Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




9 tháng 9, 2018

Lạnh

Mùa đông băng giá
nhưng không lạnh bằng
con tim đông đá.

It's cold, it's winter;
but, it's not colder
than a frozen heart.

C'est l'hiver, il fait froid dehors
mais pas plus froid
qu'un cœur
gelé.


đàoanhdũng
April 4, 2018

2 tháng 9, 2018

Vịn

(Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
số 380, tháng 4/2018)

Vói tay vịn Chúa muôn loài
Nguyện xin che chở đoái hoài xót thương
Đời con lắm lúc thê lương
Lằn tên mũi đạn trăm đường bất an
Sống còn nhờ Chúa cưu mang
Con xin đền tạ muôn vàn Ơn Trên.

Cúi đầu vịn Mẹ đứng lên
Chiến tranh khói lửa bấp bênh cuộc đời
Qua bao trôi nổi chơi vơi
Mẹ đưa con thoát biển khơi hiểm nghèo
Mân côi chuỗi hạt con đeo
Nguyện cầu cùng Chúa, bước theo chân Ngài.

Vịn vào Đức Chúa Thánh Thần
Cầu xin cứu vớt bao lần u mê
Nhờ Ngài soi sáng lối về
Ăn năn hối cải gớm ghê tội tình
Sống đời phục vụ hy sinh
Lỗi tha, tội chuộc, an bình tâm linh.


đàoanhdũng

29 tháng 8, 2018

Mồng tơi

Tập vở học trò
Bài thơ tặng O
Tình tôi vời vợi

Mực tím mồng tơi
Bài thơ cho tôi
Tình O chất chứa

Mậu Thân khói lửa
Tôi đốt hết thơ
Khóc tình bạc mệnh.

Bao năm trăng rụng qua mành
Tình đầu thuở nớ nay thành thiên thu.

đào anh dũng
Tuyết tháng tư, 2012, Minnesota
Nhớ tháng tư, 1968, Sài Gòn.

25 tháng 8, 2018

Bàn Tay Quan Phòng

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 380, tháng 4/2018

Làm việc thiện nguyện ở viện dưỡng lão Thánh Nữ Têrêsa vào những ngày chẵn trong tuần, tôi có nhiệm vụ đẩy xe lăn, đưa hai cụ bà và một cụ ông đến phòng ăn; rồi sau khi họ đã dùng cơm trưa, tôi giúp họ trở về phòng riêng. Ngày nào cũng vậy, ông Mike Johnson luôn im lặng nhưng không bao giờ quên nói câu cám ơn tôi; bà Monique Spencer thích trò chuyện, hỏi thăm tôi này nọ, đa số là những câu bà đã từng hỏi; còn bà Edith Kleinfeldt thì lúc nào đôi mắt của bà cũng ngó mông lung và thỉnh thoảng bà cười một mình. Cả ba cụ ấy sống thật đơn chiếc, tôi chưa hề thấy con cháu của các cụ đến viếng thăm. Cũng dễ hiểu thôi, những ngày trong tuần phải bươn chải làm lụng, làm sao họ có thời giờ đến thăm. Riêng bà Jennifer Nelson, người nằm kế bên phòng cụ Spencer, thì ngày nào ông chồng của bà cũng có mặt, đưa bà đến phòng ăn, đút cơm cho bà, kể chuyện cho bà nghe nhưng bà lại im hơi lặng tiếng. Bà đã mất trí nhớ rồi. Cảm phục thay tình nghĩa vợ chồng già!

Ông Nelson tuổi độ bảy mươi, dáng đi của ông không được tự nhiên nhưng trông ông vẫn còn khoẻ mạnh. Ngoài những câu chào hỏi xã giao, ông là một người kín miệng, thường hay ngồi một mình trên chiếc băng ngoài cửa phòng sau khi chăm sóc bà. Một hôm, đưa cụ Spencer về phòng xong tôi bước ra ngoài, chợt thấy gương mặt của ông Nelson đượm chút ưu tư nên tôi dừng lại hỏi thăm. Thay vì nói lên câu trả lời thường tình là "Cám ơn ông, tôi khoẻ. Còn ông thì sao?", ông Nelson nhìn cái thẻ nhân viên thiện nguyện tôi đang đeo trên ngực và hỏi:
"Chào ông, ông là người Việt Nam?"
Quên bẵng cái tên Việt của mình có in trên thẻ nhân viên nên tôi ngạc nhiên trả lời:
"Đúng vậy. Nhưng... nhưng sao... sao ông biết?"
Ông Nelson mỉm cười, đưa ngón tay trỏ chỉ thẻ nhân viên của tôi và nói:
"Tôi không đeo kính nên không thấy rõ lắm. Hình như họ của ông là Nguyễn, một cái họ phổ biến nhất của người Việt." Rồi ông ta bỗng nhiên tiết lộ, "Và... tôi có phục vụ ở Việt Nam nên tôi biết."

o O o

Vâng, tôi quen ông Nelson trong dịp ấy và ngày qua ngày chúng tôi có thêm nhiều cơ hội cùng nhau hàn huyên tâm sự vì cả hai chúng tôi có cùng một mẫu số chung. Người da trắng, kẻ da vàng nhưng chúng tôi là cựu chiến binh cùng chung một chiến tuyến trong một cuộc chiến.
Nhờ vậy, tôi mới biết ông Nelson tình nguyện gia nhập quân đội vào năm 20 tuổi với bốn người bạn cùng lớp trung học. Sau khoá huấn luyện quân sự ông phục vụ trong sư đoàn I Bộ binh Hoa Kỳ đóng tại Lai Khê, Bình Dương. Gần hai năm sau, trong một cuộc hành quân ở vùng Bến Cát, ông giẫm phải mìn, để lại bàn chân trái ở Việt Nam và được giải ngũ vào năm 1970. Ông tâm sự rằng, trở về đời sống dân sự trong giai đoạn ấy không dễ dàng như ông nghĩ. Ông tìm được việc làm, lập gia đình nhưng những cơn ác mộng về cuộc chiến cứ trở về hầu như hằng đêm. Nỗi buồn mất bạn (hai trong bốn người bạn cùng nhập ngũ với ông đã bỏ thây nơi chiến địa) cộng thêm sự lạnh nhạt, khinh khi của dân chúng Hoa Kỳ đối với các cựu chiến binh Việt Nam vào thời ấy khiến ông lâm vào tình trạng PTSD rối loạn tâm thần. Tính tình ông trở nên bất thường, đêm nằm mộng ông hay la hét, thức dậy ông ngồi trầm ngâm một mình hàng giờ, trong sở làm ông thường gây sự với đồng nghiệp, về nhà ông gắt gỏng với vợ con. Ông dùng men rượu để giải sầu cho đến một ngày ông mất tất cả, việc làm và gia đình. Rồi ông bỏ nhà ra đi, lang thang với một số cựu chiến binh Việt Nam, sống ở đầu đường xó chợ, nhờ vào trợ cấp xã hội và lòng bố thí của tha nhân vì được bao nhiêu đô la ông cho chúng bốc hơi trong thuốc lá và men rượu.

