Cũng vì ưa thích
thơ văn, muốn tập tành viết lách mà anh tình nguyện giúp công việc trình bày và
kỹ thuật cho quyển tuyển tập định kỳ của một văn đàn hải ngoại. Nhờ vậy anh mới
có cơ hội làm quen với vài nhà văn sinh hoạt với văn đàn, học hỏi họ rất nhiều
về lối hành văn, sử dụng ngôn ngữ cũng như cách cấu kết, bố cục của một bài văn.
Ông Xuân Phùng là một trong số các nhà văn
anh “quen biết” và được “thọ giáo”. Ông rất khiêm tốn, bảo với anh rằng ông mới
viết lai rai sau 1975, đều đặn hơn từ lúc ông nghỉ hưu, nhưng thơ của ông chỉ là
thơ con cóc, văn của ông thuộc loại ba xu... Tuy nhiên, ông rất sốt sắng chỉ
cho anh thấy những lỗi anh vấp phạm, những chữ anh dùng sai, những tình tiết
anh phóng quá tay trong các truyện ngắn của anh. Chưa gặp ông lần nào nhưng anh
rất mang ơn và kính phục ông nhà văn đàn anh này.
Năm kia, nhân dịp đi công tác cho sở làm
tại thành phố nơi ông Xuân Phùng đang cư ngụ, anh hẹn viếng thăm ông, cho biết.
Trước khi đi, anh khoe chuyện này với nhà văn Nguyên Lê, chủ nhiệm văn đàn. Ông
Nguyên Lê niềm nở nhắn lời thăm hỏi và ân cần giới thiệu với anh rằng ông Xuân
Phùng đã xuất bản gần chục tập truyện ngắn và truyện dài nhưng mức tiêu thụ rất
yếu. Ông còn ngậm ngùi bảo rằng, “Câu nói của cụ Tản Đà vẫn đúng... Văn chương
Việt Nam ta ngày nay vẫn rẻ như bèo!” và ông cười đùa trong điện thoại, “À, anh
chớ có dại nhé! Đừng có nhắc đến chuyện sách vở, không khéo ông Xuân Phùng tặng
cho một lô sách, bê về mỏi cả tay!” Nghe vậy, anh tự hỏi, “Lạ nhỉ, tại sao mình
chưa đọc được lời giới thiệu hay phê bình
nào về những quyển sách của ông Xuân Phùng trên báo chí? Vì sao ông ta chẳng
bao giờ khoe với mình sách ông đã xuất bản? À... chắc là vì ông quá khiêm nhượng
thôi!”
Lần thăm viếng ấy, anh mang về nhà tám
quyển sách có chữ ký và triện son của nhà văn Xuân Phùng. Anh xin gởi lại ấn phí
nhưng ông từ chối. Anh nói riết ông mới chịu nhận phân nửa số tiền gọi là “cho
vui” trong tình văn nghệ.
Vài tháng sau, ông Xuân Phùng gởi đến văn
đàn một truyện ngắn kinh dị. Đã quen thuộc với văn của ông nên anh nghĩ ông đang
chuyển hướng viết từ tình cảm xã hội sang loại truyện này. Vì vậy, trong lúc làm
công việc trình bày sách, anh tò mò đọc rất kỹ truyện của ông và anh nhận thấy truyện có vài sơ xuất có thể làm độc giả
suy đoán được kết cuộc. Nghĩ đến cái tình “văn nghệ” của nhà văn Xuân Phùng đối
với mình, anh vội biên cho ông vài hàng, xin góp hai ba ý kiến có thể giúp truyện
của ông hấp dẫn từ đầu đến cuối. Anh nhận được điện thư hồi âm của ông, vỏn vẹn
có 10 chữ, “Chú mày có đọc ‘On Writing’ của Steven King chưa?”
Vâng, đó là quyển “best seller” của ông “vua”
kinh dị Hoa Kỳ viết về cuộc đời và kinh nghiệm viết văn của ông ta. À... thì ra...
có thể ông Xuân Phùng muốn rầy khéo anh chưa “học” tới đâu mà đòi “dạy” ông ta!
Nghĩ đến “bốn cái ngu” trong thiên hạ, anh tự bào chữa, “Mà mình có ‘cầm chầu’ đâu!
Mình chỉ có góp ý xây dựng thôi mà!” Anh chợt nhớ một lời khuyên của tác giả Stephen
King trong quyển sách ấy, “Khi ta viết, ta đóng cửa lại; khi ta sửa, ta mở nó
ra.”* rồi anh nghĩ ngợi xa xôi, “Ôi, cái tôi thật đáng thương!” nhưng anh kềm lòng
mình lại được, thầm hứa, “Từ nay, chớ có dại...”
đàoanhdũng
Đầu Hạ 2014
Hân hạnh đón nhận lời bình luận dễ thương của bạn.
1 nhận xét:
*Vẻ đẹp nội tại của tác phẩm là do chính nhà văn suy nghĩ, tìm tòi, khám phá...là do nhà văn phản ánh có chọn lọc...trong hiện thực cuộc sống, đượcthể hiện một cách riêng trong tác phẩm của mình. Đó là nhà văn, chính mình, đã dọn bàn cho độc giả:“Write with the door closed".
*Tuy nhiên nhà văn cũng cần lắng nghe những phản hồi của độc giả để những vẻ đẹp nội tại đó được phản chiếu hơn qua lăng kính cảm nhận của người đọc. Nhà văn sẽ soi rọi lại những khiếm khuyết (nếu có) và điều chỉnh lại, biến tác phẩm mình sáng giá hơn: "Rewrite with the door open".
* Thảo nào, thường thường, trên lời ngỏ của những nhà văn tiền bối, họ luôn luôn tỏ ý xin nhận những cái bất cập của mình do quý vị độc giả bốn phương bình luận. Thật là một nét rất đẹp trong văn chương! Một tinh thần rộng mở, khả ái; biết người, biết ta trên tinh thần "nhân vô thập toàn"
* Đối với một số ít tác giả chỉ biết "bế quan tỏa cảng" trong sáng tác chủ quan của mình... thì nội dung truyện nầy "Chớ có dại"/ ĐAD, rất ý vị và thấm thía.
*Tôi thấy ĐAD chọn lọc chi tiết, trích từ câu ca dao về nhân tình thế thái:
"Ở đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu".
Tác giả không biểu đạt tách bạch nó ra, mà chỉ nói ngắn gọn:"“Mà mình có ‘cầm chầu’ đâu! Mình chỉ có góp ý xây dựng thôi mà!”. "Cầm chầu" trong sân khấu dân gian là ngu vì sẽ mếch lòng thiên hạ.
*Cuối cùng, cái mở nút, hóa giải, kết thúc như chiếu bí của "anh" / như một kinh nghiệm thường thức, dễ thương:“Ôi, cái tôi thật đáng thương!” nhưng anh kềm lòng mình lại được, thầm hứa, “Từ nay, chớ có dại...”
Thân mến, Ngân Triều
Đăng nhận xét