh theo tụi nó, câu kinh bằng tiếng Pháp tôi không hiểu gì cả nhưng cứ nhắm mắt nháy theo mà đọc, không chút mắc cỡ. Một buổi tối, tôi đứng gần thầy Salomon đọc kinh cùng chúng bạn trước khi đi ngủ, tôi để ý thấy thầy nhìn tôi rồi mỉm cười nhưng tâm hồn vô tư tôi không thắc mắc tại sao thầy cười mình. Sáng hôm sau, thầy đưa cho tôi một tờ giấy chép tay ba kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, biểu tôi học thuộc lòng và đọc cho trúng, có thắc mắc gì thì hỏi thầy.
Đó là những câu kinh đầu đời của tôi.
Đó là những câu kinh tôi vẫn còn nhớ rành rành khi rời mái trường Mossard và trong những năm tháng nhiểu nhương. Đó cũng là những câu kinh tôi đọc khi gặp những khổ tâm, lo sợ, khi ở giữa sự sống và cái chết. Và đó cũng là những câu kinh tôi đọc khi “gặp lại” Chúa và trở thành con của Chúa, và lúc ấy tôi nhớ đến thầy Salomon của tôi thật nhiều. 

đàoanhdũng
www.lasanmossard.org

 (Xem tiếp)
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn. 

Không có nhận xét nào: