Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




27 tháng 8, 2013

Lia thia quen chậu

(Tập san Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, số 7, 2013)



 1.
Thu xếp xong công việc ở sở làm trước khi nghỉ hai tuần phép, Nhiên về nhà tắm rửa qua loa rồi ăn vội chén cơm nguội với mẻ cá kho tộ còn dư ngày hôm qua thì trời đã sụp tối. Anh vào bệnh viện ngay với chị và thằng con mới chào đời vào buổi trưa. Người miền Bắc Mỹ thực tiễn, khéo tính toán, tránh sanh con vào mùa hè, mùa hưởng thụ ngoài trời sau bao tháng giá lạnh. Do đó bệnh viện đang ế khách, có giường trống. Họ cho phép anh nghỉ qua đêm, cạnh giường của chị, vì chị còn kém tiếng Anh, cần người thông dịch.
Nhiên ngồi bên giường, nắm tay Thảo, hết nhìn chị rồi ngó thằng con đỏ hỏn của hai người đang ngủ say trong nôi. Anh chậm rải kể cho chị nghe anh đã gọi điện thoại về Việt Nam cho cha mẹ hai bên, báo tin mừng chị sanh con trai, mẹ tròn con vuông, và xin phép cha mẹ đặt tên nó là thằng Tâm Em. Nói đến đó Nhiên khựng lại, im lặng. Đôi mắt anh thoáng buồn, nhìn mông lung ra khung cửa sổ đang có ánh đèn vàng yếu ớt hắt vào. Thảo tế nhị bóp tay anh, chia sẻ nỗi buồn của anh và cả của chị, một nỗi buồn bất chợt đến trong ngày vui đặc biệt này. Nhiên vỗ nhè nhẹ lên bàn tay của chị, thầm nghĩ trong đầu: “Không, mình phải sống cho ngày hôm nay! Mình phải hướng về tương lai!”  Anh nhìn chị, trở lại  hiện tại, âu yếm nói:
“Nhè nhẹ một chút, cưng! Hồi trưa, lúc em rặn sanh thằng Tâm Em, em nắm tay anh siết mạnh quá, anh tưởng gãy mấy ngón tay rồi đó chứ. Mà anh đâu có dám than …”
Thảo xúc động, nhìn Nhiên, ánh mắt chị dịu dàng, ươn ướt. Chị không muốn nói câu cám ơn anh vì nó quá khách sáo, thừa thãi giữa vợ chồng. Hai người nhìn nhau, tay trong tay. Họ im lặng nhưng tâm tư họ đang quyện vào nhau. Họ biết, họ hiểu họ đang muốn nói gì với nhau qua ánh mắt, qua bàn tay …
Thảo cựa mình, muốn ngồi dậy. Chị lần tay mò tìm cái nút điều khiển độ nghiêng của giường. Nhiên lẹ tay bấm nút dùm, hỏi:
“Được chưa em? Em uống chút nước nghen!”
Chị khẽ gật đầu, nhỏ nhẹ nói:
“Hồi chiều nhà thương dọn cơm, em đói bụng mà nuốt hổng có trôi. Em nói họ để đó, em chờ anh vào mình ăn chung. Xí xô xí xào không ai hiểu ai, em đành phải húp chén súp mặn chát cho xong. Còn anh, anh ăn uống gì chưa? Mấy hôm rày em cố ý nấu buổi cơm chiều thêm một chút để anh có mà ăn khi em đi sanh con. Em có để dành một hộp thịt heo kho tàu với trứng và một hộp ra-gu ở trong ngăn đá, anh hâm lại để ăn tạm trong lúc em nằm cữ nghen.”
Anh thấy thương chị quá đỗi. Chị lo cho anh từng ly, từng tí. Anh choàng tay ôm chị, hôn nhẹ trên trán.
“Em đừng lo, anh ăn cơm rồi. Nuốt đại một chén với khúc cá kho tộ còn dư hôm qua, rồi lật đật vào đây với em, với con. Em chỉ có chén súp cầm hơi, chắc còn đói lắm. Hay là để anh chạy đến nhà hàng Việt Nam gần đây, mua cho em tô mì, tô cháo nghen?”
Chị ngoẻo đầu lên vai anh, nũng nịu: “Có anh ngồi bên, em no rồi!”
Anh trao cho chị ly nước, một tay anh choàng vai chị, tay kia anh đỡ đáy ly. Chị uống một hớp rồi trao ly lại cho anh. Bỗng chị hỏi:
“Cô y tá Hiền giỏi, đẹp, lịch sự quá hả anh?”
Rồi không đợi Nhiên trả lời, Thảo mỉm cười, liếc mắt ghẹo anh:
“Còn anh thì lúc trong phòng sanh thì y như là con lật đật vậy đó! Lăng xăng, lính quýnh, biểu người ta thở ra, hít vào, trật lất hết. Nếu không có cô Hiền thì không biết em đau đến khi nào mới sanh được thằng Tâm Em. Thấy phát ghét!”
Nhiên tát yêu vào má vợ, cười trừ. Để ly nước trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường, anh ngồi đực mặt ra, tự hỏi tại sao anh đã cùng chị dự khóa học phụ sản ở bệnh viện, thường ngày anh rất tự tin, quyết đoán trong công việc, vậy mà khi anh thấy cảnh chị lâm bồn, đau đớn, vật vã, anh mất bình tỉnh. Nghĩ về Hiền, Nhiên thấy cô ấy già dặn hơn, ánh mắt tự tin hơn, có vẻ hạnh phúc, khác với những ngày tháng xa xưa.
Nhìn gương mặt anh tần ngần, Thảo thấy tội nghiệp. Khi sáng, lúc Hiền bước vào phòng khám bệnh, tự giới thiệu mình là y tá sẽ phụ giúp bác sĩ trong ca sanh này, chị nhận thấy hai người lộ vẻ bất ngờ, ngỡ ngàng là lạ. Sau câu chào hỏi thông thường, anh giới thiệu Hiền là hàng xóm của anh ngày xưa. Hiền rất bặt thiệp, vui vẻ. Trong lúc ghi chép tình trạng sức khoẻ, đo máu, lấy nhiệt độ cho chị, Hiền nói với chị rằng anh giúp đỡ cô thật nhiều khi cô còn bơ vơ nơi xứ người. Sau khi Thảo sinh xong, anh về nhà thu xếp công việc, Hiền lại ghé phòng chị và hai người thăm hỏi nhau về gia đình, con cái. Thế thôi. Tuy nhiên, với tính nhạy cảm của một phụ nữ, chị không thể không nghĩ anh và Hiền lúc trước có lẽ đã đi xa hơn tình láng giềng. Mười năm xa xứ, anh sống một thân, một mình, tình cảm trai gái là lẽ tự nhiên, chị nào dám trách anh. Chị yêu anh, không màng đến quá khứ, nên chị quyết định sẽ không hỏi anh về tình cảm của anh đối với Hiền. Chị nhìn thằng con, rồi nhìn anh, lay nhẹ tay anh.
“Anh có mệt không, sao ngồi đừ người ra vậy? Anh coi kìa, gương mặt thằng Tâm Em giống anh như khuôn đúc vậy đó! Cái miệng rộng, sống mũi của nó cao y như anh. Còn cặp mắt là của má nó, chứ không phải dữ dằn, một mí như đôi mắt của ba nó đâu!”
Tranh Bé Ký
Nhiên mỉm cười, lòng anh dạt dào sung sướng. Hạnh phúc này anh quyết không để mai một chút xíu nào. Anh chưa bao giờ kể cho chị nghe về Hiền vì anh thấy không cần thiết. Tuy nhiên, qua cuộc gặp gỡ bất ngờ ngày hôm nay, anh cảm thấy nó quan trọng, không thể bỏ qua. Đàn bà họ có giác quan thứ sáu!
“Sau này em kể cho thằng Tâm Em nghe chuyện trong phòng sanh ngày hôm nay, chắc nó cười anh lộn ruột luôn.  Anh có đọc sách, có nghe người ta kể, nhưng tận mắt thì hôm nay anh mới thấy, mới thấm thía câu ca dao: ‘Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình.’ Thôi, một đứa thôi nghen em!”
“Ý, đâu có được nà! Anh ăn gian hén. Bộ có con trai đủ vốn rồi anh tính rút lui hả? Mình phải có con gái để sau này nó hủ hỉ với mình khi về già, nhất là ở cái xứ lạ quê người này. Cô Hiền còn trẻ măng vậy mà đã có  ba con, hai gái một trai rồi đó anh!”
Nhiên cảm thấy khá bất ngờ nên anh suy nghĩ bâng quơ. Hiền có gia đình rồi à, anh nào có biết. Hiền đã ghé thăm Thảo sau khi anh rời bệnh viện vào xế chiều nay? Hai người đã nói gì với nhau? Qua phút ngỡ ngàng, anh trầm tĩnh nói:
“Vậy hả, mới đó mà Hiền đã có ba con. Anh mất liên lạc với cổ cũng bảy, tám năm nay rồi. Để chừng em khỏe khoắn lại anh sẽ kể chuyện xưa của cổ cho em nghe. Thấy thương lắm! Anh thiệt mừng cho cổ ngày nay chồng con đàng hoàng, nghề nghiệp vững chắc …”

    2.
Tuyết lất phất rơi khi Nhiên rời lớp đêm ở trường đại học Minnesota, nơi anh theo học được hai khóa. Sau mấy năm sống lận đận từ lúc định cư tại tiểu bang giá lạnh này - làm việc bán thời gian, học Anh văn, lấy bằng trung học tráng niên, rồi học nghề - anh vừa được việc làm khá tốt và tiện lợi cho dự tính của mình. Đó là vừa đi làm để có tiền gởi về Việt Nam cho gia đình đôi bên, vừa đi học để có cơ hội tiến thân.
Nhiên biết anh cần phải bận rộn suốt ngày, không có phút giây nào để suy nghĩ mà đớn đau cho số phận của mình. Anh làm ca ba, nửa đêm về sáng, chạy máy điện toán cho công ty X. Ban ngày, anh ngủ đến xế trưa. Tắm rửa, ăn uống xong anh đi học đến chín giờ tối. Về nhà nghỉ được một lát, 11 giờ khuya vào sở làm. Cứ thế, ngày này sang ngày nọ. Nhiên hùn tiền mướn một căn chung cư với Trung, một người bạn cùng sở, còn độc thân, cho đỡ tốn kém. Trung làm ca hai, học lớp buổi sáng nên hai người chỉ gặp mặt nhau ở nhà vào cuối tuần mà thôi.
Lái xe gần đến ngõ tẻ xa lộ có tiệm ăn McDonald, Nhiên bỗng quyết định ghé vào mua một cái Big Mac (1) rồi đến sở làm luôn, thay vì về nhà. Thời tiết xấu, không thể chạy xe nhanh như thường lệ, có thể trễ giờ làm việc. Tuy nhiên, lúc ấy có một chiếc xe chạy chầm chậm bên tay phải, Nhiên không muốn đạp thắng để giảm tốc độ, ngại mặt xa lộ trơn trợt, anh vuột qua ngõ tẻ, chạy thẳng luôn về nhà.
Khi Nhiên về đến khu chung cư, tuyết rơi nhiều hơn, đã phủ trắng mui và kính xe cộ ở bãi đậu. Anh thầm nghĩ, sửa soạn xong miếng bánh mì thịt nguội là đi liền. Việc làm mới có, anh phải đến đúng giờ, phải tạo uy tín. Anh chạy như bay lên từng lầu chung cư. Hành lang tối om, không có ánh đèn. Nhiên lầm bầm: “Sáng mai phải gọi văn phòng thay bóng.” Anh mở khóa cửa, bật đèn. Lúc anh xoay lưng, định đóng cửa nhà, nhờ ánh đèn trong căn chung cư hắt ra anh mới thấy cô bé con gái ông bà Joe Spencer, gia đình ở căn chung cư đối diện.
Cô bé mặc chiếc áo tơi mùa đông, đang ngồi co ro dưới sàn hành lang, càm tựa trên đầu gối, dáng mỏi mệt. Cô bé người Á Đông. Những lọn tóc nhuộm vàng nằm len lỏi giữa đám tóc đen mun. Cô ăn mặc thời trang tuổi teen (2), có vẻ bụi đời. Từ lúc Nhiên dọn về khu chung cư này, thỉnh thoảng anh gặp mặt cô bé khi anh đi làm về vào buổi sáng, cô mang ba-lô đi học, hay vào dịp cuối tuần. Chỉ có câu chào xã giao. Họ và tên gia đình Spencer - Joe, Nancy và Heidi - do anh đọc trên thùng thư, chứ anh chưa có dịp trò chuyện với ai trong gia đình này. Anh đoán chừng cô bé là con nuôi của ông bà Spencer vì họ khác chủng tộc. Còn nguồn gốc của cô là Thái Lan, hay Phi Luật Tân, Đại Hàn, Việt Nam, anh không rõ. Nhiên bắt chuyện với cô bé bằng tiếng Anh:
“Chào cô!”
“Chào anh!”
“Sao cô ngồi đây mà không vào nhà? Cô có cần tôi giúp gì không?”
“Tôi quên chìa khóa. Họ đi chơi chưa về.”
“Vậy xin mời cô vào nhà tôi mà chờ. Ngoài này tối om mà lạnh nữa.”
“Không sao!”
Đó là lối sống giữ kẽ cố hữu của người Mỹ. Anh định quay vào căn chung cư, bỗng nghe giọng tiếng Việt quen thuộc:
“Em là người Việt Nam!”
Nhiên giật mình, bước vội ra hành lang.
“Trời! Tôi tưởng … Tôi là Nhiên . . . Lê An Nhiên.”
“Em biết! Trên thùng thơ.”
“Heidi?”
“Không! Hiền, Võ Thị Thu Hiền.”
“Mừng … mừng quá! Mời … mời Hiền vào nhà chơi.”
Nhiên kéo ghế, mời Hiền ngồi vào chiếc bàn nhỏ ở căn bếp ăn thông với phòng khách, hỏi Hiền muốn dùng cà phê hay trà cho ấm. Hiền xin cà phê. Trong khi chờ nước sôi, anh ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Cô bé khá chằng, hỏi trỏng:
“Anh kia đâu?”
“À, Trung hả? Nó đi làm ca hai. Tôi ca ba.”
“Hai người gay (3) hả?”
Nhiên cảm thấy thật buồn cười. Sống mấy năm nay ở xứ này, anh  biết người Mỹ suy nghĩ thật đơn giản. Họ cứ cho anh chàng nào độc thân, không có bạn gái, ở chung với bạn trai, đều là người đồng tính. Nhiên lấy tấm ảnh vợ con anh trên kệ sách, đưa cho Hiền, thay cho lời đáp câu hỏi khá trắng trợn.
“Vợ và con tôi đó!”
“Ơ … Xin lỗi anh! Chị và cháu còn kẹt ở Việt Nam hả?”
“Không, chết hết . . . chết trên biển khi vượt biên!”
“Em … em … sorry (4) ...”
Hiền ngập ngừng nói, rồi cô ngồi im lặng, mắt không dám nhìn Nhiên. Cô bé hối hận đã nghĩ sai về anh? Hay là cô cảm thấy tội nghiệp cho vợ con anh? Hừm, sorry là gì? Là “rất tiếc” hay “tội nghiệp”?  Đã bao nhiêu lần anh nghe thiên hạ nói sorry khi họ biết hoàn cảnh của anh. Đối với Nhiên, câu an ủi này vô nghĩa vì không ai thấu hiểu được nỗi khổ đau của anh, kể cả cô bé đồng hương này. Nhiên uể oải đứng lên, anh nói như để khỏa lấp cái không khí ngột ngạt lúc ấy:
“Không sao! Bây giờ tôi phải sửa soạn đi làm. Hiền cứ ở chơi chờ ba má về. Tôi sẽ điện thoại cho Trung biết. Nếu Hiền về nhà trước khi gặp Trung, cứ khóa cửa lại. Lần sau, nếu cần thì Hiền cứ vào nhà, chứ đừng ngồi chờ ba má ngoài cửa, lạnh lắm, rủi ro bệnh hoạn. Chúng tôi có để phòng hờ một chìa khóa ở dưới miếng thảm chùi chân trước cửa nhà.”
“Họ không phải là ba má của em!”
Nói xong, Hiền cúi mặt xuống như không muốn cho người đối diện thấy mắt mình ươn ướt.

    3.
Khuya hôm ấy Nhiên đến sở làm trễ hơn hai tiếng đồng hồ. Cũng may cho anh, người chủ sự thông cảm lý do thời tiết, đường xá trơn trợt. Thật ra, sự trễ nải không do trận tuyết mà vì anh không nỡ bỏ cô bé đồng hương ngồi khóc một mình. Anh ngồi lại chiếc bàn nhỏ, an ủi, hỏi thăm Hiền, mới biết tình cảnh của cô bé cũng xót xa không kém số phận hẩm hiu của gia đình anh.
“Vậy họ là cha mẹ nuôi của Hiền à?”
“Joe là chồng của má em.”
Hiền chỉ nói vậy rồi cô ngồi im lặng, mắt rưng rưng, khiến Nhiên ngạc nhiên hỏi tới:
“Còn Nancy?”
“Cổ là bạn gái của dượng Joe.”
Chà, coi bộ chuyện nhà của cô bé Hiền này khá rắc rối đa, Nhiên nghĩ thầm trong đầu. Như đọc được những thắc mắc trên gương mặt của Nhiên trong lúc ấy, Hiền nói tiếp:
“Dượng Joe làm việc ở Việt Nam hồi hai bên đánh nhau, cưới má em đẻ ra anh Nathan. Má em nói lúc lộn xộn năm 75 má em bồng anh Nathan về Tây Ninh thăm ông bà ngoại rồi kẹt luôn. Dượng Joe về Mỹ một mình.”
“À … tôi hiểu rồi. Nhưng má của Hiền bây giờ ở đâu?”
Khi ấy Hiền mới bật khóc. Nhiên lẹ tay lấy hộp khăn giấy mỏng trên kệ, rút vài chiếc khăn, ân cần trao cho Hiền. Cô nói trong nghẹn ngào:
“Má em chết rồi!”
“Tôi … tôi sorry!”
Câu nói bật ra thật tự nhiên nhưng Nhiên chợt thấy nó không phải là một câu xã giao bình thường của người đời mà anh hằng nghĩ. Anh nhận ra một mối cảm thông sâu xa giữa anh và Hiền, hai con người Việt Nam sống tha hương với những mất mát quá lớn lao. Anh nắm lấy đôi bàn tay của Hiền, nói: “Tôi … tôi … thành thật chia buồn cùng Hiền…” mà anh không kềm  được nỗi xúc động. Rồi, như cảm nhận được chân tình ấy, Hiền nới lòng mình, kể cho Nhiên nghe thêm chuyện của cô:
“Má em chết gần một năm rồi. Bệnh ngặt nghèo lắm, căn-xe đó anh. Bác sĩ Mỹ bó tay, nói má em sống cao lắm là  sáu tháng nữa mà thôi. Dượng Joe thương má em lắm, dượng bỏ việc làm, bán nhà đưa má em đi Mexico chữa trị bằng thuốc cỏ … ơ … ơ …  thuốc nam đó anh, mà cũng không khỏi. Cho nên bây giờ dượng nghèo, phải gởi anh Nathan cho ông bà nội của ảnh nuôi ở bên New York và phải ở nhà mướn đó chớ!”
Nghe Hiền kể không đầu không đuôi, khó hiểu, nhưng Nhiên thấy không tiện hỏi cô điều gì trong tình huống ấy.
“Lúc má em bịnh nặng, má nói với em rằng sau ‘giải phóng’ má khổ lắm, phải gói bánh ú đi bán mới có khoai, có gạo mà ăn. Người đời thì nói xấu, nói má em làm đĩ lấy Mỹ mới có anh Nathan. Không ai hiểu được nỗi khổ của má em. Ngoài ông bà ngoại, các dì, mấy cậu, chỉ có ba em thương má em thôi. Lúc em còn nhỏ ở Việt Nam, em theo ba em đi bán giấy số. Ba em cụt hết một chưn. Nghe nói hồi xưa ba em là lính cộng hòa, ổng đánh giặc dữ lắm. Còn anh Nathan thì ảnh chạy xe đạp ôm.”
Cái gút mắt được mở ra một phần nào. Bóp nhè nhẹ bàn tay Hiền như muốn chia sẻ tâm sự, Nhiên lẳng lặng nghe cô kể tiếp:
“Rồi bỗng một hôm ba em bỏ đi đâu mất biệt. Má em khóc nhiều lắm, đi tìm ba hoài mà không gặp. Sau đó, má em có giấy đi Mỹ. Lúc ấy em mới biết dượng Joe tìm được má em và anh Nathan, làm giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ. Trước khi má em chết, má trối với em rằng lớn lên em phải đi tìm ba em vì ba em thương em lắm. Ba em muốn má em, anh Nathan và em được sống sung sướng, má không phải đi bán bánh ú nữa, anh Nathan và em phải được đi học. Vì vậy mà ba bỏ đi, chịu khổ một mình, để má em về với dượng Joe. Vậy mà bây giờ em có sung sướng gì đâu! Nhiều khi em muốn chết đi cho rồi!”
Nói đến đó, Hiền lại khóc nức nở. Cuộc đời của cô trải ra như một bức tranh lắp hình thật buồn với khúc mắc cuối cùng vừa được gắn vào. Nhiên cảm thấy thương cô bé đồng hương này quá đỗi. Anh cảm thấy lòng mình chùn xuống, thật sâu. Hy sinh, có sự hy sinh nào cao cả bằng sự lẳng lặng ra đi của người cha tàn phế ấy. Hay cái siết chặt cuối cùng rồi tự buông trôi của bàn tay người vợ hiền năm xưa trong cơn bão táp chuyến vượt biên hãi hùng. Nhiên cố ghìm cơn xúc động, tìm lời nhẹ nhàng an ủi cô:
“Hiền đừng quá bi quan, cố gắng lên, đi học cho giỏi. Hãy sống cho ngày hôm nay và hướng về tương lai. Hiền ráng xong trung học rồi lên đại học để sau này đi làm, có tiền mới có thể tìm ba, giúp đỡ ba hay bảo lãnh ba sang đây chớ.”
“Em cũng biết vậy, em ráng học. Nhưng gần đây, em học không vô nữa. Em … em sợ … sợ dượng Joe …”
“Sao vậy? Theo lời Hiền kể, tôi nghĩ dượng Joe của Hiền là một người tốt, sống có tình, có nghĩa với má Hiền lắm mà. Hay là cô Nancy không đối xử tử tế với Hiền?”
“Không, Nancy đâu có ghét em, cổ còn khen em biết giúp cổ dọn dẹp nhà cửa, lo việc bếp núc nữa. Dượng Joe thương em lắm. Chính vì vậy mà em sợ. Anh … em có một chuyện thiệt là khó mà em không biết nói với ai, kể cả anh Nathan vì dượng Joe là cha ruột của ảnh. Ảnh mà biết được chuyện này, em không biết hậu quả ra sao.”

    4.
Giọng kể đều đều của Nhiên đã đưa Thảo chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không rõ. Việc sinh đứa con đầu lòng chắc đã làm cho chị mệt lắm. Anh biết y như vậy. Cũng có thể Thảo không quan tâm đến mối liên hệ giửa anh và Hiền. Anh hiểu lòng chị đơn sơ như tờ giấy trắng. Nhiên kéo mền đắp đến tận càm cho chị, cúi xuống hôn chị, phớt nhẹ trên trán. Anh rón rén bước ra hành lang, đi đến căn phòng có cửa sổ bằng kiếng, nhìn vào, tìm thằng con mình trong số gần nửa chục bé sơ sinh đang say sưa trong giấc điệp. Bà y tá biết ý, mỉm cười, đưa con anh đến bên cửa kiếng. Anh nhìn thằng con nằm ngủ như một thiên thần, lòng dạt dào niềm hãnh diện, nỗi sung sướng. Anh thì thầm: “Tâm Em, con cưng của ba.” để rồi thấy tim mình khá nghẹn ngào.
 Hình ảnh cơn bão tàn khốc trên biển Đông đêm hôm ấy lại hiện ra trong tâm trí của Nhiên. Sau khi chị vụt buông tay, trong giây phút ấy anh có ý định tự hủy đời mình, thực hiện lời anh nói với chị khi hai người quyết định vượt biên: “Gia đình mình sống chết có nhau. Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết.” Tuy nhiên, cái siết tay cuối cùng ấy của chị như một lời trăn trối, khiến anh đổi ý. Bé Tâm, con của anh chị,  không có tội tình gì mà phải chết. Nó sinh ra trong một đất nước khốn khổ, nó phải sống để hưởng hạnh phúc mà mẹ nó đã hy sinh cho nó. Sau bao năm tháng tự đày đọa, trách mình hèn hạ, không đáng sống vì bất tài, không cứu được vợ, không giữ được con, Nhiên mới thấy rằng anh chỉ là một chiếc lá bé bỏng trong trận cuồng phong ấy. Cơn sóng vô tình nào đã đưa miếng ván thuyền ấy đập vào đầu anh, làm anh bất tỉnh, buông tay, hay chính miếng ván ấy đã đưa anh vào hoang đảo, đã cứu mạng sống của anh. Số phận? Ý Trời? Hay chỉ là một ngẫu nhiên? Anh nào biết. Cũng như cuộc gặp gỡ giữa Hiền và anh đêm hôm ấy. Nếu tuyết không rơi, nếu anh ghé tiệm McDonald rồi đi làm luôn, không về nhà, nếu thế này, nếu thế nọ …

Tấm kiếng trước mũi và mắt Nhiên bỗng mờ đục đi một khoảng, nhưng xuyên qua đó anh vẫn thấy dáng bé bỏng của thằng Tâm Em. Nhiên vẫy tay cám ơn bà y tá, rồi anh cất bước về phòng chị. Nếu Thảo thức giấc, không thấy anh, lạ phòng, lạ giường,  chắc chị cô đơn lắm. Chị vẫn an giấc điệp. Anh nằm vào chiếc giường trống kế bên, tâm tư anh lại chạy về buổi tối hôm ấy, lần đầu tiên anh tiếp chuyện với Hiền. Anh thuộc loại người kính đáo, chỉ bộc lộ tâm tư mình cho người trong gia đình, bè bạn thân thiết mà thôi. Anh trộm nghĩ, việc Hiền kể lể, tâm sự cùng anh đêm hôm ấy chẳng qua là cô biết anh cùng cảnh ngộ và cô quá đơn côi, có một u uẩn giữ quá lâu trong lòng, khi ấy mới có dịp bộc lộ.

