Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




29 tháng 11, 2013

10. Những viên đá cuội (Hồi ký của một cựu học sinh trường dòng)



Năm tôi học 4è, thầy Julien làm titulaire và dạy toán lớp chúng tôi. Thầy dạy Mathématiques Modernes (Tân Toán học), hoàn toàn mới lạ đối với chúng tôi. Thầy Julien phụ trách chiếu bóng thay thế thầy Vincent nên thầy coi luôn máy ampli của nhà trường. Thầy là người đầu tiên cho chúng tôi nghe nhạc trẻ trong trường, nhạc của các ca sĩ như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Adamo, Paul Anka, the Shadows với Cliff Richard, the Ventures ... và nhất là the Beatles. Đây quả là một cuộc “cách mạng” vì học sinh Mossard thời ấy không được phép nghe nhạc trữ tình trong trường. Cả trường chỉ có vài bạn mang theo radio loại bỏ túi, mỗi tối ăn cơm xong chúng tôi tụ năm tụ bảy nghe lén các chương trình như Dạ Lan, nhạc ngoại quốc yêu cầu. Thư viện nhà trường có một máy stéréo (âm thanh nổi) nhưng đĩa hát toàn là nhạc classiques (cổ điển).

Năm này một thầy người Pháp lớn tuổi (tôi cố gắng nhưng không làm sao nhớ tên vị thầy này) đổi đến Mossard dạy chúng tôi môn Français. Thầy dạy rất xuất sắc, trình độ Pháp văn của chúng tôi tiến thấy rõ. Thầy dạy Français ở Mossard có một năm rồi sang Nam Vang dạy ở Ecole Miche. Chúng tôi nghe nói thầy tình nguyện dạy học ở đó cho đến khi qua đời. Lớp chúng tôi có một kỷ niệm vui về vị thầy này như sau.

Chúng tôi không hiểu sao thầy lại chọn trưa thứ ba để dạy Grammaire Française (Văn phạm Pháp). Buổi trưa nóng bức, buồn ngủ lại phải học Grammaire thì không có chi nản bằng. Mossard có một cái chuồng thật lớn nuôi rất nhiều chim bồ câu. Trưa hôm ấy, khi thầy đang thao thao giảng bài có hai con chim bồ câu  bay đến đậu rồi chúng gù nhau, đạp mái ngay trên thành lan can ngoài couloir. Chắc thầy lấy làm lạ tại sao các cặp mắt học trò đều hướng ra ngoài cửa sổ nên thầy bước xuống bục nhìn theo chúng tôi. Khi ấy hai con bồ câu đã xong công việc nhưng thầy cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra và thầy bước ra ngoài xua hai con chim bay đi. Từ đó, thầy không dạy Grammaire cho chúng tôi vào buổi trưa nữa.

Chúng tôi cũng có một kỷ niệm thật vui với một  thầy người Pháp khác. Đó là thầy Bernard, Bề trên Hiệu trưởng, năm ấy dạy chúng tôi môn Sciences Naturelles. Môn học này có một vài chương về đá. Thầy Bernard mang đến lớp một hộp đựng các loại đá thầy sưu tập cho chúng tôi quan sát. Các viên đá không đánh dấu nhưng thầy biết tên của mỗi loại. Giảng xong một loại đá thầy đưa cho trò đầu bàn và chúng tôi tuần tự chuyền nhau xem. Giờ học thứ hai về đá, khi gom đá để bỏ vào hộp, thầy ngạc nhiên sao hộp đã đầy mà đá còn ngoài bàn, rồi thầy chợt hiểu, mỉm cười, lặng lẽ tách ra những viên đá cuội chúng tôi đã bỏ thêm vào. Phong thái trang nhã của thầy làm lòng chúng tôi xốn xang mặc cảm tội lỗi. Có học sinh nào dám đùa với Bề trên Hiệu trưởng như chúng tôi?
Năm 4è, với thầy Julien, 1965



Năm ấy, năm 4è, chúng tôi chẳng khác nào như những viên đá cuội ngây ngô của thầy Bernard. Có ngờ đâu chỉ vài năm sau chúng đã mòn lẳng theo những cơn xoáy của dòng đời, của chiến tranh.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những viên đá cuội trong hộp của thầy Bernard không hề suy suyển dù ở bất cứ thời gian hay không gian nào ... nhất là trong ký ức của chúng tôi.



đàoanhdũng
www.lasanmossard.org


(Xem tiếp)
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

28 tháng 11, 2013

Một loài hoa rất đẹp

đàoanhdũng



S
au hơn 30 năm “mất dạy” tôi bồn chồn trở lại lớp học với tính cách một thầy giáo. Mùa Thu năm nay bà xã tôi theo học một lớp cập nhật Kế toán sau giờ làm việc. Hai thằng con trai tôi đã vào đại học. Ở nhà một mình rảnh rỗi, tôi tham gia công tác thiện nguyện tại sở làm, dạy một lớp chiều về điện toán cho các em học sinh trung học ở phía Bắc thành phố, một vùng “ổ chuột” nổi tiếng với nhiều tệ đoan xã hội.
Nhóm thiện nguyện chúng tôi gồm bảy người. Bốn người đã từng tham gia khóa học các năm trước, ba người còn lại, trong số đó có tôi, là “lính mới”. Chúng tôi họp chung với nhau nhiều lần trước khóa học, bàn luận về chương trình lớp học và phân công tác.
Chương trình “chơi” nhiều hơn học cho khóa định hướng điện toán tám tuần lễ, mỗi tuần một lớp hai tiếng đồng hồ. Hai mươi phút đầu của buổi học chúng tôi lướt qua các phần vụ của máy vi tính và đặt câu hỏi giúp học sinh ghi nhớ các điểm chính. Em nào trả lời đúng một câu hỏi thì được thưởng một món quà là phiếu mua không tính tiền một sản phẩm của công ty như là một phong bánh, một hộp ngũ cốc, v.v . . . Chúng tôi dành hai mươi phút kế tiếp kể cho các học sinh nghe kinh nghiệm nghề điện toán của mình, duyên cớ nào mỗi người chúng tôi chọn ngành điện toán, học nghề ở trường nào, làm sao để kiếm được việc làm. Sau đó là hai mươi phút  ra chơi. Giờ thứ hai, phần chính của lớp, học sinh làm bài tập. Chúng tôi chỉ dẫn mỗi học sinh thành lập một trang trên mạng để các em có dịp sử dụng máy vi tính, không phải để chơi trò chơi điện tử hay là “lướt sóng” trên mạng, gửi điện thư, mà để giới thiệu một việc gì đó các em thích hay là thấy hữu ích cho mình. Chúng tôi chia phiên nhau, nếu không giảng bài thì phụ giảng bằng cách điều khiển máy vi tính (chúng tôi gọi là người hoa tiêu, navigator) chiếu các bài học và thí dụ lên màn ảnh lớn cho học sinh xem, hoặc giúp các em làm bài tập trên máy vi tính.
Jeremy, trưởng nhóm thiện nguyện, là một chuyên viên vi tính trẻ tuổi trực thuộc phòng Nhân Lực của công ty. Buổi họp đầu, anh chàng nhắc nhở bọn “lính mới” chúng tôi:
“Xin quí bạn đừng kỳ vọng nhiều quá. Các em học sinh ghi danh tham dự lớp học của chúng ta vì các em muốn tìm hiểu về ngành điện toán. Tuy nhiên, đó không có nghĩa là các em sẽ chăm chỉ theo dõi bài giảng và làm bài tập. Xin các bạn luôn nhớ rằng các em thuộc tầng lớp bị thiệt thòi, vì vậy  chúng ta cần thật nhiều kiên nhẫn khi làm việc với các em.”
Đúng là miệng lưỡi của dân phòng Nhân Lực. Tầng lớp bị thiệt thòi - the under-privileged, nói trắng ra người da màu, nghèo - là một từ ngữ thời thượng được dùng để tránh tai vạ chính trị, cũng như mùa Giáng Sinh được đổi thành mùa nghỉ lễ, dân da đen thành dân gốc Phi Châu . . . Nghĩ xa hơn nữa, tôi ngao ngán, không biết nền tự do dân chủ thái quá của xứ nầy sẽ đi về đâu. Còn những chế độ “tự do dân chủ độc đảng” còn sót lại trên thế giới thì chừng nào sẽ bị đào thải đây.

    Buổi học đầu tiên, ba giờ ba mươi, xe buýt đưa học sinh đến. Chúng tôi đón các em tại cổng sở làm. Nhìn đám học sinh hỗn tạp, tôi thầm nói: “Chà, coi bộ chăm à nghen!” Bảy chục phần trăm da đen, trai lẫn gái, quần áo rộng thùng thình, em nào tai cũng mang ống nghe nhạc, đi ngúc ngắc, nhún nhảy, nói chuyện ồn ào. Số còn lại da vàng, đi chung với nhau, vài em tai cũng đeo ống nghe, nhưng im lặng, có vẻ lủi thủi, cách biệt. Tự nhiên, tôi nhập vào nhóm da vàng, ân cần hỏi thăm, và giúp các em lấy thẻ in tên sẵn, làm thủ tục vào sở. Tôi thở phào và thoáng vui khi không thấy một thẻ nào mang họ Nguyễn hay Trần hay một họ Việt Nam nào khác. Cũng như đa số các đồng hương Việt Nam, tôi đã từng thuê phòng trong một khu “ổ chuột” lúc mới định cư ở Mỹ. Khi được việc làm kha khá, tôi dọn ngay ra ngoại ô, an toàn hơn cho gia đình và trường học tốt hơn cho con cái. Tôi chợt nghĩ ra một điều mà tôi không ngờ. Lớp học thiện nguyện của chúng tôi không những giúp các em học sinh có một định hướng cho việc làm trong tương lai, mà còn có thể cho các em một cơ hội để ra khỏi các “ổ chuột” của thành phố.
Thấy còn một thẻ tên chưa có người nhận, tôi cầm thẻ, đưa lên cao, hỏi:
“Mai Vang. Em nào tên là Mai Vang?”
Từ cuối đám đông học sinh một bàn tay nhỏ nhắn đưa lên, một giọng nói yếu ớt:
“Tôi.”
Đó là một thiếu nữ có gương mặt tuổi độ mười sáu mà vóc dáng lại là của một bé gái mười một, mười hai. Mắt nai ngơ ngác, tóc dài kẹp sau ót, em mặc một chiếc áo tơi cũ kỹ. Tôi đưa thẻ cho em, mỉm cười nói:
“Mai là tên của một loài hoa rất đẹp ở xứ tôi đó!”
“Tôi . . . tôi không biết.”
Đưa học sinh đến lớp học, tôi đi bên Mai, quảng cáo chút ít về công ty, nói về lớp học, tôi chỉ nghe em khẽ tiếng Yes hoặc chỉ thấy em gật đầu. Tôi nghĩ rằng em nhút nhát, e lệ nên tôi thôi không “quấy rầy” em nữa mà trò chuyện cùng các học sinh khác.
Khi lớp học bắt đầu, các em học sinh móc ngay lên mạng. Đứa nầy mở hộp thư, đứa kia xem mạng, mạng chiếu đầy hình ảnh ca sĩ, ngôi sao điện ảnh và thể thao, xe hơi, trò chơi điện tử. Chúng tôi phải theo dõi từng em, nhắc nhở các em đóng mạng để nghe bài giảng. Riêng Mai, tôi để ý thấy em ngồi ngay ngắn, chăm chú nghe giảng, không đụng tới máy vi tính để trên bàn. Tôi nhủ thầm: “Học sinh Á đông mà! Biết nghe lời thầy cô và có kỷ luật trong lớp học.”  Nhưng tôi lầm. Đến giờ làm bài tập, thấy Mai lúng túng tôi hỏi mới biết em chỉ hiểu sơ sơ về vi tính qua một lớp đánh máy ở trường.  Em cũng không có máy vi tính ở nhà nữa. Vì vậy mà em không theo kịp các thí dụ trên màn ảnh để làm bài tập trên máy riêng.  Giờ làm bài tập hôm ấy tôi gần như dành riêng cho Mai, tôi giúp em hoàn thành phần căn bản của một trang mạng đơn giản.
Thứ bảy cuối tuần, tôi thức dậy sớm duyệt qua bài tập cho lớp học tới và soạn bài chỉ dẫn cùng thí dụ cho từng bước một, hy vọng nhờ đó mà Mai có thể theo kịp các bạn học, không cần có tôi kèm bên.
Lớp học kế tiếp, khi điểm danh chúng tôi mới biết bốn học sinh vắng mặt, trong số có Mai. Tôi lo lắng, không hiểu em nghỉ học vì nản chí hay vì một lý do chánh đáng như là ấm đầu hoặc bận việc nhà. Cuối tuần, tôi tiếp tục viết phần chỉ dẫn cho lớp học tới. Tôi có linh tính em sẽ không bỏ học. Và lần nầy, tôi đoán không sai. Ba em kia tiếp tục nghỉ học, riêng Mai thì em đến lớp. Tôi đề nghị Mai dùng bài chỉ dẫn của tôi để làm bài tập tuần trước trong giờ học đầu hầu có thể theo kịp bạn trong giờ sau. Mai hăng hái nhận lời và trong vòng nửa giờ em làm xong bài tập. Nhìn Mai sung sướng cười tự tin, tôi  có cảm giác như mình vừa nhận được một phần thưởng tinh thần vô giá.
Giờ ra chơi, thấy Mai ngồi một mình trong góc caféteria, tôi đến gợi chuyện, hỏi đùa em:
“Mai bận đi mua sắm hay sao mà tuần rồi không đi học?”
“Dạ không . . .  dạ . . . em nghỉ học vì ông xã em bị bệnh.”
Tôi suýt kêu to: “Trời Phật ơi!” vì có lẽ nào em còn nhỏ tuổi như thế mà đã lập gia đình. Nhưng khi nhớ ra tục tảo hôn vẫn còn thịnh hành trong cộng đồng người Hmong mà chánh quyền cố ý ngó lơ, xem như một ngoại lệ vì lý do phong tục khác biệt, tôi không còn thấy thắc mắc. Tuy nhiên, tôi không khỏi ngán ngẫm thầm nghĩ đến tương lai không mấy tươi sáng của Mai - em chưa xong trung học mà đã có gia đình, rồi con cái đùm đề, làm sao em có thể đi học để có một việc làm với đồng lương kha khá mà ra khỏi cái “ổ chuột” thành phố. Tôi cố gắng ra vẻ tự nhiên hỏi thăm Mai:
“Vậy ông xã của Mai đã khỏi bệnh chưa?”
Nhưng tôi không giấu được những ý nghĩ trong đầu mình, vì thay cho câu trả lời, Mai hỏi tôi:
“Em mới mười bảy mà đã có gia đình! Chắc thầy ngạc nhiên lắm phải không? Chuyện của em dài lắm!”
Tôi im lặng vì thấy mình không nên đường đột hỏi thăm thêm về tình cảnh của Mai. Khóa học có tám tuần lễ, tôi chỉ có thể giúp Mai tìm hiểu về ngành điện toán. Nếu em có năng khiếu về nghề nầy, và nếu Ơn Trên phù hộ độ trì em, em sẽ có cơ hội đi học mà tiến thân. Ngoài ra, tôi có thể giúp em được điều gì hơn. Mai cũng im lặng. Nhưng sau một hồi lâu, Mai nhìn sâu vào mắt tôi, và em kể cho tôi nghe chuyện của em. Vì sao, tôi không hiểu rõ. Có thể vì em và tôi cùng một màu da, vì tôi đã tận tâm giúp em trong lớp học, vì tôi cũng là một người tị nạn như em. Trong phần tự giới thiệu buổi học đầu tiên, tôi thành thật nói với lớp rằng tôi vẫn xem mình là một người tị nạn Việt Nam sau bao năm sống ở Mỹ.

Khả năng tiếng Anh của Mai rất khá cho một người tị nạn sang Mỹ gần một năm. Chuyện em không những dài, mà còn thật buồn nữa. Mai còn bà nội với gần một chục anh chị ở một làng tị nạn tại Thái Lan. Em sanh ra đời tại đấy và mồ côi cha lẫn mẹ lúc chưa đầy hai tuổi. Cha mẹ em trốn sang Thái Lan tị nạn, nhưng vì không có phục vụ cho Hoa Kỳ và không có thân nhân ở xứ nầy nên không được chấp nhận cho định cư. Mai kể cho tôi nghe những đắng cay của cuộc sống  tị nạn, quê hương không sống được, đất khách ruồng bỏ, lây lất kiếm ăn qua ngày, tương lai mờ mịt. Cách đây hai năm  em đã tự nguyện nhận lời kết hôn với cậu con trai của một gia đình có thân nhân ở Mỹ để được ghép vào gia đình nầy mà đi Mỹ, mặc dầu cậu con trai nầy nhỏ tuổi hơn em và có bệnh tâm thần. Tiện lợi cho cả hai bên, gia đình nầy muốn con họ có người chăm sóc, riêng em thì em hy sinh làm đầu cầu để mang cả gia đình sang Mỹ sau nầy. Tuy nhiên, em rất thất vọng vì qua Mỹ gần một năm mà em chưa giúp gì được cho bà và anh chị còn kẹt ở Thái Lan. Vì còn nhỏ tuổi, em được lãnh trợ cấp để đi học trung học. Nhưng đến khi nào em mới có thể đi làm và bảo lãnh được thân nhân? Em nghe nói ngành điện toán dễ có việc làm nên muốn tìm hiểu. Lớp học trước em rất cố gắng nhưng thấy quá khó. Hôm nay, nhờ bài chỉ dẫn của tôi, em làm bài được nên rất phấn khởi.
Tôi thật sự xúc động, không ngờ một con người nhỏ bé, yếu đuối như Mai mà có một trái tim, một tấm lòng bao la như biển. Tôi cũng thật sự xúc động vì biết em chưa đến tuổi trưởng thành mà đã thực hiện một sự hy sinh vượt qua trí tưởng tượng của tôi. Chưa dứt dòng suy nghĩ, tôi đã thấy Jeremy ra dấu trở vào lớp học, tôi chỉ biết an ủi, động viên tinh thần em:
“Thầy . . . thầy rất hiểu tình cảnh của Mai. Em nhớ luôn cố gắng học hành, đi làm, lo cho gia đình. Rồi một ngày em sẽ mang được bà nội và anh chị sang đây sum hợp. Ngày xưa, thầy cũng một thân, một mình, thầy đi làm, thầy đi học để có việc làm khá, rồi thầy cũng bảo lãnh được cha mẹ anh em sang đây đó. Cố gắng lên nghe!”
Sau ba lớp học, các em học sinh đã thiết kế được một trang mạng đơn giản. Chúng tôi đề nghị mỗi em tìm một đề tài để lập ra một trang có tầm vóc hơn, với đầy đủ hình ảnh và các mục liên kết. Ban giảng huấn sẽ chấm điểm và có phần thưởng là tiền giả để các em dùng mà đấu giá mua các món quà vào buổi tiệc cuối khóa học. Thật đúng là tuổi trẻ có nhiều óc tưởng tượng. Có em thiết lập một trang cho những người hâm mộ một anh cầu thủ mới vô nghề, hy vọng anh ta nổi tiếng thì người lập trang  cũng được hưởng lây. Em khác làm trang quảng cáo cho mẹ em đang làm công việc thắt tóc bím tại gia. Em kia muốn mở một tiệm bánh sau khi xong trung học, em lập một trang để giới thiệu và nhận đơn đặt hàng. Cũng có em trai nọ lập một trang để tự giới thiệu mình, hy vọng có nhiều bạn gái hơn. Riêng Mai thì sao? Em muốn thành lập một trang để giới thiệu các gia đình Hmong còn ở trại tị nạn Thái Lan đang cần được bảo trợ định cư.
Chúng tôi giúp các em học sinh ý kiến trang hoàng trang mạng của mình, tìm kiếm các hình ảnh và các cách thức thiết kế cần khả năng kỹ thuật cao. Mai nhờ tôi sưu tầm thêm các tin tức liên quan đến người tị nạn Đông Dương để kết nối vào mạng của em. Mai cũng nhờ tôi sang (scan) các hình ảnh em sưu tập được vào máy vi tính và sửa chữa các lỗi chính tả bài giới thiệu đăng trên trang mạng của em. Chúng tôi hăng say làm việc trong bốn tuần lễ thì xong tất cả các trang của các em học sinh.
Tôi duyệt trang mạng của Mai mà không khỏi hãnh diện về cô học trò của mình. Em dùng các hình ảnh gợi được lòng trắc ẩn của người xem và viết những lời giới thiệu đượm tình người. Mai giới thiệu được hơn hai chục gia đình trên trang. Em tế nhị liệt kê gia đình bà nội và anh chị của em vào trang cuối. Tôi biết qua trang mạng Mai muốn bày tỏ ước mơ ngày gia đình đoàn tụ. Nhưng làm sao tôi giúp em biến ước mơ ấy thành sự thật được. Biết bao nhiêu người Đông Dương còn sống lây lất ở các trại tị nạn, còn chờ đợi lòng nhân đạo của các xứ tự do. Tôi biết rất rõ vì có nhiều đồng bào Việt Nam của tôi còn kẹt ở Phi Luật Tân mặc dầu có sự tranh đấu của nhiều đoàn thể và cá nhân có thiện chí. Tôi tâm sự với Jeremy và tìm được một giải đáp mà tôi không nghĩ ra. Đúng là trẻ khôn ra, già lú lại! Jeremy đề nghị tôi giúp Mai bằng cách đem trang của Mai lên mạng với một lệ phí không quá khả năng của tôi. Đồng thời, Mai viết một lá thư đến các dân biểu, nghị sĩ giới thiệu trang mạng của mình. May ra, họ để ý đến và giúp đỡ cho Mai sớm đoàn tụ với bà và anh chị. Khi tôi tỏ ý muốn giúp Mai với đề nghị của Jeremy, tôi nhận thấy cặp mắt em sáng rực lên, miệng em nở một nụ cười thật tươi mà tôi nghĩ không có họa sĩ nào ghi lại được. Tôi hãnh diện là người đã giúp tạo nên niềm vui, niềm hy vọng đó.
Ban giám khảo chọn trang của Mai trúng giải nhất, với số tiền thưởng là mười ngàn đô la dùng để mua đấu giá các món quà do công ty đài thọ.  Các học sinh khác, em nào cũng nhận được tiền thưởng tùy theo số điểm ban giám khảo chấm cho trang của mình. Ngày cuối khóa học, sau buổi tiệc mừng và chia tay, các em học sinh tham gia mua đấu giá các món quà chúng tôi gói sẵn là các sản phẩm của công ty. Món quà độc đắc là anh khổng lồ hạnh phúc (The Happy Giant, một nhãn hiệu cầu chứng của công ty) nhồi bông to gần bằng người thật. Mai dùng trọn mười ngàn đô la để đấu giá trúng món quà nầy. Tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao Mai không dùng số tiền để mua được nhiều món quà khác mãi đến khi Mai cùng các bạn người Hmong của em mang anh khổng lồ nhồi bông đến bên tôi và ngỏ lời biếu tôi để làm kỷ niệm. Mai nói:
“Mai xin biếu thầy.  Tuy thầy không cao lớn bằng anh khổng lồ này, nhưng lá gan của thầy thật là to vậy đó.”
Tôi bỡ ngỡ, xúc động, nói không suông câu cám ơn lòng tốt của Mai và từ chối món quà đặc biệt. Ơ . . . nhưng sao lại là lá gan? Tôi trơ mặt ra, không hiểu. Một em trai người Hmong đứng bên giải thích:
“Thầy ơi, người Hmong chúng em nói thương ai mình để trong lá gan, thay vì trái tim đó thầy!”
À, thì ra thế. Lúc ấy, tôi muốn bắt chước Mai nói với em rằng: “Mai ơi, tên em là một loài hoa rất đẹp ở xứ tôi, nhưng lá gan của em đẹp hơn vạn lần.”  nhưng tôi đâu có nói được lời nào vì đang bị bao vây bởi đám học trò, kẻ bắt tay, người vỗ vai thăm hỏi hoặc cám ơn.

 

Đông 2005

đàoanhdũng

 

Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.