Tuy nhiên, câu chuyện về ông Nelson tôi sắp kể ra đây lại bắt đầu từ một cái tên khá quen thuộc trong ngôn ngữ Việt. Ông Nelson đọc được nó nhưng nếu phát âm không đúng thì rất phiền nên ông cẩn thận đánh vần từng chữ một cho tôi nghe. Một hôm, trong lúc trò chuyện ông Nelson bất ngờ hỏi tôi:
"Tôi có một câu hỏi cho ông. Trong cộng đồng người Việt tại tiểu bang này, ông có biết ai tên là P H U C đọc là Foouk hay không? Nếu còn sống, năm nay ông ta khoảng trên dưới 70 tuổi. Ông ta đến Mỹ vào năm 1975 và là giáo dân nhà thờ công giáo thánh Giu-Se ở phía Bắc thành phố."
Suy nghĩ một lát, tôi mới có thể trả lời ông Nelson:
"Theo như ông nói thì ông đó tên là Phúc, có nghĩa là Good Deed. Tôi có quen với một ông tên Phúc nhưng ông  ấy tuổi khoảng sáu mươi và là một phật tử. Tôi là người công giáo, cư ngụ ở phía Nam thành phố nên thỉnh thoảng tôi mới có dịp đến nhà thờ thánh Giu-Se dự lễ Misa. Nhưng, tôi không biết ai tên là Phúc cùng đi nhà thờ ấy. Có thể ông ta đã dời nhà đi Cali như đa số người Việt không chịu nổi cái lạnh miền bắc Mỹ này. Tôi có thể hỏi thăm bạn bè tìm giúp ông. À, mà tại sao ông hỏi tôi về ông Phúc vậy? Ông ta là bạn của ông à?"
Ông Nelson lắc đầu nói không. Ông gặp ông Phúc chỉ có một lần vào năm 1980, nhưng ông ta là người đã giúp ông vượt qua một giai đoạn khó khăn, đau buồn và phức tạp nhất trong đời, lúc ông mất lòng tin cậy vào tình thương của Thượng Đế, của gia đình và của xã hội.

Và, ông Nelson đã kể cho tôi nghe cuộc gặp gỡ ấy...

o O o

Sáng thứ năm ngày lễ Tạ Ơn năm ấy, hai năm sau khi trở thành một người hobo (vô gia cư), thay vì đi đến nhà thờ Thánh Anphongsô ăn một buổi cơm gà tây miễn phí như hàng năm, không hiểu sao tôi lại đổi ý bắt xe buýt, định đi đến một khu thương mại xin chút tiền mua rượu uống. Trên xe buýt, tôi chợt nhớ ngày lễ Tạ Ơn tiệm rượu nào cũng đóng cửa nên tôi kéo dây chuông, muốn xuống xe buýt ở trạm kế tiếp, băng qua đường mà đón chiếc buýt khác để trở về. Bước xuống xe buýt tôi thấy xe cộ đang chạy tấp nập vì gần đó là một ngôi thánh đường. Tôi bèn lấy trong áo tơi ra một miếng bìa có viết sẵn câu: "Please help feed a Vietnam veteran" (Xin làm ơn cứu đói một cựu chiến binh Việt Nam) và đứng ở một góc ngã tư đường. Tôi hy vọng kiếm được vài đô la trước khi đón xe buýt đi đến nhà thờ Thánh Anphongsô ăn lễ Tạ Ơn. Mấy người bạn hobo của tôi chắc đã có mặt ở nơi đó rồi.

Một lát sau bỗng có một người đàn ông Á Châu dừng chiếc xe Chevrolet cũ xì, bước đến bên tôi và lễ phép mời tôi đến ăn lễ Tạ Ơn với giáo xứ người Việt Nam tại nhà thờ Thánh Giu-Se cách đó không xa. Tôi định từ chối nhưng khi nhìn người đàn ông nhỏ thó hơn tôi, nước da ngâm đen trông giống như những người lính miền Nam Việt Nam đã từng đi hành quân chung với trung đội của mình, tôi gật đầu đồng ý và leo lên xe cùng ông ta đi đến nhà thờ. Trên xe, người đàn ông Á Châu ấy tự giới thiệu tên ông ta đọc là Foouk đánh vần từng chữ một là P H U C. Tôi tự giới thiệu tên mình là Jim Nelson rồi lầm thầm đọc đi đọc lại cái tên Phúc lạ kỳ ấy. Đến nhà thờ, ông Phúc mời tôi xuống tầng hầm dùng cơm; tuy nhiên, khi ấy gần đến giờ lễ Misa nên ông ta xin lỗi, không thể cùng tôi dùng cơm được. Ông ta có phận sự đọc sách Thánh trong buổi lễ. Như tôi đã nói, vì đã mất lòng tin vào Thượng Đế nên tôi đã bỏ lễ mấy năm rồi, nhưng khi ấy không hiểu sao tôi lại nói tôi muốn tháp tùng ông đi xem lễ. Tôi xin phép được ngồi ở một góc nhà thờ để tránh những cặp mắt hiếu kỳ của những giáo dân người Việt đang tấp nập bước vào thánh đường.

Suốt buổi lễ Misa những bài kinh, thánh ca, bài đọc, bài giảng đều bằng tiếng Việt nên tôi không hiểu chi hết.  Tuy nhiên, tôi nhận ra được một bản thánh ca vì âm thanh nghe rất giống bài "Lead Me, Guide Me" (Dẫn Con, Dắt Con) tôi thuộc lòng từ năm tôi nhận phép Thêm sức. Phải chăng ai đó đã phổ lời Việt cho bản thánh ca này? Tôi cũng nhận ra được sự thành tâm, lòng tôn kính Thiên Chúa và đức tin của những giáo dân người Việt ngày hôm ấy. Lễ xong, ông Phúc đến tìm tôi và mời tôi cùng ông đi xuống tầng hầm nhà thờ dùng cơm. Đến nơi, tôi mới biết đây không phải là một buổi tiệc mừng lễ Tạ Ơn mà là một dịp giáo dân mang đến các món ăn họ làm tại nhà và bán để gây quỹ điều hành giáo xứ. Ông Phúc mời tôi dùng một ổ bánh mỳ Tây có kẹp thịt, một tô súp thịt bò nóng hổi ông gọi là Phở và một lon Coke. Lúc ông móc bóp trả tiền tôi cảm thấy thật là ái ngại. Trong túi còn vài đồng đô la, tôi moi ra hết và trao cho ông, buộc ông phải lấy.

Khi ấy, ông Phúc đã sống ở thành phố này được năm năm, ông nói tiếng Anh khá lưu loát nên chúng tôi không gặp trở ngại nào trong lúc trò chuyện. Tôi hỏi thăm và được biết ông nguyên là một trung uý phi công trực thăng của quân lực miền Nam Việt Nam đóng tại Biên Hoà. Những địa danh ông nói đến như Phú Lợi, Bến Cát, Củ Chi... rất quen thuộc với tôi. Sau khi Sài Gòn thất thủ, trong lúc cấp bách ông đành phải ra đi một mình, không thể mang theo vợ và hai đứa con, đứa em mới sanh được vài tháng, đứa anh hai tuổi.  Hơn bốn năm qua, ban sáng ông theo học ngành điện toán tại một trường đại học của tiểu bang, buổi chiều ông làm việc trong nhà kho của một hãng điện tử ở phía Nam thành phố. Ông sẽ tốt nghiệp vào mùa hè năm tới, hy vọng sẽ tìm được một việc làm lương bổng khá hơn để có thể bảo lảnh vợ con, cha mẹ và anh chị em đoàn tụ gia đình.

Ông Phúc kể cho tôi nghe câu chuyện đời của ông, giọng nói của ông thật buồn nhưng không có chút cay đắng. Ông bảo rằng ông phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và tình thương của Đức Mẹ. Tình cảnh của ông, nghe qua thì thấy đáng thương hại nhưng nó rất nhỏ nhoi nếu đem ra so sánh với những gì nhiều người Việt khác đã trải qua trên bước đường mong manh tìm tự do. Biết bao người đã chết trong giông tố, chịu đựng nhiều ngày đói khát trên biển cả, bị hải tặc hãm hiếp... Tai tôi nghe ông Phúc kể chuyện mà lòng thì cảm thấy xấu hổ. Phải chăng tôi đã đòi hỏi quá nhiều? Những mất mát của tôi trong cuộc chiến vừa qua có nghĩa lý gì đối với những khổ đau người Việt đã và đang phải chịu đựng. Trở về đời sống dân sự, tôi có một mái ấm gia đình, có một cuộc sống tương đối đầy đủ nhưng tôi nào có biết cảm ơn Thượng Đế mà chỉ biết trách, trách người chứ không nghĩ đến tình thương của xã hội, nhất là của thân nhân, bạn hữu đã dành cho tôi.

Ăn uống xong, ông Phúc chúc tôi may mắn và một ngày lễ Tạ Ơn thật hạnh phúc, rồi ông ân cần nói rằng ông có thể đưa tôi về nhà. Chữ "nhà" trong lúc ấy tôi nghe sao quá ấm áp vì hai năm qua tôi ăn ngủ ở dưới một gầm cầu bên bờ sông Mississippi. Tôi tự động gật đầu, bước theo ông Phúc ra bãi đậu xe. Tôi cho ông địa chỉ nhà cha mẹ của tôi rồi và tôi kìm lòng không đặng, buột miệng nói lời cám ơn ông đã cho tôi một dịp may để nhìn lại bản thân mình, những gì tôi đã có và đã đánh mất. Thế rồi trong suốt nửa giờ ngồi trên xe ông Phúc tôi trút bầu tâm sự, kể cho ông nghe cuộc đời đáng lý ra phải rất là hạnh phúc của tôi. Ông chỉ gật gù vừa chăm chú lái xe vừa nghe tôi kể cho đến lúc đến nhà, ông bắt tay tôi và nói, "Jim, không có quá trễ để làm lại từ đầu. Xin ông hãy phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa. Tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ông."
Tôi siết tay ông Phúc thật chặt, nói câu cám ơn và giã từ ông. Bước vào sân trước ngôi nhà của cha mẹ, tôi chợt nhớ đến bản thánh ca "Lead Me, Guide Me" tôi vừa nghe ở nhà thờ Thánh Giu-Se và tôi thì thầm cầu nguyện bằng lời ca của tác phẩm ấy. Và, mọi sự đã xảy ra như một phép lạ.

Cha tôi mở cửa nhà, thấy tôi ông vui mừng la lên, "Bà ơi, thằng Jimmy về!" Mẹ tôi từ căn bếp chạy đến đón tôi, hai tay bà ôm tôi vào lòng, miệng bà liên tiếp nói câu "Tạ ơn Chúa!" Sau giây phút tương phùng ấy, cha tôi hỏi tôi có thể ở lại tham dự buổi tiệc Tạ Ơn với gia đình vào buổi chiều không. Gia đình cô em Nancy của tôi sẽ đến cùng với Jennifer, người vợ cũ của tôi, và con trai của chúng tôi là Billy. Tôi đảo mắt nhìn quanh, thấy tấm ảnh bán thân của mình trong bộ quân phục bộ binh vẫn còn treo ở chỗ cũ, tôi nhè nhẹ gật đầu và nói với cha tôi rằng tôi muốn đi tắm.
Bước vào nhà tắm, nhìn một thân thể gầy mòn trên gương tôi không thể tưởng tượng nổi mình đã quá đỗi bệ rạc. Tôi lấy cái kéo, tự tay tỉa mái tóc quá dài và rối nùi của mình, tôi dùng cái máy cạo râu của cha tôi cạo láng da mặt, tôi tìm trong hộc tủ một bàn chải đánh răng và tôi đánh bộ răng ố vàng của tôi đến ba lần. Sau đó, tôi tắm gội thân thể của mình, chà xà bông không biết bao nhiêu lần mới cảm thấy sạch sẽ. Tôi còn đang ngâm mình trong bồn tắm thì có tiếng gõ cửa và cha tôi bước vào, trên tay ông là một chiếc khăn tắm và một bộ đồ cũ của tôi trước khi tôi gia nhập quân đội. Tôi không ngờ cha mẹ tôi vẫn còn giữ chúng.

Chi tiết của buổi tiệc họp mặt gia đình chiều hôm ấy tôi xin miễn kể. Điều quan trọng là Jennifer vẫn còn độc thân, nàng thường xuyên liên lạc, thăm viếng, giúp đỡ cha mẹ tôi và tình thương của người thân, nhất là Billy, dành cho tôi không có chút nào phai nhạt. Vì thế, tôi có cảm tưởng rằng Jennifer vẫn còn yêu tôi. Ngay lúc ấy tôi quyết định từ bỏ lối sống hobo, ở lại nhà cha mẹ. Vài ngày sau tôi đến gặp Jennifer, ngỏ lời xin lỗi, nói tôi vẫn còn yêu nàng và xin nàng cho tôi một dịp may. Tôi kể cho Jennifer nghe câu chuyện của ông Phúc, một người bị mất tất cả, gia đình và quê hương. Ông ta đã bắt đầu lại từ con số không với hy vọng gặp lại vợ con. Và, tôi muốn theo vết chân của ông Phúc, tôi đã đi lễ trở lại, tôi cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria gia ân phù độ, giúp tôi tái lập một mái gia đình ấm êm, hạnh phúc. Tôi đã bỏ thuốc lá và rượu, tôi đang tìm một việc làm và tôi sẽ đi học trở lại, không theo ngành điện toán đang thịnh hành trong thời gian ấy như ông Phúc mà sẽ trở thành một y tá. Tôi mong muốn có cơ hội giúp hàn gắn vết thương trong lòng cũng như trên thân thể của những người bệnh hoạn như tôi.

Nhưng, sự trở lại của tôi không êm xuôi như tôi mong đợi và tôi tin rằng đó là một thử thách của Chúa. Bỏ rượu được khoảng một tuần, một đêm nọ tôi bị cảm lạnh rồi đột ngột bất tỉnh, hôn mê, cơ thể co giật, miệng sùi bọt mép. Tạ ơn Chúa, mẹ tôi tự nhiên thức giấc, nghe tiếng động bên phòng của tôi bà mới hay biết và la lên. Cha tôi gọi 911 và xe cứu thương đã đưa tôi đến bệnh viện kịp thời. Bác sĩ cho thử máu và biết ra cơ thể của tôi bị mất muối rất trầm trọng. Bệnh viện lập tức cho truyền nước muối và tôi dần dần tỉnh lại sau khoảng mười tiếng đồng hồ hôn mê. Mở mắt ra, tôi thấy Jennifer ngồi bên cạnh giường, bàn tay ấm áp của nàng đang nắm tay tôi, lòng tôi sung sướng không thể tả. Bác sĩ giữ tôi ở bệnh viện cả tuần lễ để theo dõi và thử nghiệm tìm nguyên nhân cơ thể của tôi bị đột ngột mất muối. Họ nghi ngờ cả lố bệnh tật, kể cả ung thư. Trong suốt thời gian ấy, mọi người trong gia đình ai cũng lo ngại cho mạng sống của tôi nhưng tôi rất bình tĩnh. Tôi đã biết phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa. Cuối cùng, bác sĩ cho biết tôi có mang vài bệnh tật nhưng không đáng lo ngại lắm, chúng sẽ được chữa trị bằng thuốc men. Nguyên nhân của sự mất muối là do tôi đã bỏ rượu quá đột ngột, bộ óc của tôi sản xuất một loại hoóc môn và nó đã tống khứ muối ra khỏi cơ thể.

Sau khi lành bệnh, tạ ơn Chúa, tôi tìm được một việc làm bán thời gian. Mùa xuân năm ấy, tôi ghi danh, lấy một cua ở đại học và Jennifer bằng lòng cho tôi trở lại với nàng. Chúng tôi đã cùng nhau lập lại lời thề nguyện hôn phối trước bàn thờ Chúa. Tôi vẫn luôn nhớ ơn của ông Phúc nhưng tôi quyết định không tìm gặp ông. Tôi chỉ muốn gặp ông để nói câu cảm ơn sau khi tôi đã đạt được mục đích của mình. Đó là có một việc làm vừa để sinh sống vừa có dịp phụng sự tha nhân và một mái ấm gia đình. Tôi cũng muốn tạo một ngạc nhiên cho ông Phúc nữa.

Gần năm năm sau, Jennifer và tôi có thêm hai cháu, một gái một trai. Riêng tôi thì được một việc làm trong bệnh viện Thương Phế Binh sau khi tốt nghiệp đại học. Tôi đến nhà thờ Thánh Giu-Se vào ba buổi lễ sáng Chúa nhật nhưng không gặp được ông Phúc, vị ân nhân của tôi. Tôi hỏi thăm vài giáo dân nhưng ai cũng lắc đầu nói không biết.

o O o

Nghe ông Nelson kể xong câu chuyện lòng tôi nói vài lời cám ơn ông đã tin tưởng, tâm sự cùng tôi và lấy trong túi ra chiếc điện thoại iPhone, tìm trên mạng và chỉ cho ông thấy trang Hội Quán Phi Dũng của quý ông bà cựu quân nhân Không Quân VNCH ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tôi hứa với ông Nelson rằng tôi sẽ liên lạc với ban điều hành trang mạng, xin họ đăng vài dòng trong mục tìm bạn giúp ông. Khoảng hai tuần lễ sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ Florida. Người gọi là ông Phúc. Tôi vắn tắt kể cho ông nghe câu chuyện của ông Nelson và hẹn sẽ gọi lại ông trong vòng nửa giờ. Tôi sẽ lái xe ngay đến viện dưỡng lão để hai ông nói chuyện với nhau. Nhưng ông Phúc không đồng ý và yêu cầu tôi giữ kín mọi chuyện. Ông nói rằng sau khi tốt nghiệp đại học ông tìm được một việc làm ở thung lũng Silicon, California nên dời nhà về đó và vài năm sau ông được đoàn tụ với gia đình. Hiện nay, con cái của ông bà đã yên bề gia thất và vợ chồng ông vừa dọn nhà đi Florida để nghỉ hưu. Có nhiều thời giờ nên hai ông bà sẽ làm một chuyến du lịch trở về tiểu bang miền Bắc đã cưu mang ông ngày xưa và sẽ tạo một ngạc nhiên khá lý thú cho ông Nelson.

Vâng, mọi sự đã xảy ra như một phép lạ. Ông Phúc và ông Nelson đã gặp lại nhau. Ôi, nhiệm mầu thay bàn tay quan phòng của Thiên Chúa!


đào anh dũng
Mùa Vọng 2017

19 tháng 8, 2018

Thứ tha

Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 381, tháng 5/2018

1.

Thứ sáu, sáu giờ chiều mặt trời đã ngả bóng. Tan sở làm, lưng mang chiếc ba lô nặng trỉu, Nhân bước ra bãi đậu xe. Anh sẽ chạy chiếc Honda cũ kĩ của mình thẳng về Tây Ninh thăm mẹ.

Giờ cao điểm. Đường kẹt cứng, đa số là xe gắn máy. Còi xe inh ỏi, không khí đầy ắp khói và bụi. Mọi người đeo khẩu trang, tranh giành từng tất đường. Quán cóc hai bên đường nhộn nhịp người đi lại hoặc ồn ào ăn nhậu. Đây là một buổi chiều thứ sáu như mấy trăm thứ sáu của bảy năm qua, từ ngày Nhân rời nhà đi học rồi có việc làm ở Sài Gòn. Chiều thứ sáu nào, ngoại trừ thời gian ba tháng tập sự ở Singapore, Nhân cũng về quê thăm mẹ, đưa mẹ và dì hai đi xem lễ ở nhà thờ giáo xứ vào sáng Chúa nhật trước khi anh trở lại thành phố. Từ lúc Nhân còn bé, mẹ đã dọn về ngụ với dì hai, phụ dì bán gánh cháo lòng sinh sống. Dì và mẹ mồ côi cha mẹ từ thời chiến tranh. Dì ở độc thân, không con, chỉ có Nhân là cháu.

Khoảng hai tiếng đồng hồ sau Nhân mới về đến nhà. Hơn tám giờ tối, dì hai đã tắt đèn đi ngủ, chỉ có mẹ ngồi một mình trên chiếc chiếu, lần chuỗi trước bàn thờ Chúa ở giữa nhà và chờ đợi Nhân. Mỗi ngày trong tuần, dì và mẹ thức dậy để dọn gánh cháo lòng từ bốn giờ sáng. Nhìn dáng mẹ gầy mòn, đơn côi dưới ánh sáng lập loè của ngọn đèn dầu trên bàn thờ, bên kia song cửa sổ, Nhân muốn rơi nước mắt.

2.

Cuộc đời của mẹ vốn dĩ cô đơn vì tình yêu của cha mẹ ngang trái ngay từ thuở ban đầu. Gia đình hai bên đã không môn đăng hộ đối lại còn khác tôn giáo nữa. Cha kể cho Nhân nghe rằng ông đã tự ý theo đạo Chúa, dọn ra riêng để cưới mẹ, chung sống với mẹ, sinh ra Nhân. Vì thế, ông bà nội từ cha, không nhận mẹ là dâu, Nhân là cháu. Cha chấp nhận cuộc sống chật vật nhưng rất hạnh phúc với mẹ cho đến lúc Nhân lên hai, mang một căn bệnh thật hiểm nghèo mà cha mẹ không có đủ tiền để lo cho Nhân được chữa trị ở bệnh viện thành phố. Vì thế, cha phải cầu cứu với ông bà nội. Ông bà đồng ý giúp nhưng với điều kiện là cha phải bỏ mẹ, trở về nhà cưới người vợ ông bà đã chọn từ trước và trông nom cơ ngơi của gia đình. Thương Nhân, yêu mẹ nhưng cha đành phải nghe lời ông bà để cứu mạng sống của Nhân. Thật vậy, cha đã cưới vợ khác, không còn sống chung với mẹ và Nhân nhưng ông vẫn lén lút thăm viếng, giúp đỡ mẹ nuôi nấng Nhân. Cho đến lúc bà nội qua đời Nhân mới được phép đến chịu tang bà và được ông nội để ý tới. Từ đó, cha đến với mẹ và Nhân một cách công khai và thường xuyên hơn. Việc này cũng gây bao sóng gió cho cha...

3.

Nhân mở cửa bước vào nhà, ngồi xuống chiếu, đưa hai tay ôm mẹ từ phía sau lưng. Mẹ quay lại, âu yếm nhìn Nhân, khẽ nói:
"Con về hồi nào mà mẹ không hay? Hơi ốm đó nhen, con ăn uống có điều độ không? Hay là con bị bệnh?"
Hầu như thứ sáu nào mẹ cũng nói y chang như vậy. Nhân mỉm cười, lắc đầu, trả lời mẹ:
"Con mạnh như trâu, lúc này chỉ có phải làm việc giờ phụ trội hơi nhiều thôi mẹ à."
"Mình đi xuống bếp, mẹ hâm lại tô canh chua bạc hà, dĩa cá kho cho con ăn. Đi làm ra khỏi sở là về liền nên con đói bụng lắm phải không?"
"Con có ghé Trảng Bàng, mua một khúc bánh mì thịt gặm cho đỡ đói rồi."

Nói vậy chứ Nhân cũng theo mẹ xuống bếp. Nhân đã hai mươi lăm tuổi rồi mà mẹ vẫn còn lo cho anh từng ly từng tí.  Trưa Chúa nhật nào mẹ cũng gói món này, vật nọ bảo Nhân mang theo để có mà ăn trong tuần. Mẹ đâu biết rằng mấy tháng nay có một người hàng ngày dỡ cơm trưa theo để cùng ăn với Nhân trong sở làm. Người đó là Duyên, bạn đồng nghiệp của Nhân. Duyên quê ở Gò Công, ở trọ nhà ông cậu để đi học rồi có việc làm cùng sở với Nhân. Vâng, tình yêu đã đến với hai người và Nhân định nay mai sẽ thổ lộ cùng mẹ.

"Nhân, ngày mai con đến thăm má hai. Tội nghiệp, cha con nói bác sĩ đã lắc đầu, cho bà về nhà hôm kia để lo hậu sự."
Giọng nói của mẹ rất chậm rãi, hiền hoà nhưng nó làm Nhân giựt mình vì anh đang nghĩ đến Duyên. Khi Nhân làm thân với Duyên, có vài bạn chê, nói nàng tên Duyên mà ăn nói không có duyên. Nhưng dưới cặp mắt của Nhân, Duyên đẹp, hiền và thật thà, có sao nói vậy, không biết rào trước đón sau. Nhân mong rằng, khi gặp Duyên mẹ Nhân cũng nghĩ như vậy. Nhân gật đầu, nói với mẹ: "Dạ, ngày mai con sẽ đi thăm má hai."

4.

Má hai là người vợ kế của cha Nhân. Sau bao cơn giông tố bà đã miễn cưỡng cho phép Nhân gọi bà bằng má. "Má hai" vì cha là người con trưởng, thứ hai trong gia đình nên mấy cô, mấy chú ai cũng gọi bà là chị hai. Bốn năm sau khi kết hôn với cha, má hai sanh được một người con duy nhất là Nghĩa, người em cùng cha khác mẹ với Nhân. Nghĩa khôi ngô, tuấn tú, được mẹ cưng chiều như trứng mỏng nên mười chín tuổi rồi mà anh chàng vẫn còn lông bông trong chuyện học hành. Cũng may là Nghĩa không có rượu chè, ma tuý, chỉ biết ăn chơi đàn đúm với bạn bè, bồ bịch lung tung mà thôi.

Má hai cho phép Nhân gọi bà bằng má nhưng bà không dấu được nỗi bất bình mỗi khi thấy cha chăm sóc Nhân. Biết thân phận của mình nên Nhân chỉ cảm thấy buồn tủi mà thôi cho đến hôm anh đến nhà báo tin với cha anh đậu Trung học Phổ thông. Số là cha quyết định dành riêng một số tiền để nuôi Nhân ăn học ở thành phố. Việc này cha đã hứa với Nhân từ lúc anh lên trung học. Hôm ấy, thay vì chúc mừng Nhân đạt được thành tựu đầu đời, má hai lớn tiếng chỉ trích cha, nói việc Nhân vào đại học là chuyện ruồi bu, tốn tiền vô ích vì chưa chắc Nhân có khả năng tốt nghiệp đại học, và nếu Nhân có tốt nghiệp đi nữa thì cha cũng phải bỏ ra một số tiền lớn để lo lót cho các quan chức anh mới có việc làm. Vì vậy, tốt hơn hết là Nhân nên kiếm một công việc tay chân nào đó để đi làm kiếm tiền nuôi lấy tấm thân, không phải ăn bám vào gia đình. Cha giữ im lặng, không nói lời nào với má hai. Ông khuyên Nhân tìm hiểu ngành học nào thích hợp với sở thích và khả năng của mình, có nhiều hy vọng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, chọn trường nào có tiếng để ghi danh thi tuyển, học phí ông sẽ lo cho anh. Riêng Nhân, anh rất buồn và có thể nói là anh 'hận' má hai vì lời nói của bà nghe như có ác ý và đượm nét ganh tị, nhưng anh giữ kín trong lòng, không than thở gì với mẹ. Nhân chỉ biết cầu nguyện xin Chúa và Đức Mẹ soi sáng, gia ân cho mình. Và, mọi sự đã diễn ra như một phép lạ.

Trong ba năm cuối trung học Nhân chơi rất thân với Tiến, một bạn học cùng lớp. Con nhà buôn bán, khá giả nhưng Tiến sống đơn giản, không có chút tự kiêu. Tiến thường rủ Nhân đến nhà bạn để học và làm bài chung. Cha của Tiến có một chiếc máy vi tính, Tiến và Nhân được phép dùng để làm bài vở, thỉnh thoảng có thể chơi trò chơi điện tử. Nhờ đó mà Nhân có dịp đụng đến máy vi tính và biết cách sử dụng máy qua sự chỉ dẫn của Tiến. Tiến rất mê vi tính nên bạn đã chọn ngành Điện toán ngay trước khi thi đậu Trung học Phổ thông. Cũng dễ hiểu thôi vì Tiến có một người anh tên là Đạt đang làm việc cho một công ty điện toán gốc ở Singapore. Trong lúc Nhân còn đang phân vân chưa biết chọn ngành nào, Tiến giới thiệu Nhân với anh Đạt và sau khi nói chuyện, biết Nhân rất giỏi môn Toán học anh khuyên Nhân theo ngành Điện toán cho có tương lai và anh đã tận tình hướng dẫn Nhân chọn trường, dọn thi vào trường Điện toán học chung khoá với Tiến.

Bốn năm đại học, học phí đã có cha chu cấp cùng với một máy vi tính xách tay, học hành thì có anh Đạt giúp giải thích những điều khó hiểu và Tiến là bạn đồng môn nhưng Nhân đã gặp khá nhiều chông gai. Nhân phải đi dạy kèm Toán cho trẻ để có tiền ở trọ, có em hiền lành nhưng cũng có em rất khó dạy. Lắm lúc không có việc làm Nhân phải đi vay tiền để sống nhưng anh nào dám nói với mẹ, sợ mẹ lo. Khi Nhân gần xong năm thứ hai đại học, mẹ bị bệnh tiểu đường quá nặng, tưởng đã phải bị cưa chân. Trong thời gian ấy, Nhân phải chạy đôn chạy đáo, vừa lo cho mẹ đang nằm bệnh viện, vừa học hành thi cử, vừa đi dạy kèm. Có lúc Nhân tưởng mình đã phải bỏ cuộc rồi. Tuy nhiên, trong những giây phút căng thẳng ấy, Nhân vẫn dốc lòng cầu nguyện cùng Chúa và lạ thay, mỗi khi nghĩ đến lời nói của má hai, Nhân không còn 'hận' bà nữa mà anh tự hỏi tại sao mình không xem đó như là một lời thử thách của bà? Nếu Nhân bỏ cuộc thì hoá ra bà nói đúng hay sao? Vì thế, Nhân đã cố gắng vượt qua mọi trở ngại và cuối cùng anh đã tốt nghiệp cử nhân Điện toán.

Người đời thường nói "Vận may không đến hai lần" nhưng nó đã đến với Nhân như một phép lạ. Khi Nhân và Tiến đang chuẩn bị thi quý cuối cùng của bốn năm đại học, công ty điện toán anh Đạt đang phục vụ ra thông cáo tuyển chọn nhân viên vì họ vừa ký hợp đồng cung cấp nhu liệu hay là "phần mềm" cho một vài đại công ty Mỹ quốc. Nhân và Tiến nộp đơn và nhờ sự chỉ dẫn của anh Đạt, cả hai đều trúng tuyển. Sau vài cuộc phỏng vấn, rồi ba tháng tập sự ở Singapore, Nhân được thu nhận làm việc ở văn phòng của công ty đặt tại thành phố, còn bạn Tiến thì công tác ngay ở Singapore. Với số lương hàng tháng bắt đầu là  18 triệu đồng, sau hai năm đi làm Nhân đã dành dụm được một số tiền, giúp dì hai và mẹ cất lại ngôi nhà. Nhân cũng phụ tiền chợ và thuốc men cho má và dì hai, nhờ vậy mà hai bà có thể mướn một chị phụ giúp nấu nướng nên công việc buôn bán đỡ cực nhọc hơn.

Tuần rồi, mẹ bắt xe đò xuống thành phố và Nhân xin nghỉ phép một ngày đưa mẹ đến bệnh viện thăm má hai. Bà bị bệnh ung thư tử cung, đã được chữa trị bằng hoá chất nhưng hình như vô hiệu quả. Nhân không ngờ bệnh tình của bà trở nên trầm trọng quá nhanh như vậy.

5.

Trưa hôm sau thứ bảy Nhân đến nhà cha để thăm má hai, ngạc nhiên khi thấy cha xứ đang trò chuyện cùng cha của anh và vài ông bà giáo dân ở phòng khách. Sau khi chào hỏi cha xứ và mọi người, Nhân được biết cha xứ vừa làm phép rửa tội và xức dầu cho má hai. Bà đã nghe lời theo khuyên của cha và xin được làm con của Chúa. Bước vào phòng trong để thăm má hai, Nhân thấy Nghĩa đang ngồi bên bà, gương mặt buồn hiu. Má hai đang nằm thiêm thiếp, thân hình của bà mỏng dính, dán sát xuống chiếc giường trông thật thảm thương. Nghĩa nắm tay má hai, nhốm người lên khẽ nói vào tai bà:
"Má ơi, có anh Nhân đến thăm má nè."
Má hai mở mắt, yếu ớt đưa tay, ngoắc Nhân đến gần. Nhân ngồi xuống mép giường, nắm tay má hai. Bà nhìn Nhân, thều thào nói:
"Nhân, con tha lỗi cho má. Má đã nhiều lần đối xử không  công bằng, không tử tế với con và... và mẹ của con."
Nhân bóp nhẹ bàn tay gầy guộc của má hai, lắp bắp thưa cùng bà:
"Má...Thưa má, con đến thăm má, má nằm nghỉ cho khoẻ. Má đừng nói vậy..."
Má hai lắc đầu nói tiếp:
"Con về nói với mẹ con đến gặp má để má... má xin lỗi... để má gởi gấm cha của con..."
Nhân chưa kịp nói thêm điều gì má hai đã cố gắng bóp chặt tay anh, tay kia bà nắm lấy tay của Nghĩa và nói:
"Nghĩa, con hãy hứa với má, nghe lời má thay đổi lối sống, ăn ở tử tế, theo anh hai con đi học cho nên người. Được vậy má mới yên lòng mà ra đi..."
Má hai chưa nói dứt câu Nghĩa đã khóc oà lên. Bà nói tiếp:
"Trước mặt má, con hãy nói đi con..."
Nghĩa nghẹn ngào nói: "Con xin hứa, xin hứa với má..." rồi nó ngước mắt nhìn Nhân và nói tiếp:
"Anh hai, xin anh thương em, chỉ dẫn cho em ăn học thành tài như anh, cho đẹp lòng má nhen anh..."
Đó là lần đầu tiên Nghĩa gọi Nhân bằng 'anh hai'.

Cảnh vật trước mắt Nhân bỗng dưng nhạt nhoà khi anh nhốm người hôn vào trán má hai thay cho câu trả lời với Nghĩa, giờ đây nó là đứa em cùng cha cùng mẹ với anh.

đàoanhdũng
Tây Ninh, tháng Giêng 2018

17 tháng 8, 2018

Thế Vận Hội


Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 382, tháng 6/2018

Kể từ ngày Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 khai mạc tại Pyeongchang, chiều nào ba cha con Tuấn cũng miệt mài xem các cuộc tranh giải trên màn ảnh truyền hình. Khen, chê, thất vọng, cổ võ, la hét, vỗ tay và bình luận về các lực sĩ cũng như những cuộc tranh tài, trận đấu là chuyện thường tình. Nhưng, ồn ào, hào hứng nhất cho ba cha con Tuấn phải nói là những trận banh trên băng (ice hockey). Hạnh không lấy làm lạ vì Đôn và Đán, hai đứa con của anh chị, đứa anh 17, đứa em 16 tuổi, đều là cầu thủ hockey của trường chúng đang theo học. Hạnh chỉ xem lễ khai mạc Thế Vận Hội thật là ngoạn mục và rực rỡ mà thôi, chị luôn bận tay lo cho buổi cơm ngày mai. Tuy nhiên, mỗi khi nghe chồng con la hét chị đều bỏ tay, ghé mắt vào xem các màn chiếu lại trên truyền hình và bàn luận cho vui.

Hôm ấy, trận ice hockey chung kết diễn ra giữa hai đội nữ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại rất sôi nổi và hồi hộp vì đội nữ Hoa Kỳ chưa bao giờ đạt được huy chương vàng và đã ba lần thua đội Gia Nã Đại. Cuối cùng thì đội Hoa Kỳ thắng với tỷ số 3-2 và lẽ dĩ nhiên là cả ba cha con Tuấn rất sung sướng, vui cười hả hê. Bỗng nhiên, Đán hỏi cha:
"Ba, năm nào tiểu bang của mình cũng có Thế Vận Hội Đặc Biệt* vào mùa hè. Nhưng tại sao không có tổ chức giải thể thao  nào cho người khuyết tật trong mùa đông vậy ba?"
Tuấn nhìn đứa con trai của anh chị, ánh mắt tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên còn Hạnh thì cũng cảm thấy hơi bất ngờ vì mùa hè năm rồi nó là đứa nói lời chế giễu khi nghe Tuấn kể chuyện anh đi làm thiện nguyện một trong ba ngày Thế Vận Hội Đặc Biệt tại trường Đại học Thánh Tôma. Anh trả lời:
"Ba nghĩ rằng tiểu bang mình quá lạnh nên khó tổ chức. Tuy  nhiên, họ có những buổi sinh hoạt cho người khuyết tật như trợt tuyết, trợt băng, nhảy xuống hồ... trong suốt mùa đông. Con hỏi chi vậy?"
"Ơ... con hỏi để xem tụi con có thể giúp gì được không?"



Những lời đối thoại giữa ba cha con Tuấn làm Hạnh nhớ lại câu chuyện trên bàn cơm gia đình vào một buổi chiều thứ sáu mùa hè vừa qua. Hôm ấy là lần đầu tiên Tuấn tham gia công việc thiện nguyện cho Thế Vận Hội Đặc Biệt với các bạn cùng sở làm. Chiều về nhà, anh kể cho Hạnh và hai con nghe những điều anh 'tai nghe mắt thấy' trong ngày. Một chuyện khiến Tuấn cảm động nhất là lúc anh làm trọng tài cho cuộc thi chạy đua 100 thước. Đợt thi đua ấy có bảy chú bé lực sĩ trạc 10 tuổi, mỗi chú có một thiện nguyện viên đứng bên nhắc nhở, hỗ trợ. Khi Tuấn thổi còi bắt đầu, các lực sĩ lập tức chạy tới nhưng có một chú chạy ngược chiều làm cuộc thi đua bị gián đoạn. Nhìn gương mặt và tứ chi của chú bé rõ hơn Tuấn mới biết chú bị thiếu trí tuệ do hội chứng Down**. Tuấn cho thi lại ba lần nhưng lần nào chú bé cũng chạy ngược chiều. Vì thế, cô thiện nguyện viên lo cho chú bé phải lên tiếng hỏi thăm nhóm khán giả ai là phụ huynh của chú. Một chị phụ nữ bước ra, trợn mắt, la hét, chỉ tay bảo chú bé phải chạy theo chiều. Lần đó chú bé vừa chạy đua đúng chiều vừa khóc sướt mướt trông thật tội nghiệp. Kể đến đó, Tuấn nhìn Hạnh và bắt gặp một ánh mắt thông cảm. Hạnh đã qua hai lần sinh nở và lần nào vợ chồng anh chị cũng lo lắng, cầu xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn mẹ tròn con vuông, không mang bệnh tật chi hết. Bỗng có tiếng cười khì và Đán lên tiếng, giọng đượm chút giễu cợt:
"Có gì lạ đâu ba. Thằng nhóc đó bị bệnh Down, 'trí tệ' mà!"
Rồi Đôn tiếp lời em:
"Bị thiếu trí tuệ thì họ đã có trợ cấp xã hội rồi, lại còn tổ chức Thế Vận Hội Đặc Biệt cho họ để làm gì? Con thấy mất thời giờ  thôi."

Từ lúc hai đứa con của anh chị đến tuổi biết lý luận và 'chuyện gì cũng biết', Tuấn cố tình không rầy la nếu chúng nói ra những điều sai trái với luân thường đạo lý làm anh phiền lòng. Tuấn chỉ cố gắng giải thích theo sự hiểu biết và đức tin tôn giáo của mình, và anh dành cho chúng quyền quyết định điều nào đúng, việc nào sai. Tuấn luôn mở lòng mình và mong muốn hai đứa con không có chút ngại ngùng khi bày tỏ ý kiến cùng cha mẹ. Tuấn tin rằng nhờ vậy mà vợ chồng anh có thể hiểu chúng và dạy dỗ chúng lớn khôn, sống tử tế, lương thiện và đạo đức trong đức tin và tình yêu Thiên Chúa. Tuấn chậm rãi trả lời:
"Thì ba đâu có lạ lùng gì khi thấy chú bé ấy chạy ngược chiều. Như con nói, chú ấy là một trong những người bị bệnh thiếu trí tuệ, và vì thế họ cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng để họ có cơ hội luyện tập thể thao, phát triển các khả năng mà sống vui, sống mạnh khoẻ đó con. Vì thế, hai con nghĩ xem, Thế Vận Hội Đặc Biệt có ích lắm chứ. Hơn nữa, nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ hai con sinh ra đời lành lặn, không bị một dị tật bẩm sinh nào hết. Làm việc thiện nguyện cũng là một dịp để ba tạ ơn Chúa và Đức Mẹ."
Nghe cha giải thích xong, Đôn và Đán ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau, Đôn mở miệng nói:
"Trong lớp thầy con cho biết những người bị Down syndrome là do người mẹ sanh con trong lúc đã lớn tuổi. Nếu con nhớ không lầm, người mẹ đã trên 40 tuổi thì tỷ lệ sanh con có thể bị Down syndrome là 1 trên 100. Má sanh tụi con lúc má mới có 21, 22 tuổi thì có gì mà ba má phải lo lắng, cầu nguyện?!"
Khi ấy, Hạnh mới lên tiếng:
"Con nói đúng đó, tỷ lệ sanh con có nguy cơ bị Down syndrome còn cao hơn nữa, 1 trên 10 nếu người mẹ đã 49 tuổi. Nhưng, con không biết chứ có biết bao nguy hiểm trong lúc người mẹ mang thai.  Lúc con còn trong bụng, má có đi học lớp dưỡng thai và được biết tỷ lệ xẩy thai là từ 10 đến 25 phần trăm đó con. Đến khi sanh con thì má không biết chuyện gì có thể sẽ xảy ra, con có dị tật bẩm sinh không? có bị thiếu tay, thiếu chân? tim, phổi, bộ óc có phát triển đầy đủ chưa? Vì thế, má chỉ biết cầu nguyện."
Tuấn tiếp lời Hạnh:
"Chắc hai con cũng biết có một bệnh nữa là Autism, ba đọc trên Internet thấy họ dịch ra tiếng Việt mình là bệnh tự kỷ. Khoa học chưa có thể xác định rõ nguyên nhân trong khi ở xứ Mỹ tân tiến này 68 trẻ sinh ra đời thì một đứa mang bệnh Autism và con trai bị bệnh này nhiều hơn con gái. Vậy thì con cứ suy nghĩ xem, mặc dầu y khoa tiến bộ rất cao nhưng phải chăng mọi sự đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa là Đấng tạo hoá. Lúc mang thai hai con, má rất thận trọng trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nhưng ba má đặt mọi sự vào lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ đó con."


Đó chỉ là một trong những câu chuyện bàn luận thường ngày trên bàn ăn gia đình của Tuấn và Hạnh. Chị luôn cầu xin Chúa soi sáng cho hai con của anh chị quyết định việc phải làm theo thánh ý của Ngài. Hôm nay, nhờ Thế Vận Hội Mùa Đông chị mới biết Đôn và Đán đã có suy nghĩ về những lời dạy dỗ của anh chị vào buổi chiều hôm ấy. Đán vừa mới trả lời với Tuấn rằng nó "hỏi để xem tụi con có thể giúp gì được không" nhưng Hạnh muốn biết rõ hơn nên chị nói:
"Mùa hè này má sẽ theo ba đi làm thiện nguyện một ngày cho Thế Vận Hội Đặc Biệt. Má đã ghi danh rồi, má sẽ làm việc trong nhà bếp, nấu ăn cho các lực sĩ. Nếu cả gia đình mình cùng đi làm chắc vui lắm!"
Đôn chưa kịp trả lời mẹ thì thằng em đã lanh miệng đáp:
"Anh hai và con có bàn chuyện này rồi, má ơi. Mùa hè nghỉ học, con sẽ xin phép ba má cho con theo anh hai đi làm part-time ở McDonald's như anh hai làm hồi mùa hè năm ngoái. Tụi con sẽ xin nghỉ làm một ngày để đi làm thiện nguyện cho Thế Vận Hội Đặc Biệt như ba. Hôm nay tụi con mới biết má cũng đi làm nữa. Kudos má!"
Đôn nhìn thằng em, lắc đầu nói:
"Hoan nghênh má thì nói hoan nghênh! Còn bày đặt nói Kudos làm sao má hiểu?"

Hạnh đưa mắt nhìn Tuấn. Gương mặt anh lúc ấy trông thật tươi vui, sung sướng. Lòng tràn đầy hạnh phúc, Hạnh thì thầm nói câu tạ ơn Chúa.

đàoanhdũng
Minnesota, mùa Phục Sinh 2018

* Special Olympics dành cho những người bị bệnh thiếu trí tuệ (intellectual disability), ** Down syndrome.

13 tháng 8, 2018

Looking - Tìm

a simple picture, a simple poem...
một tấm hình, một bài thơ bình dị...

Looking - Tìm

Fresh morning
I'm looking
for a soul
who will join
me singing
my love tune...

Sáng tinh sương
tôi ngóng trông
một tấm lòng
mong kết bạn
dạo cung đàn
khúc yêu đương...

đào anh dũng
August 11,2018