    5.
“Má em chết rồi, anh Nathan đi học xa, dượng Joe buồn khổ lắm. Nhiều đêm thức giấc em ra nhà bếp uống nước, em thấy dượng ngồi một mình, trầm ngâm, khi có ly rượu mạnh, khi thút thít khóc. Những lúc ấy, em cũng nhớ má em lắm, em chỉ biết ngồi bên dượng, khóc cùng dượng, vuốt vai dượng, an ủi dượng. Đôi khi dượng kéo em vào lòng, ôm em, dượng khóc. Em không có cảm giác gì bất bình thường hết ...”
Kể đến đó, Hiền ngập ngừng, nhìn thẳng vào mắt Nhiên. Cô chợt nhận ra ánh mắt bất bình của Nhiên. Hình như anh đã suy ra lý do cô sợ dượng Joe. Hiền vội vàng đính chánh:
“Không! Không! Anh hiểu sai rồi! Dượng Joe không … chưa có hại … đời em đâu. Một đêm em đang ngủ trong phòng bỗng cảm thấy có vật gì đè lên mình em. Em mở mắt mới biết chính là dượng Joe đang ôm em. Em hoảng hốt, xô dượng ngã xuống đất, chạy ra ngoài phòng khách. Em định chạy đến cái phôn để gọi 911 kêu cứu, thì dượng bắt kịp, cướp lấy cái phôn. Lúc ấy, em nghĩ đời em tàn rồi, em chỉ biết quì xuống, lạy dượng tha cho em. Em bỗng nghe tiếng khóc nấc, nhìn thấy dượng đang ôm đầu. Dượng khóc, dượng nói dượng nhớ má em, một nỗi nhớ không thể nào cưỡng lại được. Dượng bảo sao em giống má em quá, từ dáng vóc đến mùi hương, như cùng một cái khuôn đúc ra. Dượng chỉ muốn ôm em cho đỡ nhớ má em thôi, chớ dượng không có ý hại em. Dượng xin lỗi em. Dượng cam kết với em việc này không bao giờ xảy ra nữa. Rồi dượng đưa cho em cái phôn, nếu em không tin dượng thì cứ gọi 911. Dượng sẽ nhận mọi hình phạt.”
Nhiên ngắt lời Hiền:
“Ông Joe có hành vi rất mờ ám. Đây là một việc hệ trọng, tôi thấy Hiền cần phải báo cảnh sát để họ bảo vệ Hiền. Biết đâu đó chỉ là một lời hứa suông ...”
“Em không biết tính sao vì em sợ chuyện đổ bể sẽ làm cho anh Nathan buồn. Ngày hôm sau, dượng Joe để lại vài trăm đô-la gắn trên tủ lạnh cùng một bức thư bảo em tự lo ăn uống vì dượng cần đi xa vài tuần lễ. Rồi dượng trở về nhà với Nancy, giới thiệu với em cô là bạn gái, và họ ở chung với nhau cho đến ngày hôm nay. Dượng không bao giờ nhắc lại chuyện đêm hôm ấy. Dượng cũng không bao giờ ở trong nhà một mình với em nữa. Dượng bảo năm nay em ráng học xong trung học, rồi dượng lo cho em đi New York với anh Nathan, hai anh em mướn một căn phố ở chung đi học.”
Nhiên thấy sự việc khá nan giải. Anh suy nghĩ lung lắm. Nói về lý, Nhiên thấy rõ ràng ông Joe đã phạm pháp và, nếu Hiền không tố cáo, anh có bổn phận khai báo với nhà chức trách. Còn về tình, Nhiên nghĩ rằng ông Joe là một người chung thủy và cũng là ân nhân của Hiền. Ông đã hối cải và có cố gắng tránh tái phạm. Lần phạm lỗi duy nhất ấy có đáng để bôi một vết nhơ, làm tan vỡ gia đình của ông hay không? Nhiên an ủi, cắt nghĩa, phân tách phải trái cho Hiền nghe. Riêng anh, vì thông cảm tấm lòng chung thủy của ông Joe, sự thương tiếc ray rức người vợ hiền của ông nên anh quyết định giữ im lặng. Tuy nhiên, anh khuyên Hiền phải luôn lưu ý, giữ lấy thân mình, không bao giờ ở nhà một mình với người dượng ghẻ ấy. Hiền cũng khá khôn ngoan, cô bảo rằng cô đã xài một loại nước hoa có mùi thật gắt, hy vọng không còn gợi một thoáng chi tiết nhỏ nào về người mẹ của cô.
Từ đó, Hiền trở thành một người hàng xóm thân tình của Nhiên. Cô thường ghé qua căn chung cư của Nhiên và Trung, nhiều khi cô nhờ Nhiên giúp làm bài vở, có lúc cô cùng anh trò chuyện về quê hương, hoặc giúp dọn dẹp căn phòng, hay nấu ăn cho hai người dù khả năng của cô trong lãnh vực này không được khá lắm. Hiền bỏ thói nhuộm tóc khác màu, cô ăn mặc giản dị hơn, nói năng có ý tứ, học hành tấn tới. Cô mong đến ngày ra trường trung học, đi New York ở với người anh trai.

Thỉnh thoảng Nhiên gặp ông Joe ở bãi đậu xe hay trong hành lang khu chung cư. Lần nào ông cũng chào hỏi tử tế, sau lần đầu tiên ông đến với Nhiên, tự giới thiệu và cảm ơn anh đã giúp đỡ Hiền, cô con gái yêu quí của ông.

Tiếng động phát ra từ phía chiếc giường bên cạnh cắt ngang dòng ký ức của Nhiên. Anh vội vàng nhổm dậy, thấy Thảo đang xoay thế nằm nghiêng, mặt chị hướng về phía anh ngồi, miệng như mỉm cười. Chị vẫn ngũ ngon. Nhiên nhìn Thảo thật lâu. Gương mặt Thảo có nét thoáng giống Thu, người vợ trước của anh, người yêu đầu đời anh không bao giờ quên, người mà anh tưởng không ai có thể thay thế. Vậy mà bây giờ … Nghĩ đến đó, Nhiên bỗng có một mối cảm thông sâu xa với ông Joe. Anh mang máng nhớ đến một đoạn văn mà anh đã đọc. Tác giả viết rằng người phụ nữ nào, ở bất cứ độ tuổi nào, khi nằm trong vòng tay của người yêu, đều có một mùi hương đặc biệt tự nhiên tiết ra, biểu hiện tâm tình hiến dâng … Ừ, mùi cái mùi thơm quyến rũ ấy của Thu đã một lần đưa anh qua một cơn sa ngã, rồi nó giúp anh thay đổi nhận thức của mình về cuộc sống.

    6.
Hôm ấy đi làm về Nhiên không ăn, không ngủ, không đi học, anh đi chợ mua thực phẩm về nấu nướng giỗ vợ con. Trung hiểu ý bạn muốn một mình tưởng niệm người thân nên kiếm cớ đi làm sớm.
Đã bao năm rồi, mỗi lần giỗ là Nhiên rơi vào tình trạng trầm cảm tâm lý. Anh bày thức ăn, chưng tấm ảnh vợ con trên chiếc bàn trong căn bếp, anh đốt ngọn đèn cầy, đốt nhang cắm vào cái ly đựng gạo, rồi anh ngồi đó nhìn ảnh vợ con sau ngọn nến lung linh. Anh muốn khóc mà không sao khóc được. Anh muốn nói với chị, với bé Tâm, nói nhiều lắm, nói về nỗi nhớ nhung, nỗi xót thương, mà anh không nói được lời nào. Mọi sự bị đè nén trong tim anh. Anh lại tự trách mình bày chi chuyện vượt biên. Sao không nghĩ đến  một cách cứu vãn? Một phương tiện nào phòng khi gặp bão táp? Sao không nắm chặt tay chị? Sao không ôm cứng lấy thằng con?  Tại sao và tại sao?...
Anh ngồi hàng giờ, lặng thinh, rồi cơn buồn ngủ bỗng chụp xuống. Anh đã kiệt sức. Gần như 24 giờ qua anh đã thức trọn. Anh không nhớ anh vào giường khi nào. Anh chỉ biết có cảm giác như trong đêm tân hôn, anh say đắm ôm chị vào lòng, tay anh tự nhiên nâng niu khắp châu thân chị. Chị khẻ rùng mình vì ngây ngất trong vòng tay anh hay vì nỗi sợ sệt tự nhiên của một người con gái lần đầu tiên dâng hiến cho người yêu? Anh không rõ vì anh cũng đang tê mê trong men tình. Anh chùi mũi anh vào gáy chị, hít mạnh mùi thơm da thịt của chị như những lần anh lén ôm chị sau vườn nhà, trước ngày đám cưới. Anh bỗng giật mình nhận ra một mùi hương xa lạ. Anh choàng tỉnh hẳn, hất tung chiếc mền. Trước mắt anh là Hiền đang nằm co quấp, tay che mặt thẹn thùng.
Nhiên ngồi lặng thinh, bỗng anh khóc nấc lên. Anh đã mất vợ, mất con, mất thật rồi!
Hiền lính quýnh ôm anh, nói lấp bấp:
“Em … em xin lỗi anh. Em đi thư viện về, thấy xe anh còn đậu dưới parking (5) em tưởng anh bệnh, không đi học, nên em mở cửa ghé thăm. Em thấy bàn thờ chị và cháu, nhang đèn tắt rụi, thức ăn lạnh tanh, mới biết anh vừa cúng giỗ chị và cháu.  Em vào phòng, thấy anh nằm trơ trụi một mình, em thấy thương anh quá nên … nên em muốn … cho … cho anh hết. Anh, sao anh không sống cho ngày hôm nay, hướng về tương lai như anh đã khuyên em? Tại sao anh cứ tiếp tục đày đọa mình? Anh, em … em lớn rồi, đâu còn con nít nữa, em thương anh. Nếu anh gật đầu, em theo anh, làm vợ anh…”
Nhiên khoát tay, run run nói:
“Cám ơn Hiền đã xót thương tôi, nhưng không, không thể được. Tôi không thể quên vợ con tôi. Xin Hiền để cho tôi yên.”
Nhiên không biết Hiền nán lại bên anh bao lâu vì anh ngồi bất động như một tượng đá, mắt nhìn mông lung nhưng trong đầu khúc phim bi thảm của đời anh đang tự nhiên chiếu lại. Song lạ thay, lần này anh không lặng thinh mà anh than thở cùng chị, nói cùng thằng con, nói thật nhiều, rồi anh khóc như chưa từng khóc cho đến khi anh nghe tiếng điện thoại reo vang. Tội nghiệp, đó là Trung. Nó gọi hỏi thăm và nói đã đến giờ đổi ca mà sao anh chưa đến sở, anh có cần nó xin phép cho anh nghỉ làm hôm nay không. Anh cám ơn Trung và nhờ nó thông báo cùng người chủ sự anh đi làm trễ độ một giờ vì lý do cá nhân. Sau khi tắm gội để đi làm, Nhiên cảm thấy thật tỉnh táo. Những giọt nước mắt hay những tia nước từ ngọn bông sen đã gội rửa đi những phiền muộn của anh?  Nhiên không rõ, anh chỉ biết rằng khi ấy anh đã nhận thức được một nhân sinh quan: đó là anh phải sống cho ngày hôm nay và cho tương lai.
Mấy hôm sau Nhiên tìm cách liên lạc với Hiền để xin lỗi cô về thái độ bất nhã của anh nhưng cô cố tình lẩn tránh. Anh không rõ cô còn giận anh hay là cô hổ thẹn về sự việc đêm hôm ấy. Cô rời Minnesota đi New York không một lời giã từ anh và Trung. Ông bà Joe sau đó cũng dời nhà. Anh không gặp lại cô cho đến ngày hôm nay.

Thảo lại trở mình. Tấm mền cuốn theo làm hở một phần chiếc cổ trắng ngần của chị. Nhiên vội cúi xuống, kéo mền đắp lại cho chị. Mùi cơ thể quen thuộc hôm nay trộn lẫn với mùi hương của người mẹ trẻ vừa sổ lòng của chị làm anh cảm thấy ngây ngất. Đúng, Thảo có nhiều nét thoáng giống Thu, nhưng mùi hương của chị thì anh phải công nhận không có chút gì khác. Mùi hương ấy đã tạo một khúc quanh quan trọng trong đời Nhiên.


    7.
Khi Trung tốt nghiệp đại học, Nhiên còn thiếu vài lớp nhiệm ý, tưởng dễ qua, ai ngờ khó nuốt. Anh phải theo học khóa mùa Hè để có thể ra trường vào cuối khóa mùa Thu. Vì thế, anh không cùng Trung về Việt Nam như đã dự tính. Đó là chuyến thăm nhà đầu tiên sau bao năm xa xứ, một giải thưởng mà Nhiên và bạn tự đặt ra cho mình khi hai người bắt đầu kiếp sinh viên “già”, vừa đi làm, vừa đi học. Nhiên nhờ Trung ghé thăm cha mẹ của anh và cha mẹ của Thu, trao quà, nhân tiện xem xét cuộc sống của hai gia đình.
Cha của Nhiên và cha của Thu là đôi bạn đồng sự, rồi trở thành thông gia, nhà lại ở cùng xóm nên hai ông rất thân với nhau. Mối liên hệ giửa hai gia đình lại càng khắn khít sau chuyến vượt biên tang tóc, bên này mất con, bên kia mất dâu, hai bên mất đứa cháu chung. Suốt bao năm qua, hàng tháng Nhiên gởi quà về cho cha mẹ cả hai bên. Đã nhiều lần Nhiên nhận được thư nhà bảo anh đừng bận tâm chuyện quà cáp, hãy cố gắng ăn học, lo cho tương lai, vì tình trạng kinh tế gia đình đã ổn định. Tuy vậy, Nhiên vẫn tiếp tục gởi quà vì anh đã sống qua thời “giải phóng”, anh hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình mình. Cha của anh và cha của Thu nguyên là giáo chức. Đất nước thanh bình không được bao lâu hai ông bị “mất dạy”, hai gia đình sống đắp đổi qua ngày với nguồn lợi tức duy nhất là mảnh vườn cây ăn trái sau hè và đôi ba công ruộng ông bà để lại. Vì thế, khi có phong trào vượt biên hai gia đình bán hết số tư trang còn lại để lo cho Nhiên cùng vợ con vượt biên với hy vọng làm đầu cầu cho cho các em sau này.
Trung về Việt Nam được một tuần, Nhiên nhận được điện tín nhà báo tin cha anh bệnh nặng. Nhiên tức tốc xin giấy thông hành, nghỉ làm, nghỉ học vài tuần, lấy phép về quê thăm cha. Gặp cả nhà ra đón ở phi trường, Nhiên mới vỡ lẽ - cha anh vẫn mạnh. Mẹ anh giải thích rằng gặp Trung ông bà nhớ anh quá mới bày ra bức điện tín để buộc anh phải trở về. Thật ra, Trung đã thân tình kể cho cha mẹ Nhiên biết lối sống của Nhiên khi ấy, nếu kéo dài có thể tạo trạng thái tâm lý bất bình thường. Đó là một cuộc sống rất lập dị, cô đơn, chỉ biết có việc làm và lớp học, không màng đến những thú vui bình thường của một thanh niên khỏe mạnh thể xác và nhất là một mực yêu thương, nhung nhớ vợ con đã quá vãng. Cha mẹ Nhiên quyết tâm tìm một lối thoát cho con của mình.
Những ngày đầu tiên Nhiên trở lại quê nhà, anh theo cha viếng mồ mả ông bà, thân nhân đã quá vãng, và đi từng nhà thăm hỏi bà con thân thuộc hai bên. Trưa hôm ấy, trước bàn thờ của Thu và trước mặt cha mẹ chị, cha mẹ anh đã đưa ra lệnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.”  Nhiên cảm thấy rất bất ngờ vì cha mẹ anh vốn không có đầu óc thủ cựu. Khi xưa, việc hôn nhân của anh và Thu không phải do người lớn đặt để. Anh chị để ý, yêu thương nhau, rồi anh mới xin cha mẹ đi hỏi vợ cho anh mà!
“Nhiên à, ba má đã bàn tính với anh chị năm đây rồi. Mặc dầu con một mực vẫn còn thương mẹ con con Thu, nhưng con phải bước thêm một bước nữa. Sau ngày con hai và con ra đi, rồi thằng ba bị bắt đi bộ đội chết bên Miên, con tư nó thay con hai lo lắng cho gia đình anh chị năm. Nó hiền thục, nguyện ở vậy mà lo cho cha mẹ và em út ba má thấy mà thương. Cho nên ba má thưa thiệt với anh chị năm đây xin cưới nó cho con. Con đem em nó qua đó ở với con cho có đôi có bạn, chớ con ở cu ky một mình hoài như vậy làm sao mà sống hả con …”
 Cha của Nhiên nói tới đó rồi ông khóc. Mẹ Nhiên, cha mẹ Thu cũng mủi lòng khóc theo. Nhiên ngồi lặng yên, anh rất cảm động vì cha mẹ anh, cha mẹ chị thương anh quá đổi, nhưng làm sao được. “Con tư” chính là Thảo, em của Thu. Từ xưa đến giờ, anh thương Thảo như một đứa em gái. Bấy lâu nay, chính Thảo là người viết thư kể chuyện nhà cho anh nghe mỗi lần nhận quà anh gởi về. Khi ấy, anh mới nhớ trong một lá thư, có lần anh hỏi Thảo, chưa gặp ý trung nhân hay sao mà còn ở vậy. Thảo trả lời bâng quơ rằng Thảo thương một người ân mà vì hoàn cảnh nên không tiến tới được, chừng nào người ấy lấy vợ Thảo mới lập gia đình. Như vậy là Thảo có cảm tình với anh thật rồi.  Nhiên không biết tính sao, chỉ biết đưa mắt nhìn cha mẹ hai bên, nói thật lòng mình:
“Thưa ba má, từ xưa tới giờ con coi Thảo như là em ruột của con thì làm sao con ưng làm vợ con được. Xin ba má hiểu cho con. Vả lại, Thảo có thương con không mà cưới mà hỏi …”
Khi ấy, cha của Thu mới lên tiếng:
“Nhiên à, ba má đã hỏi ý con tư rồi. Nó kể cho ba má nghe rằng mới đây nó nằm chiêm bao thấy con hai bồng thằng Tâm đến từ giã nó để đi xa, con hai nó nói: ‘Em lo cho anh hai dùm mẹ con chị.’ Thôi con, con đừng quá thương nhớ mẹ con nó nữa. Mười mấy năm rồi, con phải để mẹ con nó siêu thoát mới đặng con à!”
Nhiên kiếm cớ “hoãn binh”.
“Con đội ơn ba má thương con. Nhưng xin ba má cho con một thời gian để tìm hiểu, chứ đột ngột như vầy làm con khó tính quá!”
Tuy nhiên, mọi việc cha mẹ hai bên đã định rồi, Nhiên không có cách nào thối thoát mặc dù lời xin phép của anh rất hữu lý. Cha Nhiên bảo:
“Con nói hạp ý ba lắm, vợ chồng phải tâm đầu ý hiệp mới nên. Nhưng con ở bên đó, con tư ở bên này thì làm sao mà tìm hiểu. Con cứ làm giấy tờ cho em nó qua đó ở với con, phụ con giúp đỡ gia đình bên này. Rồi hai con tìm hiểu nhau, nếu hợp thì tiến tới, bằng không thì vẫn là anh em với nhau. Không sao hết!”

8.
Sau chuyến thăm nhà lần đầu tiên ấy, Nhiên nộp đơn xin phép cho Thảo sang Mỹ với tư cách là vị hôn thê của anh. Nhiên không còn ở chung với Trung nữa, anh mướn một căn chung cư  khác với hai phòng ngủ để khi Thảo sang ở cho tiện. Vào cuối mùa Thu năm ấy, Thảo được phép sang Mỹ. Nhiên lo cho Thảo đi học tiếng Anh. Khi ấy anh đã  xong đại học, đang tìm công việc làm tương xứng với khả năng mới, ban ngày rảnh rang nên anh tự mình đưa đón Thảo.
Một hôm, Nhiên đậu xe trước trường như thường ngày vào giờ tan học, chờ đợi mãi mà anh không thấy tăm hơi chị. Anh nghĩ thầm, hôm nay chắc có chuyến đi tham khảo đâu đó mà Thảo quên nói với anh. Hỏi thăm văn phòng nhà trường, họ nói với anh rằng không có gì thay đổi, giờ tan học bình thường. Khi ấy, Nhiên mới thật sự lo lắng. Trường dạy tiếng Anh cho người di dân nằm trong khu ổ chuột của thành phố, nơi tạo nhiều tin dữ cho báo chí địa phương. Một người mới đến Mỹ, đi đứng lớ ngớ như Thảo là mục tiêu ngon lành của bọn băng đảng, đầu gấu. Đó cũng là lý do Nhiên thân hành đưa đón Thảo hàng ngày. Nghĩ đến đó, Nhiên đi cớ Cảnh sát.  Họ rất tử tế, tìm trong sổ nhật ký, khuyên anh an tâm vì không có tai nạn, sự việc nào xảy ra cho một phụ nữ Á Châu trong ngày.
Nhiên lái xe về nhà, đầu óc chất chứa âu lo. Thảo có bề gì, không những anh phụ lòng cha mẹ bên nhà, mà anh sẽ khổ sở lắm. Mấy tuần qua, nhờ có bóng dáng phụ nữ nên nhà không còn vắng lạnh nữa. Ai đó nói rằng, hạnh phúc là mỗi sáng ta muốn được đi làm và mỗi chiều muốn được về nhà. Độ này khi làm việc ở sở, anh mong về nhà chứ không như lúc trước nhà đối với anh chỉ là nơi anh ăn, anh ngủ và tắm rửa mà thôi. Thảo giỏi giang, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước đầy đủ cho anh. Tình cảm giữa hai người đã có mòi khắn khít, nhưng anh vẫn giữ khoảng cách.
Nhiên bước vào nhà, anh mừng rỡ khi thấy Thảo vừa nấu ăn, vừa hát nho nhỏ, nhưng anh không kềm được nỗi bất bình, anh nói như nạt nộ:
“Anh không hiểu em nổi! Em tự ý về nhà mà không nghĩ đến anh. Em có biết là anh lo cho em lắm không!!!”
Thảo nhỏ nhẹ:
“Em xin lỗi anh. Em lỡ nhờ nhỏ bạn Việt Nam chỉ cho em cách lấy xe buýt về nhà mà em quên nói với anh trước. Em thấy mỗi ngày anh đưa đón em, cực thân anh, cho nên em ngại quá đi.”
Nhiên không hiểu sao lúc ấy anh mất bình tỉnh, đổi giọng, nói gằng từng tiếng:
“Ừ, bây giờ dì đã quen nước, quen cái, người này, người nọ, dì không muốn nhờ tôi nữa phải không?”
Thảo vẫn dịu dàng:
“Anh, sao anh nói kỳ vậy? Bên này em đâu có ai là gia đình ngoài anh đâu. Cho em xin lỗi thêm lần nữa mà ...”
Vậy mà Nhiên vẫn còn bực mình. Anh im lặng đi vào phòng, đóng cửa lại. Lát sau, khi cơn giận đã lắng xuống, anh mới hối hận, thấy mình đã có hành động quá trớn, vô lý đối với Thảo. Nhiên cũng nhận ra rằng bấy lâu nay anh không có một mối thâm giao nào với phụ nữ, vì thế anh đã đánh mất đi cái bản tánh lịch sự, tế nhị của một người đàn ông rồi. Anh vội bước ra ngoài để làm hòa với Thảo. Thấy Thảo đang ngồi ở ghế sofa (6) tay cầm tấm hình vợ con anh mà nước mắt chị tuông rơi, anh ngồi kế bên chị một hồi lâu mới lên tiếng:
“Thảo, anh xin lỗi em. Anh chỉ vì lo lắng cho em quá mà thôi, cho nên … cho nên anh mất bình tỉnh, anh lỡ lời …”
Thảo vẫn ngồi im, thút thít khóc. Nhiên không biết làm sao hơn là choàng tay qua vai chị, vỗ nhè nhẹ:
“Cho anh xin lỗi mà. Cho anh xin …”
Nhiên chưa nói hết câu Thảo đã quay người ôm anh. Chị rưng rưng nói trên vai anh:
“Em biết … em biết anh lo cho em, như anh lo cho chị hai của em vậy đó. Em … em xin lỗi anh. Sau này làm việc gì em sẽ nhớ hỏi anh trước.”
Nhiên bỗng thoáng nhận ra một mùi hương quen thuộc, cái mùi hương của vợ mình ngày xưa.Và anh đã tìm lại được cái cảm giác ngây ngất và ngập tràn nhựa sống của thời hai người yêu nhau. Hai tay anh tự nhiên ôm gương mặt Thảo, anh hôn lên đôi mắt đẫm lệ của chị, anh thì thầm:
“Thu … Thảo … Anh yêu em.”
Và, khi ấy anh biết anh đã nói thật lòng mình.


9.
Tiếng mở cửa phòng làm Nhiên giựt mình, tâm trí anh trở về hiện tại. Đó là bà y tá đến thăm chừng Thảo. Thấy Nhiên còn thức, bà khẽ nói:
“Anh không ngủ được à? Nôn nức lắm phải không? Đã đến giờ cho em bé bú sữa, anh có thể giúp tôi chứ?”
Lòng Nhiên lâng lâng niềm sung sướng, anh vội vàng đứng dậy, nói:
“Vâng, vâng! Để tôi đi theo bà.”
Bà y tá xua tay:
“Anh ngồi đó, để tôi đi lấy sữa và mang em bé đến cho anh chị.”
Một lát sau, bà y tá mang Tâm Em đến, chuyền sang tay  anh cùng chai sữa. Nhiên ôm con, nhè nhẹ đong đưa thằng bé trong lòng, anh chưa vội cho nó bú sữa. Anh trìu mến nhìn Tâm Em, khe khẽ hát câu ru con: 
“Ầu ớ … chim quyên ăn trái nhãn lồng …ờ …
                                       Lia thia quen chậu ờ …  
                                       Lia thia quen chậu vợ chồng quen … hơi …”





Đào Anh Dũng
Apple Valley, Minnesota
  


(1)   Bánh mì kẹp thịt, hamburger Big Mac.
(2)   Teen age, lứa tuổi 13-19 .
(3)   Đồng tính..
(4)   Rất tiếc.
(5)   Bãi đậu xe.
(6)   Ghế nệm phòng khách. 



Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

Không có nhận xét nào: