Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




27 tháng 6, 2014

Chớ Có Dại ... truyện ngắn đào anh dũng



Cũng vì ưa thích thơ văn, muốn tập tành viết lách mà anh tình nguyện giúp công việc trình bày và kỹ thuật cho quyển tuyển tập định kỳ của một văn đàn hải ngoại. Nhờ vậy anh mới có cơ hội làm quen với vài nhà văn sinh hoạt với văn đàn, học hỏi họ rất nhiều về lối hành văn, sử dụng ngôn ngữ cũng như cách cấu kết, bố cục của một bài văn.

Ông Xuân Phùng là một trong số các nhà văn anh “quen biết” và được “thọ giáo”. Ông rất khiêm tốn, bảo với anh rằng ông mới viết lai rai sau 1975, đều đặn hơn từ lúc ông nghỉ hưu, nhưng thơ của ông chỉ là thơ con cóc, văn của ông thuộc loại ba xu... Tuy nhiên, ông rất sốt sắng chỉ cho anh thấy những lỗi anh vấp phạm, những chữ anh dùng sai, những tình tiết anh phóng quá tay trong các truyện ngắn của anh. Chưa gặp ông lần nào nhưng anh rất mang ơn và kính phục ông nhà văn đàn anh này.

Năm kia, nhân dịp đi công tác cho sở làm tại thành phố nơi ông Xuân Phùng đang cư ngụ, anh hẹn viếng thăm ông, cho biết. Trước khi đi, anh khoe chuyện này với nhà văn Nguyên Lê, chủ nhiệm văn đàn. Ông Nguyên Lê niềm nở nhắn lời thăm hỏi và ân cần giới thiệu với anh rằng ông Xuân Phùng đã xuất bản gần chục tập truyện ngắn và truyện dài nhưng mức tiêu thụ rất yếu. Ông còn ngậm ngùi bảo rằng, “Câu nói của cụ Tản Đà vẫn đúng... Văn chương Việt Nam ta ngày nay vẫn rẻ như bèo!” và ông cười đùa trong điện thoại, “À, anh chớ có dại nhé! Đừng có nhắc đến chuyện sách vở, không khéo ông Xuân Phùng tặng cho một lô sách, bê về mỏi cả tay!” Nghe vậy, anh tự hỏi, “Lạ nhỉ, tại sao mình chưa  đọc được lời giới thiệu hay phê bình nào về những quyển sách của ông Xuân Phùng trên báo chí? Vì sao ông ta chẳng bao giờ khoe với mình sách ông đã xuất bản? À... chắc là vì ông quá khiêm nhượng thôi!”
Lần thăm viếng ấy, anh mang về nhà tám quyển sách có chữ ký và triện son của nhà văn Xuân Phùng. Anh xin gởi lại ấn phí nhưng ông từ chối. Anh nói riết ông mới chịu nhận phân nửa số tiền gọi là “cho vui” trong tình văn nghệ.

Vài tháng sau, ông Xuân Phùng gởi đến văn đàn một truyện ngắn kinh dị. Đã quen thuộc với văn của ông nên anh nghĩ ông đang chuyển hướng viết từ tình cảm xã hội sang loại truyện này. Vì vậy, trong lúc làm công việc trình bày sách, anh tò mò đọc rất kỹ truyện của ông và anh nhận  thấy truyện có vài sơ xuất có thể làm độc giả suy đoán được kết cuộc. Nghĩ đến cái tình “văn nghệ” của nhà văn Xuân Phùng đối với mình, anh vội biên cho ông vài hàng, xin góp hai ba ý kiến có thể giúp truyện của ông hấp dẫn từ đầu đến cuối. Anh nhận được điện thư hồi âm của ông, vỏn vẹn có 10 chữ, “Chú mày có đọc ‘On Writing’ của Steven King chưa?”

Vâng, đó là quyển “best seller” của ông “vua” kinh dị Hoa Kỳ viết về cuộc đời và kinh nghiệm viết văn của ông ta. À... thì ra... có thể ông Xuân Phùng muốn rầy khéo anh chưa “học” tới đâu mà đòi “dạy” ông ta! Nghĩ đến “bốn cái ngu” trong thiên hạ, anh tự bào chữa, “Mà mình có ‘cầm chầu’ đâu! Mình chỉ có góp ý xây dựng thôi mà!” Anh chợt nhớ một lời khuyên của tác giả Stephen King trong quyển sách ấy, “Khi ta viết, ta đóng cửa lại; khi ta sửa, ta mở nó ra.”* rồi anh nghĩ ngợi xa xôi, “Ôi, cái tôi thật đáng thương!” nhưng anh kềm lòng mình lại được, thầm hứa, “Từ nay, chớ có dại...”

đàoanhdũng
Đầu Hạ 2014


 * “Write with the door closed; rewrite with the door open.” Trích từ quyển “On Writing: A Memoir of the Craft” của nhà văn Stephen King, nhà xuất bản Scribner, Hoa Kỳ, năm 2000.


Hân hạnh đón nhận lời bình luận dễ thương của bạn.

23 tháng 6, 2014

Xin Cảm Ơn


Một người bạn thân vừa gởi cho tôi hình ảnh này.

Bạn lên trang blog và tình cờ thấy con số 7777 lần viếng, bạn nói đây là con số hên và thấy vui vui nên bạn làm screen shot và gởi cho tôi.

Xin chia sẻ cùng quý bạn và xin chân thành cảm ơn quý bạn đã ưu ái, đến viếng trang blog trong thời gian qua.

đàoanhdũng

19 tháng 6, 2014

Một Mẩu Chuyện Đời - Truyện thật ngắn đào anh dũng



Hồi tôi còn ở quê nhà, mỗi lần thấy tôi buồn vì những đụng chạm đắng cay với đời, cha tôi luôn an ủi, dạy tôi qua hai câu lục bát mộc mạc:
Cuộc đời như tấm gương soi
Ta cười, ta khóc nó noi theo liền.
Qua Mỹ, tôi học được thêm một câu cách ngôn để đối phó với những long đong buổi đầu. Nhớ hai câu thơ của cha, tôi chép nó thành hai câu văn vần như sau:
Khi đời cho trái chanh chua
Thêm đường pha uống, ta xua nỗi buồn.(*)

Lời dạy của cha và câu phương châm này đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn nơi xứ người. Vì thế, tôi thường dùng ý tưởng ấy để khuyên lơn, giúp bạn bè của tôi lên tinh thần mỗi khi họ gặp những chuyện buồn lòng... Cho đến hôm kia, một người bạn hỏi ngược lại tôi trên điện thoại, “Nếu không có đường thì ta làm sao đây?”
Tôi cảm thấy hụt hẫng, thầm nghĩ đến nhóm từ ngữ mới “bótay.com” thời nay thiên hạ thường dùng trên mạng và tôi tự hỏi, “Không lẽ bạn bi quan đến thế sao? Hay là bạn bị bệnh trầm cảm?” Tôi lặng thinh, không biết nói gì để an ủi bạn đến khi nghe bạn cười thật to và nói trong máy:
“Nghĩ xa xôi rồi đó, phải không bạn hiền? Nếu không có đường thì ta pha chanh với nước lã, không tốn một xu nào mà lại được thưởng thức nước uống có mùi vị thơm ngon của chanh. Phải không nào?”
Tôi lại cảm thấy hụt hẫng vì bạn đã nói trúng tim đen của mình. Tôi cười thật giòn, trả lời bạn, “Trúng phóc! Hay quá, vậy mà tui nghĩ không ra chứ!”, trong lòng khoan khoái vì bạn mình vẫn còn biết cười với tấm gương soi đời.
Ở đời, lắm khi cái “tha” là thầy của “ta”.


đàoanhdũng
đầu hè 2014

* When life gives you lemons, make lemonade.


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

2 tháng 6, 2014

Cũng Một Tiếng Mùa Xuân

đàoanhdũng


Năm nay thời tiết Bắc Mỹ thay đổi khác thường, mới đến giữa tháng ba mà tuyết đã tan hết rồi. Cuối tuần qua nhiều người ra đường đã mặc quần sọt, vậy mà sáng nay tuyết lại lất phất rơi khi ông đưa bà đi chợ Việt Nam. Về đến nhà, bà dọn ra bàn một chén chè trôi nước và pha cho ông một tách trà xanh, xong bà mới lui cui soạn sành các gói thức ăn vừa mua. Ông lật tờ báo “chợ”, đọc tin tức, bỗng nói lớn tiếng:
“Trời đất!”
Bà ngạc nhiên hỏi:
“Chuyện gì vậy ông?”
“Cái ông nhà báo này ngang nhiên dịch Arab Spring thành Mùa Xuân Ả Rập!”
“Vậy hả, vậy mà tôi tưởng chuyện gì quan trọng!”
Bà trả lời, cười mỉm. Ông lờ đi, nói tiếp:
“Hôm kia anh ba nói ảnh nghe trên đài truyền hình bên Việt Nam đọc tin tức về Mùa Xuân Ả Rập ảnh muốn lấy chiếc dép chọi cái ti-vi cho hả giận. Ảnh rủa, cái bọn ngu dốt!  Tui nói, không đâu, không phải vậy đâu, người ta dùng chữ Mùa Xuân là vì Nổi Dậy rất là nhạy cảm bên đó. Còn chú năm thì nói trên Internet có nơi giải thích rằng đó là cuộc cách mạng ở các xứ Ả Rập xảy ra vào mùa Xuân năm ngoái, mùa Xuân tươi sáng tương phản với với mùa Đông đen tối; nếu vậy thì phải nói cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập mới đúng. Bà thấy sao?”
Bà vừa mở cửa tủ lạnh cất gói rau sống vừa trả lời lấy có:
“Ối, hơi đâu mà mình lo chuyện thiên hạ! Mình lo là lo dầu xăng, đồ ăn lên giá không biết tiền hưu trí có đủ chi dùng trong nhà không đây!”
Ông quay hẳn người về phía bà, nói giọng khá lớn tiếng hơn bình thường:
“Bà ... bà nói vậy nghe sao đặng! Còn cái ông nhà báo này không rành chữ nghĩa hay là ổng cố tình hùa theo bên đó? Bà với tui qua đây, lớn tuổi rồi, tiếng tây tiếng u ù ù cạt cạt mà mình còn biết ngoài mùa Xuân chữ spring còn có nghĩa là gì, huống chi ...”
Ông chưa dứt lời, bỗng có hai bàn tay quen thuộc bóp nhẹ trên vai.
“Thôi ông, mình già rồi, thế sự mình thấy đó, nghe đó rồi buông đi mà vui sống với con, với cháu, với anh chị em, bạn bè. Nghĩ tới làm gì rồi lên máu. Tui nói bậy, rủi mình bị đứt mạch máu nằm đó thì khổ tấm thân ...”
Ông vói tay ra sau, nắm tay bà, lòng lắng dịu, nhận ra cái ấm áp của đôi bàn tay ấy. Ông thầm cảm ơn Trời Phật đã ban cho ông mùa Xuân ở cuối cuộc đời nhưng ông biết con quốc trong lòng của ông ngày ngày vẫn còn kêu tiếng quốc quốc ...
Ngoài kia, tuyết không còn rơi, nắng đã lên. Năm nay chắc Xuân đến sớm.

đàoanhdũng


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.