Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




19 tháng 8, 2018

Thứ tha

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 381, tháng 5/2018

1.

Thứ sáu, sáu giờ chiều mặt trời đã ngả bóng. Tan sở làm, lưng mang chiếc ba lô nặng trỉu, Nhân bước ra bãi đậu xe. Anh sẽ chạy chiếc Honda cũ kĩ của mình thẳng về Tây Ninh thăm mẹ.

Giờ cao điểm. Đường kẹt cứng, đa số là xe gắn máy. Còi xe inh ỏi, không khí đầy ắp khói và bụi. Mọi người đeo khẩu trang, tranh giành từng tất đường. Quán cóc hai bên đường nhộn nhịp người đi lại hoặc ồn ào ăn nhậu. Đây là một buổi chiều thứ sáu như mấy trăm thứ sáu của bảy năm qua, từ ngày Nhân rời nhà đi học rồi có việc làm ở Sài Gòn. Chiều thứ sáu nào, ngoại trừ thời gian ba tháng tập sự ở Singapore, Nhân cũng về quê thăm mẹ, đưa mẹ và dì hai đi xem lễ ở nhà thờ giáo xứ vào sáng Chúa nhật trước khi anh trở lại thành phố. Từ lúc Nhân còn bé, mẹ đã dọn về ngụ với dì hai, phụ dì bán gánh cháo lòng sinh sống. Dì và mẹ mồ côi cha mẹ từ thời chiến tranh. Dì ở độc thân, không con, chỉ có Nhân là cháu.

Khoảng hai tiếng đồng hồ sau Nhân mới về đến nhà. Hơn tám giờ tối, dì hai đã tắt đèn đi ngủ, chỉ có mẹ ngồi một mình trên chiếc chiếu, lần chuỗi trước bàn thờ Chúa ở giữa nhà và chờ đợi Nhân. Mỗi ngày trong tuần, dì và mẹ thức dậy để dọn gánh cháo lòng từ bốn giờ sáng. Nhìn dáng mẹ gầy mòn, đơn côi dưới ánh sáng lập loè của ngọn đèn dầu trên bàn thờ, bên kia song cửa sổ, Nhân muốn rơi nước mắt.

2.

Cuộc đời của mẹ vốn dĩ cô đơn vì tình yêu của cha mẹ ngang trái ngay từ thuở ban đầu. Gia đình hai bên đã không môn đăng hộ đối lại còn khác tôn giáo nữa. Cha kể cho Nhân nghe rằng ông đã tự ý theo đạo Chúa, dọn ra riêng để cưới mẹ, chung sống với mẹ, sinh ra Nhân. Vì thế, ông bà nội từ cha, không nhận mẹ là dâu, Nhân là cháu. Cha chấp nhận cuộc sống chật vật nhưng rất hạnh phúc với mẹ cho đến lúc Nhân lên hai, mang một căn bệnh thật hiểm nghèo mà cha mẹ không có đủ tiền để lo cho Nhân được chữa trị ở bệnh viện thành phố. Vì thế, cha phải cầu cứu với ông bà nội. Ông bà đồng ý giúp nhưng với điều kiện là cha phải bỏ mẹ, trở về nhà cưới người vợ ông bà đã chọn từ trước và trông nom cơ ngơi của gia đình. Thương Nhân, yêu mẹ nhưng cha đành phải nghe lời ông bà để cứu mạng sống của Nhân. Thật vậy, cha đã cưới vợ khác, không còn sống chung với mẹ và Nhân nhưng ông vẫn lén lút thăm viếng, giúp đỡ mẹ nuôi nấng Nhân. Cho đến lúc bà nội qua đời Nhân mới được phép đến chịu tang bà và được ông nội để ý tới. Từ đó, cha đến với mẹ và Nhân một cách công khai và thường xuyên hơn. Việc này cũng gây bao sóng gió cho cha...

3.

Nhân mở cửa bước vào nhà, ngồi xuống chiếu, đưa hai tay ôm mẹ từ phía sau lưng. Mẹ quay lại, âu yếm nhìn Nhân, khẽ nói:
"Con về hồi nào mà mẹ không hay? Hơi ốm đó nhen, con ăn uống có điều độ không? Hay là con bị bệnh?"
Hầu như thứ sáu nào mẹ cũng nói y chang như vậy. Nhân mỉm cười, lắc đầu, trả lời mẹ:
"Con mạnh như trâu, lúc này chỉ có phải làm việc giờ phụ trội hơi nhiều thôi mẹ à."
"Mình đi xuống bếp, mẹ hâm lại tô canh chua bạc hà, dĩa cá kho cho con ăn. Đi làm ra khỏi sở là về liền nên con đói bụng lắm phải không?"
"Con có ghé Trảng Bàng, mua một khúc bánh mì thịt gặm cho đỡ đói rồi."

Nói vậy chứ Nhân cũng theo mẹ xuống bếp. Nhân đã hai mươi lăm tuổi rồi mà mẹ vẫn còn lo cho anh từng ly từng tí.  Trưa Chúa nhật nào mẹ cũng gói món này, vật nọ bảo Nhân mang theo để có mà ăn trong tuần. Mẹ đâu biết rằng mấy tháng nay có một người hàng ngày dỡ cơm trưa theo để cùng ăn với Nhân trong sở làm. Người đó là Duyên, bạn đồng nghiệp của Nhân. Duyên quê ở Gò Công, ở trọ nhà ông cậu để đi học rồi có việc làm cùng sở với Nhân. Vâng, tình yêu đã đến với hai người và Nhân định nay mai sẽ thổ lộ cùng mẹ.

"Nhân, ngày mai con đến thăm má hai. Tội nghiệp, cha con nói bác sĩ đã lắc đầu, cho bà về nhà hôm kia để lo hậu sự."
Giọng nói của mẹ rất chậm rãi, hiền hoà nhưng nó làm Nhân giựt mình vì anh đang nghĩ đến Duyên. Khi Nhân làm thân với Duyên, có vài bạn chê, nói nàng tên Duyên mà ăn nói không có duyên. Nhưng dưới cặp mắt của Nhân, Duyên đẹp, hiền và thật thà, có sao nói vậy, không biết rào trước đón sau. Nhân mong rằng, khi gặp Duyên mẹ Nhân cũng nghĩ như vậy. Nhân gật đầu, nói với mẹ: "Dạ, ngày mai con sẽ đi thăm má hai."

4.

Má hai là người vợ kế của cha Nhân. Sau bao cơn giông tố bà đã miễn cưỡng cho phép Nhân gọi bà bằng má. "Má hai" vì cha là người con trưởng, thứ hai trong gia đình nên mấy cô, mấy chú ai cũng gọi bà là chị hai. Bốn năm sau khi kết hôn với cha, má hai sanh được một người con duy nhất là Nghĩa, người em cùng cha khác mẹ với Nhân. Nghĩa khôi ngô, tuấn tú, được mẹ cưng chiều như trứng mỏng nên mười chín tuổi rồi mà anh chàng vẫn còn lông bông trong chuyện học hành. Cũng may là Nghĩa không có rượu chè, ma tuý, chỉ biết ăn chơi đàn đúm với bạn bè, bồ bịch lung tung mà thôi.

Má hai cho phép Nhân gọi bà bằng má nhưng bà không dấu được nỗi bất bình mỗi khi thấy cha chăm sóc Nhân. Biết thân phận của mình nên Nhân chỉ cảm thấy buồn tủi mà thôi cho đến hôm anh đến nhà báo tin với cha anh đậu Trung học Phổ thông. Số là cha quyết định dành riêng một số tiền để nuôi Nhân ăn học ở thành phố. Việc này cha đã hứa với Nhân từ lúc anh lên trung học. Hôm ấy, thay vì chúc mừng Nhân đạt được thành tựu đầu đời, má hai lớn tiếng chỉ trích cha, nói việc Nhân vào đại học là chuyện ruồi bu, tốn tiền vô ích vì chưa chắc Nhân có khả năng tốt nghiệp đại học, và nếu Nhân có tốt nghiệp đi nữa thì cha cũng phải bỏ ra một số tiền lớn để lo lót cho các quan chức anh mới có việc làm. Vì vậy, tốt hơn hết là Nhân nên kiếm một công việc tay chân nào đó để đi làm kiếm tiền nuôi lấy tấm thân, không phải ăn bám vào gia đình. Cha giữ im lặng, không nói lời nào với má hai. Ông khuyên Nhân tìm hiểu ngành học nào thích hợp với sở thích và khả năng của mình, có nhiều hy vọng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, chọn trường nào có tiếng để ghi danh thi tuyển, học phí ông sẽ lo cho anh. Riêng Nhân, anh rất buồn và có thể nói là anh 'hận' má hai vì lời nói của bà nghe như có ác ý và đượm nét ganh tị, nhưng anh giữ kín trong lòng, không than thở gì với mẹ. Nhân chỉ biết cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ soi sáng, gia ân cho mình. Và, mọi sự đã diễn ra như một phép lạ.

Trong ba năm cuối trung học Nhân chơi rất thân với Tiến, một bạn học cùng lớp. Con nhà buôn bán, khá giả nhưng Tiến sống đơn giản, không có chút tự kiêu. Tiến thường rủ Nhân đến nhà bạn để học và làm bài chung. Cha của Tiến có một chiếc máy vi tính, Tiến và Nhân được phép dùng để làm bài vở, thỉnh thoảng có thể chơi trò chơi điện tử. Nhờ đó mà Nhân có dịp đụng đến máy vi tính và biết cách sử dụng máy qua sự chỉ dẫn của Tiến. Tiến rất mê vi tính nên bạn đã chọn ngành Điện toán ngay trước khi thi đậu Trung học Phổ thông. Cũng dễ hiểu thôi vì Tiến có một người anh tên là Đạt đang làm việc cho một công ty điện toán gốc ở Singapore. Trong lúc Nhân còn đang phân vân chưa biết chọn ngành nào, Tiến giới thiệu Nhân với anh Đạt và sau khi nói chuyện, biết Nhân rất giỏi môn Toán học anh khuyên Nhân theo ngành Điện toán cho có tương lai và anh đã tận tình hướng dẫn Nhân chọn trường, dọn thi vào trường Điện toán học chung khoá với Tiến.

Bốn năm đại học, học phí đã có cha chu cấp cùng với một máy vi tính xách tay, học hành thì có anh Đạt giúp giải thích những điều khó hiểu và Tiến là bạn đồng môn nhưng Nhân đã gặp khá nhiều chông gai. Nhân phải đi dạy kèm Toán cho trẻ để có tiền ở trọ, có em hiền lành nhưng cũng có em rất khó dạy. Lắm lúc không có việc làm Nhân phải đi vay tiền để sống nhưng anh nào dám nói với mẹ, sợ mẹ lo. Khi Nhân gần xong năm thứ hai đại học, mẹ bị bệnh tiểu đường quá nặng, tưởng đã phải bị cưa chân. Trong thời gian ấy, Nhân phải chạy đôn chạy đáo, vừa lo cho mẹ đang nằm bệnh viện, vừa học hành thi cử, vừa đi dạy kèm. Có lúc Nhân tưởng mình đã phải bỏ cuộc rồi. Tuy nhiên, trong những giây phút căng thẳng ấy, Nhân vẫn dốc lòng cầu nguyện cùng Chúa và lạ thay, mỗi khi nghĩ đến lời nói của má hai, Nhân không còn 'hận' bà nữa mà anh tự hỏi tại sao mình không xem đó như là một lời thử thách của bà? Nếu Nhân bỏ cuộc thì hoá ra bà nói đúng hay sao? Vì thế, Nhân đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại và cuối cùng anh đã tốt nghiệp cử nhân Điện toán.

Người đời thường nói "Vận may không đến hai lần" nhưng nó đã đến với Nhân như một phép lạ. Khi Nhân và Tiến đang chuẩn bị thi quý cuối cùng của bốn năm đại học, công ty điện toán anh Đạt đang phục vụ ra thông cáo tuyển chọn nhân viên vì họ vừa ký hợp đồng cung cấp nhu liệu hay là "phần mềm" cho một vài đại công ty Mỹ quốc. Nhân và Tiến nộp đơn và nhờ sự chỉ dẫn của anh Đạt, cả hai đều trúng tuyển. Sau vài cuộc phỏng vấn, rồi ba tháng tập sự ở Singapore, Nhân được thu nhận làm việc ở văn phòng của công ty đặt tại thành phố, còn bạn Tiến thì công tác ngay ở Singapore. Với số lương hàng tháng bắt đầu là  18 triệu đồng, sau hai năm đi làm Nhân đã dành dụm được một số tiền, giúp dì hai và mẹ cất lại ngôi nhà. Nhân cũng phụ tiền chợ và thuốc men cho má và dì hai, nhờ vậy mà hai bà có thể mướn một chị phụ giúp nấu nướng nên công việc buôn bán đỡ cực nhọc hơn.

Tuần rồi, mẹ bắt xe đò xuống thành phố và Nhân xin nghỉ phép một ngày đưa mẹ đến bệnh viện thăm má hai. Bà bị bệnh ung thư tử cung, đã được chữa trị bằng hoá chất nhưng hình như vô hiệu quả. Nhân không ngờ bệnh tình của bà trở nên trầm trọng quá nhanh như vậy.

5.

Trưa hôm sau thứ bảy Nhân đến nhà cha để thăm má hai, ngạc nhiên khi thấy cha xứ đang trò chuyện cùng cha của anh và vài ông bà giáo dân ở phòng khách. Sau khi chào hỏi cha xứ và mọi người, Nhân được biết cha xứ vừa làm phép rửa tội và xức dầu cho má hai. Bà đã nghe lời theo khuyên của cha và xin được làm con của Chúa. Bước vào phòng trong để thăm má hai, Nhân thấy Nghĩa đang ngồi bên bà, gương mặt buồn hiu. Má hai đang nằm thiêm thiếp, thân hình của bà mỏng dính, dán sát xuống chiếc giường trông thật thảm thương. Nghĩa nắm tay má hai, nhốm người lên khẽ nói vào tai bà:
"Má ơi, có anh Nhân đến thăm má nè."
Má hai mở mắt, yếu ớt đưa tay, ngoắc Nhân đến gần. Nhân ngồi xuống mép giường, nắm tay má hai. Bà nhìn Nhân, thều thào nói:
"Nhân, con tha lỗi cho má. Má đã nhiều lần đối xử không  công bằng, không tử tế với con và... và mẹ của con."
Nhân bóp nhẹ bàn tay gầy guộc của má hai, lắp bắp thưa cùng bà:
"Má...Thưa má, con đến thăm má, má nằm nghỉ cho khoẻ. Má đừng nói vậy..."
Má hai lắc đầu nói tiếp:
"Con về nói với mẹ con đến gặp má để má... má xin lỗi... để má gởi gấm cha của con..."
Nhân chưa kịp nói thêm điều gì má hai đã cố gắng bóp chặt tay anh, tay kia bà nắm lấy tay của Nghĩa và nói:
"Nghĩa, con hãy hứa với má, nghe lời má thay đổi lối sống, ăn ở tử tế, theo anh hai con đi học cho nên người. Được vậy má mới yên lòng mà ra đi..."
Má hai chưa nói dứt câu Nghĩa đã khóc oà lên. Bà nói tiếp:
"Trước mặt má, con hãy nói đi con..."
Nghĩa nghẹn ngào nói: "Con xin hứa, xin hứa với má..." rồi nó ngước mắt nhìn Nhân và nói tiếp:
"Anh hai, xin anh thương em, chỉ dẫn cho em ăn học thành tài như anh, cho đẹp lòng má nhen anh..."
Đó là lần đầu tiên Nghĩa gọi Nhân bằng 'anh hai'.

Cảnh vật trước mắt Nhân bỗng dưng nhạt nhoà khi anh nhốm người hôn vào trán má hai thay cho câu trả lời với Nghĩa, giờ đây nó là đứa em cùng cha cùng mẹ với anh.

đàoanhdũng
Tây Ninh, tháng Giêng 2018

Không có nhận xét nào: