(Tạp chí Văn Hữu, số 21, mùa Hạ 2013)
Sáng
hôm ấy tôi có cái hẹn thử nghiệm định kỳ ở bệnh viện, thử độ mỡ trong máu. Ghi
danh xong tôi ngồi xem báo, chờ đến phiên mình. Bỗng nghe tiếng mở cửa phòng và
vài câu đối thoại hơi to bằng tiếng Việt nên tôi tò mò, liếc mắt nhìn. Thì ra có
ba người, một đàn ông và hai phụ nữ, vừa bước vào phòng. Hai người phụ nữ, một
người tuổi độ trung niên, người kia là một cô gái khoảng 17, 18 tuổi, ngồi vào
ghế chờ. Người đàn ông tuổi sồn sồn đi thẳng đến quầy ghi danh.
Ngồi gần nên tôi nghe lóm cuộc đối thoại
(bằng tiếng Anh) tiếp theo câu chào hỏi thường tình tại quầy ghi danh, như sau:
“Tôi có cái hẹn vào lúc 9 giờ 30.”
“Xin ông vui lòng cho tôi biết số điện thoại
để lấy hồ sơ.”
Người đàn ông đọc số điện thoại.
“Xin lỗi, không biết sao tôi tìm không ra
hồ sơ của ông trong máy vi tính. Xin ông vui lòng cho tôi biết họ và tên.”
Người đàn ông nói tên và đánh vần:
“Hoa Phan. H. O. A. P. H. A. N.”
“Rất tiếc tôi vẫn tìm không ra hồ sơ. Xin
lỗi, ông có chắc ông có cái hẹn ngày hôm nay không?”
Chợt có câu nói tiếng Việt thật to từ hàng
ghế chờ đợi:
“Lộn rồi ông ơi! Bả hỏi họ rồi mới tới tên
mà ông nói tên trước thì làm sao mà bả tìm cho ra.”
Cuộc đối thoại tiếp tục ở quầy ghi danh (bằng
tiếng Anh):
“Ô ... xin lỗi. Họ P. H. A. N. Tên H. O.
A.”
“À ... đây rồi, tôi tìm ra rồi! Xin mời ông
ngồi chờ đến phiên.”
Khoảng 10 phút sau, một bà y tá xuất hiện ở
cửa phòng chờ đợi, gọi tên tôi. Tôi bước đến cửa phòng. Bà y tá xác nhận tên tôi
xong bà gọi tên Hoa Phan. Tôi đinh ninh đó là người đàn ông khi nãy ở quầy ghi
danh nhưng lại thấy cả ba người tiến tới. Bà y tá ngạc nhiên hỏi:
“Xin lỗi. Ai là Hoa Phan?”
Cô con gái trả lời, giọng tiếng Anh khá
chuẩn:
“Tôi là Hoa Phan.”
“Mời cô theo tôi.”
Hai người kia lại bước theo. Bà y tá đưa
tay cản.
“Ô ... Ô ... Xin lỗi ông bà là ai của cô gái
này?”
“Chúng tôi là cha mẹ.”
“Xin ông bà cảm phiền ngồi chờ ở đây.”
“Không, chúng tôi phải có mặt. Con gái chúng
tôi còn nhỏ tuổi.”
Bà y tá xem giấy tờ xong, trả lời:
“Vậy xin mời bà theo cháu.”
“Còn tôi thì sao? Tôi cũng phải có mặt chớ,
tôi là chủ gia đình mà!”
Khi ấy tôi mới nghe người đàn bà lên tiếng:
“Thôi đi ông! Làm ơn ở ngoài chờ dùm. Bộ
không có ông tụi tui chết hết hay sao?!”
Tôi nhường cho hai mẹ con cô Hoa bước vào
cửa khu thử nghiệm trước rồi bước theo sau. Người đàn ông đứng khựng lại. Cửa vừa
đóng, người đàn bà nói với tôi:
“Nghe bà y tá đọc tên mới biết chú là người
Việt Nam mình. Cảm phiền nghe chú. Ông anh bảo lảnh tụi tui qua đây được hơn một
năm rồi mà ông nhà tui cứ chứng nào tật nấy, lúc nào cũng chủ hộ, chủ hộ. Thiệt
là chán!”
Lúc ấy, ngoài mặt tôi tươi cười nhưng
trong lòng thấy tội nghiệp cho ông “xếp” gia đình ấy. Sang xứ
này, nhiều thứ đảo lộn trật tự, vị trí tên và họ cũng đảo lộn luôn. Chỉ có cái
họ thôi mà khi đọc trước, lúc đọc sau, nói gì đến cái chức chủ gia đình. Rồi nó
cũng mai một thôi!
đàoanhdũng
Apple
Valley, Minnesota
Hân
hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét