đàoanhdũng
1.
Tôi - Lisa - là đứa con duy nhất
của cha mẹ tôi. Cha tôi là một sĩ quan Không Quân, nên gia đình chúng tôi đôi
ba năm lại di chuyển một lần đến một căn cứ khác. Quê nội tôi ở Texas, bên ngoại gốc California. Cha tôi tử trận ở Việt Nam
lúc tôi vừa tròn 16 tuổi. Hai năm sau mẹ tôi tái giá theo dượng ghẻ tôi về Nam
California sinh sống, tôi một mình ở lại Ohio, theo học trường Kent State nhờ
vào học bổng Basic Grants (1), tiền
vay nhà trường và đầu lương việc làm bán thời gian ở tiệm cắt tóc Fantastic
Clips gần campus (2). Lúc ấy tôi thấy
mình như một đứa mồ côi, vô gia đình, chỉ biết có bạn bè cùng lớp và chung việc
làm mà thôi. Tôi gặp John lần đầu tiên trong một cuộc biểu tình ở campus. Tuy cùng màu da chủng tộc, chúng
tôi có nhiều điều khác nhau, nhất là về chính kiến: John chống chiến tranh Việt
Nam,
tôi ủng hộ. Vậy mà chúng tôi đã thân nhau, “sống thử” với nhau được gần ba năm.
Đến khoảng giữa khóa học mùa Xuân 1975, chúng tôi chia tay. Khi ấy tôi học gần
xong năm thứ ba chương trình cử nhân Anh Văn, môn phụ là Tâm Lý Học. Tôi ước mơ
trở thành một người viết văn chuyên nghiệp.
Bạn bè cùng lớp,
và ngay cả John nữa, gọi tôi là một “hội chứng Việt Nam” vì tôi vẫn chưa nguôi ngoai về
cái chết của cha tôi. Lúc ấy, ai cũng
biết Mỹ đã tuần tự rút quân về nên chiến tranh sắp kết thúc. Hàng ngày, trên
báo chí và truyền thanh, truyền hình vẫn còn tin tức chiến sự Việt Nam.
Trong giới bạn bè của tôi ai cũng nghe qua rồi bỏ ngoài tai, xem như một việc
đã an bài, một trang sử đã lật qua. Họ luôn nhìn về phía trước - looking forward - như đa số người Mỹ
chúng tôi. Còn tôi thì không, tôi ưa tranh luận về chiến tranh Việt Nam,
không phải vì tôi thương mến cái xứ xa xôi, tận miền Viễn Đông mà tôi không có
mảy may một liên hệ nào về tình cảm hay huyết thống, hay gì gì chăng nữa cả.
Tôi muốn tìm một giải đáp cho chính tôi. Chẳng lẽ cái chết của cha tôi cuốn
theo sự đổ vỡ của gia đình chúng tôi cũng sẽ trở thành vô tích sự hay sao? Cha
tôi, cũng như các đồng đội của ông tham chiến ở Việt Nam theo lời kêu gọi của tổ quốc,
đâu phải là những kẻ “sát nhân” như báo chí mô tả! Khi trở về, thân thể lành
lặn, hay què quặt, hay nằm trong chiếc hòm kẽm như cha tôi, họ bị chính đồng
bào mình ruồng bỏ, xa lánh. Tại sao? Ôi, biết bao câu hỏi mà tôi không tìm được
câu trả lời. Tôi đâm ra lầm lì với tâm tư nặng trĩu của mình. Do đó, bạn bè chán
nản, dần dà xa lánh tôi.
Và cũng vì thế,
khi John bỏ đi, tôi hụt hẫng, buồn không thể tả. Tôi điện thoại cho hai người
đàn bà thân nhất của mình là mẹ và dì Mary.
Mẹ tôi đã có
cuộc sống riêng, bà rất bận rộn với công việc ở sở làm và gia đình mới của bà.
Biết vậy nên tôi không ngạc nhiên khi nghe bà cho tôi những lời khuyên vô vị,
mà câu cuối cùng là: “Grow up, be a big
girl!” (3).
Dì Mary là bạn
thân của cha mẹ tôi. Chồng của dì - dượng Peter - và cha tôi ở cùng đơn
vị, đồng thời phục vụ tại Việt Nam.
Khi tôi còn bé, hai gia đình ở sát vách trong cư xá sĩ quan Không quân Lakeland, tiểu bang Texas.
Brian con dì cũng rất thân với tôi. Đúng là “đồng bệnh tương lân” vì hôm ấy dì
và tôi nói chuyện đến hơn hai tiếng đồng hồ trên điện thoại. Dì cũng đang gặp khó
khăn trong gia đình vì dượng Peter độ này tính tình thất thường, đêm nằm mộng
hay la hét, thức dậy ngồi trầm ngâm một mình hàng giờ, gắt gỏng với vợ con nên
không ai chịu nổi nữa. Lại một “hội chứng Việt Nam”? Trong lúc trò chuyện, dì
thoáng nói đến hai chữ “ly dị”. Dì khuyên tôi nên nghỉ học, nghỉ làm vài tháng,
xuống miền Nam
ở chơi với gia đình dì, thay đổi không khí, hy vọng tôi sẽ bớt sầu. Tôi đoán dì
muốn có “bầu bạn” hầu nguôi ngoai chuyện buồn của gia đình dì.
2.
Nghe lời dì
Mary, cuối tháng sáu năm ấy tôi đi xe đò Greyhound xuống Destin, một thành phố
nhỏ nằm sát vịnh Mễ Tây Cơ, cạnh căn cứ Không Quân Eglin, tiểu bang Florida.
Nơi đó, tôi gặp hắn.
Tôi đến Destin
trong lúc gia đình dì Mary đang bận rộn làm việc thiện nguyện ở trại tị nạn
Việt Nam
do căn cứ Eglin bảo trợ. Tôi lăn vào phụ giúp. Tôi ngạc nhiên khi thấy, trái
với lời dì Mary nói lúc trước, dượng Peter rất vui vẻ và cởi mở với gia đình.
Dì Mary trông cũng không kém hạnh phúc. Khi có giây phút riêng tư với tôi dì
cho biết dượng đã thay đổi, không gắt gỏng nữa mà vui vẻ ra,
từ khi có công việc giúp người tị nạn. Mệt thì mệt thật, bận rộn thì khỏi nói,
nhưng tinh thần thật thoải mái, gia đình hạnh phúc. Phải chăng khi thấy cái khổ
của kẻ khác mình mới thấy còn may mắn hơn mà biết yêu quí những gì mình đang
có? Tôi nghĩ như thế về gia đình dì Mary, tôi lại mong điều nầy cho chính tôi.
Cùng với mọi
người, tôi làm việc tại các lều Hành chánh, phụ các chú lính Không quân phân
phát các món cần thiết cho người tị nạn hay phục dịch tại các lều Ẩm thực, Y tế
. . . Chúng tôi cũng giúp các gia đình tị nạn mới đến trại, hướng dẫn họ đi làm
các thủ tục định cư, khám sức khỏe, lãnh quần áo . . . Trở ngại ngôn ngữ là một
khó khăn cho đôi bên. Chúng tôi hy vọng có một gia đình người Mỹ như chúng tôi
gần gũi giúp đỡ, người tị nạn sẽ bớt cô đơn và cảm thấy mình được tiếp nhận với
một vòng tay mở rộng.
Hôm ấy, gia đình
dì Mary nhận công tác tiếp đón một đại gia đình người tị nạn gồm 19 người. Nói
bốn gia đình thì đúng hơn vì đứng đầu là cha mẹ, sau đó là năm người con mà ba
người đã có gia đình, con cái, và một người cháu trai.
Người cháu trai
đó là hắn. So với đa số người Việt tôi gặp trong mấy tuần qua thì hắn khá cao,
chừng năm feet (4) bảy, tóc đen dài
phủ ót, nước da sạm nắng, mặc một bộ đồ rộng thùng thình, đi đứng lúng túng.
Nhưng bộ vó đó không làm lu mờ được cặp mắt Á Đông sáng như sao đêm của hắn.
Thật ra, tôi theo dì Mary làm phận sự, không chú ý đến hắn cho lắm, chỉ có cảm
tưởng hắn không thích tôi, hay là không thích người Mỹ, thế thôi. Trong gia
đình ông bà Nguyễn, hắn là người nói tiếng Anh khá nhất, tuy không lưu loát,
hắn vẫn đương nhiên trở thành người thông dịch viên và chúng tôi không phải nhờ
ai khác làm nhiệm vụ này.
Sau khi mọi
người về đến lều, dì Mary tự giới thiệu tên mình, Brian và Ted, hai người con
của dì, và người cháu gái là tôi, Lisa. Xong dì nhờ hắn giới thiệu gia đình ông
bà Nguyễn, giúp chúng tôi phát âm tên từng người cho đúng. Hắn vừa nói tên hắn
là Long, Brian bỗng có ý khôi hài, cười và nói: “Dài cái gì?”. Thấy hắn mím môi, mặt gằm xuống, tôi biết hắn
giận bèn thúc cùi chỏ vào hông Brian. Không hẹn, Brian và tôi nói cùng một
lượt: “Xin lỗi!”. Hắn nhếch miệng cười khó hiểu và tiếp tục giới thiệu tên mọi
người, nhấn mạnh đến ý nghĩa của mỗi tên, và cách phát âm. Thú thật, lúc ấy tôi
không nhớ tên ai cả, chỉ nhớ tên hắn là Trần Hoàng Long, có nghĩa là con rồng
của nhà vua. Tôi nhớ vì câu nói đùa vô ý thức của Brian.
Kể từ hôm ấy, công việc của chúng tôi trôi chảy, không có vấn đề gì ngoài việc gia đình bác Nguyễn phải cho người đi tìm hắn mỗi khi cần người thông dịch, vì hắn luôn vắng nhà. Một hôm, tôi đề nghị mang đồ nghề đến cắt tóc hộ cho gia đình bác Nguyễn. Khi biết tôi cũng hành nghề cắt tóc, các bạn phái nữ của tôi rất vui vẻ hưởng ứng vì hơn hai tháng nay họ đâu có cơ hội săn sóc đến tóc tai. Tôi mất trọn buổi sáng mới cắt tóc xong cho cả nhà, trừ hắn.
Khi ấy tôi mới tò
mò hỏi chị Deb (tên chị là Đẹp, có nghĩa the
beautiful nhưng chúng tôi gọi trại ra là Deb) con bác Nguyễn về hắn. Chị
tiết lộ hắn có lần nói sẽ không cắt tóc cho đến khi gặp lại gia đình và hắn
thường lánh mọi người, ngồi một mình ở góc trại. Hỏi thêm, tiếng được tiếng
mất, tôi loáng thoáng hiểu ra hắn là em của
người con rể của bác Nguyễn. Gia đình cha mẹ hắn và gia đình bác Nguyễn
cùng hùn tiền mua một chiếc tàu nhỏ để vượt thoát. Chẳng may trong cuộc hỗn
loạn lúc Sài Gòn thất thủ, gia đình hắn bị kẹt lại. Nghe thế, càng thêm tò mò,
tôi nhờ chị Deb chỉ cho tôi cái ốc đảo của hắn để tôi tự đi tìm hắn.
Từ xa tôi thấy
hắn ngồi một mình trong bóng mát, ở bìa rừng thông, cạnh sân bóng chuyền đang
vắng bóng cầu thủ vì khi ấy trời còn nắng gắt. Hắn cắm cúi viết vào quyển vở để
trên đùi, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên, mắt nhìn xa xăm.
Trưa hôm ấy, bầu
trời Florida
trong xanh, thật đẹp, nhưng không khí rất oi bức. Trại tị nạn đông đúc, nơi nào
cũng người và người, đi đâu tôi cũng thấy xếp hàng, nhất là các lều ẩm thực,
lúc nào cũng có kẻ đứng chờ lấy thức ăn. Đông đúc nhưng không ồn ào. Họ không
có tâm tư vui nhộn trong những ngày tan tác này. Họ vừa bỏ quê hương đi tìm lẽ
sống mà!
Làm việc ở trại
tị nạn mấy tuần nay, dầu vậy, tôi để ý thấy phần đông người tị nạn cũng muốn
tìm hiểu việc nầy, hỏi thăm chuyện nọ, nhất là đời sống ở ngoài trại. Qua kinh
nghiệm tiếp cận với họ, tôi thấy họ có trạng thái khá nhạy bén trong một số
sinh hoạt. Cách nay hơn hai tuần tôi thấy trước lều nhà nguyện có một đám đông
tụ tập sau Thánh Lễ. Thì ra hôm ấy linh mục đến dâng Thánh Lễ có mang theo một
số chuỗi Mân Côi để tặng cho giáo dân.
Hôm kia, dượng Peter kể cho dì Mary và tôi nghe chuyện người ta khám phá ra một
gia đình tị nạn để dành cả thùng táo trong lều. Dượng Peter nói có gia đình còn
để dành cả giấy đi cầu nữa. Tôi lắc đầu, không hiểu, vì các thứ ấy có giá trị
gì đâu mà họ cất giữ. Muốn ăn táo thì cứ ra lều ẩm thực, tội gì phải giữ riêng,
vài ngày chúng hư lại phải vất đi. Dì Mary giải thích: “Cháu nghĩ lại xem, họ
còn gì nữa đâu! Phần đông ra đi với hai bàn tay trắng. Chúng ta giúp họ định
cư, sống ổn định tại đất nước tự do của chúng ta, nhưng thử nghĩ sau khi chính
phủ Mỹ đã bỏ rơi chính đồng minh của mình, thì họ còn tin ai được nữa. Nếu dì
là họ, chắc chắn dì sẽ để dành tất cả những gì dì có trong tay. Bản năng sinh
tồn của con người là vậy, cháu à!”
Nghe dì nói, tôi
thấy mình cần học hỏi thêm nhiều điều từ những người tị nạn này, nhất là hắn,
vì đối với tôi hắn là một con người đầy bí ẩn, sống cách biệt, không bon chen
để sống còn như đám người đông đúc đang sắp hàng ngoài kia.
Ánh mắt hắn vẫn còn nhìn xa xăm khi tôi đến
gần. Tiếng chào “Hi!” của tôi làm hắn
giật mình. Hắn khép vội quyển vở, đứng dậy, ngập ngừng chào tôi:
“Hi, chào cô Lisa! Nhà cần tôi thông dịch
phải không cô? Tôi về ngay đây!”
Tôi nhìn hắn,
mỉm cười, mong hắn được tự nhiên hơn.
“Hôm nay tôi đã
cắt tóc xong cho mọi người, trừ anh đó!”
Ác thay, câu nói
của tôi làm cho hắn thêm ngượng ngập. Hắn lẩm bẩm:
“Cám ơn cô, tôi
… tôi …”
Biết mình đã lỡ
lời (Chị Deb đã tiết lộ với tôi hắn nói sẽ không cắt tóc cho đến khi gặp lại
gia đình mà!) tôi vội ngắt lời hắn:
“Thật ra, tôi
muốn gặp anh, nói chuyện chơi với anh để quen biết anh nhiều hơn. Mấy ngày qua
mình chỉ làm việc với nhau thôi, chứ chưa bao giờ có dịp gặp nhau riêng…”
Thấy hắn còn
đứng tần ngần, có vẻ khó chịu vì tôi đến quấy rầy thế giới riêng tư của hắn,
tôi ngồi xuống bãi cỏ, nói bâng quơ:
“Trời hôm nay
đẹp quá hả Long?”
Hắn chần chừ
trong giây lát, rồi ngồi xuống bên tôi, giữ một khoảng cách. Đôi mắt hắn thật
buồn, vẫn nhìn xa xăm. Hắn nói:
“Còn tùy … tùy
theo tâm trạng của mỗi người.”
Cánh cửa bỗng hé
mở. Tôi nhìn hắn, ước ao nắm bắt lấy tâm tư nằm dưới mái tóc đen bồng bềnh đó,
giải những bí ẩn của đôi mắt kỳ bí ấy. Như có linh tính biết mình đang bị nhìn
trộm, hắn quay lại, bắt gặp ánh mắt của tôi. Đến phiên tôi lúng túng, vội nhìn
xuống quyển vở trong tay hắn, nói khỏa lấp:
“Anh đang biên
chép gì đấy?”
“Tôi đang tự học
Anh Văn.”
“Sao anh không
đến lớp?”
“Họ còn học ABC,
đàm thoại căn bản. Tôi thấy mất thời giờ.”
Hắn bỗng mỉm cười, giọng chua chát:
“Nói thật với
cô, chúng tôi bây giờ mất tất cả rồi. Chỉ còn quá khứ và thời gian. Quá nhiều
thời gian trong lúc chờ ngày định cư. Thế mà tôi sợ mất thì giờ! Buồn cười quá
hả cô?”
Cánh cửa lại mở
thêm một chút. Tôi chộp lấy cơ hội:
“Tôi có thể giúp
anh học Anh Văn.”
Hắn cầm quyển
vở, giọng hững hờ:
“Cám ơn Lisa. Cô
có thể giúp tôi luyện giọng, đàm thoại thông thường … chứ việc tôi đang làm …
tôi đang chép lại quá khứ vì … vì tôi …
tôi sợ sẽ mất luôn quá khứ … Tôi viết
bằng tiếng Anh để luôn thể học Anh Văn. Nhưng tôi gặp khó khăn trong việc
chuyển ngữ tư tưởng của mình. Chắc cô cũng không giúp gì được đâu.”
Tuy nói thế hắn
vẫn lịch sự trao quyển vở cho tôi. Tôi
lật trang, đọc sơ qua trang đầu. Đúng như lời hắn nói, hắn đang viết “hồi ký”
bằng tiếng Anh. Trong câu văn có nhiều từ ngữ hắn viết bằng tiếng Việt. Tôi
nhận ra hắn cần nhất là một quyển tự điển. Nhưng tìm đâu ra một quyển tự điển
Việt Anh và Anh Việt trong lúc ấy? Tôi hứa đại với hắn:
“Tôi sẽ giúp anh có một quyển tự điển. Ngoài ra,
nếu anh không ngại, tôi có thể giúp anh trao chuốt câu văn theo lối diễn dịch
hiện thời. Anh nghĩ sao?”
Lần đầu tiên tôi thấy gương mặt hắn rạng rỡ. Cặp
mắt hắn sáng lên, giọng hắn chân thật:
“Cám ơn Lisa, được vậy thật tốt cho tôi ... Thời
giờ nhàn rỗi ở đây, nếu không có việc này chắc tôi điên mất!”
Tôi quyết định không tò mò thêm nữa. Thế nào tôi
cũng đọc được tâm tư của hắn bằng chính câu viết của hắn mà! Tôi đổi đề tài,
chuyện trò với hắn về thời tiết, những vui buồn đời sinh viên của tôi, hỏi hắn
về xứ Việt Nam suốt buổi trưa hôm ấy.
Ngay hôm ấy, trong lúc dùng cơm chiều tôi kể cho
cả nhà nghe về người bạn Việt Nam mới của tôi. Thật bất ngờ, việc tôi thấy khó, quá ra rất dễ. Ngày hôm
sau dượng Peter điện thoại cho căn cứ Fort Bliss ở El Paso, tiểu bang Texas,
nơi có một trung tâm dạy Việt Ngữ trong thời kỳ chiến tranh. Họ lập tức gởi cho
trại tị nạn Eglin một thùng tự điển. Lẽ dỉ nhiên tôi được một quyển.
Tôi trở thành bạn thân của hắn - tức Long - nhờ
quyển tự điển ấy. Tuy nhiên, nó chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tình bạn của
chúng tôi mà thôi. Nguyên nhân sâu xa kéo chúng tôi gần lại với nhau chính là
cái người ta gọi “hội chứng Việt Nam.” Long là người Việt Nam đầu tiên nói “rất
tiếc” với tôi khi anh biết cha tôi tử trận ở Việt Nam, và anh cám ơn những hy
sinh mẹ tôi và tôi đã trải qua. Trong khi đó, bè bạn người Mỹ của tôi, chưa một
ai nói câu “rất tiếc” với tôi. Sau khi biết Long hơn, hiểu anh qua những lần
trò chuyện, nhiều khi tranh luận tay đôi về cuộc chiến, nghiền ngẫm những trang
giấy anh viết, kể lại quá khứ đau buồn của dân tộc anh và của riêng anh, tôi
thiết tha mang hết khả năng của mình cùng kiến thức trường học giúp anh vượt
qua cơn khó khăn. Vâng, lúc ấy Long đang trải qua một khủng hoảng tâm lý trầm
trọng. Theo tôi, đó là hậu quả của một mặc cảm tự cho mình là đê hèn, phản bội,
cộng với nỗi đau buồn vì bao mất mát và tuyệt vọng anh không có lối thoát.
Long sanh ra
trong một gia đình trung lưu. Ba anh là một giáo chức, mẹ anh có một cửa hàng
buôn bán tạp hóa ở một tỉnh lẻ cách Sài Gòn độ 70 dặm về hướng đông. Họ có thừa
khả năng cho anh tiếp tục lên đại học ở thủ đô sau khi anh xong trung học. Nơi đây
anh quen với Tuyết, một cô bạn cùng trường, rồi hai người đi đến tình yêu, cuộc
tình đầu đời của Long. Hai người cùng hứa hẹn sẽ đi đến hôn nhân sau khi anh
xong đại học và có việc làm. Khi Long đang học năm thứ hai, chiến sự leo thang
đến tột đỉnh với những giao tranh khốc
liệt vào mùa hè anh gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Nhìn bè bạn trong quân ngũ lần lượt
ngã gục ở chiến trường trong lúc ở hậu phương có những biến động chính trị, một
mặt Long chán nản học hành, mặt khác anh lăn vào những hoạt động chính trị của
các đoàn thể sinh viên. Với nhiệt huyết của một sinh viên trẻ tuổi, anh tranh
đấu, hy vọng miền Nam
có được một chính quyền mới, trong sạch mà hậu thuẩn cho quân đội chiến thắng
cộng sản. Năm ấy Long thi rớt. Không còn đủ điều kiện để được hoãn dịch tiếp
tục học vấn, anh vào quân đội.
Sau chín tháng
quân trường Long mang lon chuẩn úy, đóng ở một quận lỵ miền Tây Nam
phần, cách Sài Gòn hơn 100 dặm. Long tâm sự với tôi rằng, từ khi khoác chiếc áo
lính, anh đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận việc phải xa Tuyết, không phải
trong một thời gian, mà mãi mãi. Sống đời quân ngủ, rày đây mai đó, Long không
thể lập gia đình. Chiến tranh dai dẳng, anh không thấy ngày nó chấm dứt. Rủi ro
anh tử trận bỏ lại vợ con khổ sở, nheo nhóc, đó là điều anh không bao giờ muốn.
Hơn nữa, Long không đủ điều kiện tài chánh để lập gia đình – bản thân anh, anh
lo không xong nói chi đến trách nhiệm của một người chủ gia đình. Việc này tôi
không đồng ý với Long vì tôi nghĩ Tuyết cũng có thể đi làm để phụ với anh nuôi
sống gia đình chứ. Long mỉm cười, cay đắng bảo rằng có những sự việc tôi không
bao giờ hiểu về Việt Nam,
cũng như anh không hiểu sao người Mỹ một sớm một chiều đã bỏ mất lý tưởng bảo
vệ tự do, dân chủ của mình.
Xa mặt cách
lòng. Gần hai năm sau khi Long nhập ngũ, Tuyết nghe lời cha mẹ lập gia đình với
một người bạn cùng lớp vừa đỗ bằng chuyên môn, nếu bị động viên có thể được ở
hậu cứ, hoặc may khỏi ra chiến trường. Long viết rằng anh thật tình mừng cho
Tuyết và không trách chị vì chính anh muốn như thế nên có thái độ hờ hững trong
những lần chị đến thăm anh. Thật ra, trong lòng anh rất đau khổ. Ngày cưới của
chị, anh lấy hai ngày phép trở về Sài Gòn, không gặp chị mà chỉ từ xa nhìn chị
bước lên xe hoa. Từ đó, Long không trở lại thủ đô, anh miệt mài với nhiệm vụ
của mình ở quận lỵ xa xôi cho đến cuối tháng Tư anh mà gọi là Tháng Tư Đen của
miền Nam
tự do.
Chiến cuộc Việt Nam ngày càng bi thảm, khởi
đầu là những cuộc di tản “chiến thuật” khỏi các tỉnh cực Bắc đến các thành phố
then chốt vùng cao nguyên và dọc duyên hải. Long được lịnh tăng cường phòng
thủ, dự trữ đạn dược, nước uống, thức ăn vì vị tướng tư lệnh vùng IV chiến
thuật dự liệu miền Tây Nam phần sẽ là tiền đồn cuối cùng chống cộng sản.
Trong thời gian
ấy, Long cùng các đồng đội rất hoang mang qua tin tức các cuộc triệt thoái quân
đội mà anh không thấy có giá trị “chiến thuật” nào, song song với việc Quốc hội
Hoa kỳ biểu quyết cắt viện trợ. Phải chăng đây là giây phút hấp hối của miền Nam tự
do? Tuy nhiên, theo lời Long kể với tôi, đồng đội của anh ai cũng đồng lòng
quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, vì nếu cộng sản thắng thì họ cũng sẽ
mất hết mà thôi. Họ hy vọng rằng sự chiến đấu dũng cảm của họ có thể giúp tạo
một giải pháp chính trị để mảnh đất cuối cùng của miền Nam này không rơi vào tay cộng sản.
Định mệnh nghiệt
ngã. Vào những ngày căng thẳng đó, Long nhận được điện tín cha anh cho hay mẹ
anh bệnh nặng phải đưa về Sài Gòn điều trị, anh nên xin phép về thăm bà ngay,
kẻo không kịp. Thương mẹ, Long muốn về ngay để bà còn thấy mặt anh trong giây
phút cuối đời, nhưng anh không thể bỏ đồng đội của anh vào giai đoạn quyết tử
chiến đó. Hơn nữa, toàn quốc đang trong tình trạng thiết quân luật, quân cán
chính không ai được phép rời đơn vị. Vài ngày sau, Long nhận thêm điện tín nhà
báo tin bệnh trạng của mẹ anh đã đến hồi nguy kịch. Sáng hôm sau, trong lúc
uống cà phê trước quận đường, Long bỗng có quyết định bất ngờ về ngay thăm mẹ.
Anh rời đồng đội của mình, không một lời từ giã, không hành lý, không một giấy
phép trong tay. Quyết định này là một trong những nỗi đau dằn vặt anh từ ngày
anh rời quê hương.
Về đến thủ đô,
Long mới biết tình hình nước nhà đã quá bi đát. Những chuyến di tản bằng không
vận của người Mỹ đã ngưng vì phi trường Tân Sơn Nhất vừa bị dội bom. Người dân
nhốn nháo vì những xáo trộn chính trị và những cuộc triệt thoái như nước vỡ bờ.
Sài Gòn hỗn loạn, gần như vô chủ.
Long đến nhà
người cô để hỏi thăm gia đình thì gặp cả nhà đang lánh nạn ở đó. Khi ấy, anh
mới hay mẹ anh không có bệnh tật chi cả, cha mẹ anh đã hùn tiền với gia đình
thông gia là bác Nguyễn cùng gia đình người cô của anh mua một chiếc tàu nhỏ để
vượt thoát nếu không may Sài Gòn thất thủ. Mẹ anh ôm anh, khóc nức nở, trong
lúc cả nhà như trút được một mối lo vì bà nói sẽ không đi đâu nếu anh không về
kịp. Gia đình mình cùng sống, cùng chết, bà bảo vậy. Ngay tối hôm ấy, gia đình
Long di chuyển đến bến Vân Đồn trong lúc bầu trời Sài Gòn rền tiếng máy bay
trực thăng đang thực hiện cuộc di tản từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Đến điểm hẹn mới
hay tàu đã bị cướp. Gia đình bác Nguyễn, nhờ quen biết giới hàng hải, tìm được
mối tàu khác. Cha Long dốc hết số vàng còn lại mua chỗ cho Long ra đi cùng với
gia đình người anh là con rể của bác Nguyễn. Ông bà cùng ba người con khác hy
sinh ở lại vì họ biết hai anh em Long là sĩ quan sẽ khó thoát tù cộng sản.
Bỏ xứ ra đi trong một tình huống quá khắc nghiệt, Long mang mặc cảm của một kẻ phản bội quê hương và gia đình. Anh đã đào ngủ, phản bội chính đồng đội của mình, chạy bỏ trước quân địch. Và anh đang sống sót qua sự hy sinh của gia đình. Từ những mặc cảm ấy, tâm trí Long phác họa một tương lai đen tối. Anh không thấy ngày trở lại cố hương. Anh mù mờ lý luận rằng xưa nay chưa có quốc gia nào thoát được ách cộng sản sau khi họ nắm chính quyền, bế quan tỏa cảng. Có rất ít người vượt thoát được bức tường sắt. Điển hình là Đông Đức và các xứ Đông Âu. Long bảo với tôi trong trại tị nạn đã có nhiều người bàn đến ngày hồi hương dành lại tự do cho đất nước, nhưng anh chua chát nhận xét: “Khi có lòng dân, có người giúp khí giới, thì không đồng lòng đánh giặc. Bây giờ, không một tấc sắt trong tay, lấy gì mà đánh! Viển vông!”.
Đọc những trang
“hồi ký” của Long, tôi cố gắng giải thích, gỡ rối cho anh nhưng không có kết
quả. Phải chi Long cứ đổ lỗi cho người Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam khi không còn thấy
quyền lợi của mình bị đe dọa ở Đông Nam Á. Phải chi anh tạm quên đi dĩ vãng đau
buồn, ít nhất có một chút hy vọng để sống còn vượt cơn giao động tâm lý nhất
thời ấy, rồi từ từ anh tìm ra giải đáp cho chính mình. Trái lại anh tự đày đọa,
đổ lỗi cho chính mình, cho thế hệ của mình, những kẻ “có nước mà không biết
giữ”. Bằng chứng là mái tóc không cắt của Long. Đó không phải để nuôi hy vọng
ngày gặp lại cha mẹ, anh chị em, mà là một nhắc nhở đến lỗi lầm của mình. Những
trang “hồi ký” của Long thật ra là những lời thú tội mà tôi biết chỉ có anh mới
có thể tự tha thứ cho mình mà thôi.
4.
Chuyện của Long
thì tôi “sáng” như vậy, còn cái “hội chứng Việt Nam” của tôi thì sao? Thắm thoát đã
hơn một tháng từ ngày tôi quen Long, gia đình bác Nguyễn đã được một nhà thờ
nhận bảo trợ về định cư tại thành phố Minneapolis
thuộc tiểu bang Minnesota.
Hôm chúa nhật, hai ngày trước khi gia đình bác Nguyễn rời trại tị nạn, chúng
tôi tổ chức một buổi tiệc trà chia tay ngay tại căn lều của gia đình bác. Như
mọi cuộc giã từ trong cuộc đời, mặc dầu quen biết nhau chỉ quá một tháng, chúng
tôi cũng có những giọt nước mắt, những lời chúc mừng, trao đổi địa chỉ, hẹn
ngày tái ngộ rất chân tình.
Đêm hôm ấy, tôi
trằn trọc ngủ không được. Tôi không quên được ánh mắt xa xăm của Long, tôi nhớ
hoài mái tóc đen bồng bềnh dài phủ ót, giọng nói tiếng Anh còn ngập ngừng của
anh. Tất cả những chuyện về Long cứ ám ảnh tôi. Phải chăng tôi đã bị cú sét ái
tình? Tôi không rõ, nhưng lòng buồn vô hạn, biết anh sẽ khổ sở nhiều khi chưa
giải tỏa được nỗi u uẩn của mình.
Tôi thay đồ mát,
định đi bộ vài vòng trên bải biển gần nhà cho khuây khỏa. Tuy nhiên, khi thấy
dượng Peter còn đọc sách ở phòng khách, tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với
dượng, xin phép được quấy rầy dượng vì tôi có một chuyện rất quan trọng cần bàn
ngay với dượng.
Tôi kể cho dượng
Peter nghe tình cảnh của Long, những cố gắng của tôi để giúp anh có một cuộc
sống bình thường, hầu xây dựng một cuộc đời mới trên mảnh đất có nhiều cơ hội
này. Lạ thay, càng thả lỏng tâm tư mình tôi càng nhận ra những đề nghị của tôi
cho những vấn đề của Long cũng là giải đáp cho chính mình. Cha tôi, dượng Peter
và hàng ngàn chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam không phải là những kẻ sát
nhân. Họ chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của tổ quốc mà thôi. Vì thế, sự hy
sinh của họ không vô ích. Một ngày nào đó, đồng bào của tôi sẽ nhận ra điều
này, đương nhiên danh dự của các chiến sĩ tham chiến ở Việt Nam sẽ được phục hồi. Làm người
không ai có thể dửng dưng trước thảm cảnh chiến tranh. Chẳng qua lòng nhân ái
của đồng bào tôi đang bị giới truyền thông thiên tả khai thác theo chiều hướng
chính trị mà thôi. Tôi cũng hiểu ra rằng những va chạm quyền lợi giữa các quốc
gia hay các quyền lực trên thế giới là việc không thể tránh. Điều quan trọng là
chúng ta có thái quá trong công cuộc bảo vệ quyền lợi quốc gia chúng ta mà chà
đạp quyền lợi của quốc gia khác hay không. Riêng tôi, nếu nắm được, học được
luân lý này tôi có thể tạm quên quá khứ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn
thế hệ cha mẹ của tôi. Phải chăng đó là điều cha mẹ tôi ước mơ khi sanh tôi ra
đời? Tôi mong sao mình có dịp gặp lại Long để nói với anh những cảm nghĩ này.
Sáng hôm sau,
dùng điểm tâm xong Brian và Ted rủ tôi ra biển, nhưng dì Mary bảo có chuyện nhờ
tôi giúp nên tôi ở lại nhà cùng dì. Lát sau, tôi nghe có tiếng xe đậu trước
nhà, rồi tiếng mở cửa. Bất ngờ, tôi thấy Long bước vào nhà tay cầm một gói bằng
giấy báo, phía sau là dượng Peter. Dượng cười thật tươi, giải thích rằng hôm
nay trời đẹp nên dượng mời Long đến chơi cho biết nhà trước khi đi định cư ở
miền Bắc, và dượng nhờ dì cháu chúng tôi tiếp đãi Long vì dượng phải trở lại
căn cứ để làm việc.
Trò chuyện được
chừng năm phút, dì Mary bảo rằng dì có chuyện cần ra phố và đề nghị tôi đưa
Long ra bải biển gần nhà cho thoải mái. Tôi đoan chắc trong lòng rằng đêm qua
dượng Peter đã kể cho dì nghe câu chuyện của Long và tôi, và sáng nay hai ông
bà cố tình tạo cơ hội cho chúng tôi gặp gỡ nhau một lần nữa trước khi chia tay.
Sáng thứ hai ấy
bãi biển Destin thật vắng, có lẽ dân nghỉ hè còn đang hải hùng về phim con cá
mập Jaws đang được trình chiếu tại các rạp chiếu bóng địa phương. Trời trong
xanh, ánh nắng vàng nhạt, gió thổi nhè nhẹ đong đưa các cành phi lao trồng trên
đồi cát dọc bãi biển. Chúng tôi tản bộ chầm chậm trên bãi. Long lên tiếng
trước:
“Trời hôm nay
thật đẹp cô nhỉ?”
Nhớ lại lời Long
nói lúc trước, tôi cố gắng mỉm cười, trêu anh:
“Còn tùy … tùy
theo tâm trạng của mỗi người.”
Nhưng tôi không giấu
lòng mình được nữa. Tôi tự tìm lấy bàn tay Long, nắm thật chặt, dừng lại, nhìn
thẳng vào mắt anh. Tôi bật khóc. Ánh mắt Long thoáng vẻ bất ngờ, rồi dịu lại,
thật hiền, như thấu hết tim tôi. Long ôm tôi, tự nhiên, thân mật như chúng tôi
đã quen nhau từ kiếp nào. Tôi tựa càm lên vai anh, thút thít khóc. Anh vỗ nhè
nhẹ vào lưng tôi, giọng chân tình:
“Cám ơn em … Anh
cám ơn em đã giúp anh thật nhiều … những cảm tình của em … anh biết nói gì đây …”
Tôi cũng không
biết mình muốn nói gì với Long, tôi chỉ nghĩ đến cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, rồi
bỗng phải xa nhau của hai chúng tôi, như những đợt sóng biển đang vỗ vào bờ,
rồi tan biến trong tầm mắt của tôi lúc ấy. Long cởi chiếc áo jean (5) bạc màu như ngàn chiếc áo cũ kỹ
người ta bố thí cho người tị nạn, lót trên cát, dìu tôi ngồi xuống cạnh bên
anh. Tôi tựa vào vai anh. Long vòng tay ôm tôi. Chúng tôi ngồi im lặng, nhìn
biển rộng, trời cao. Thật lâu. Rồi khi tâm tư lắng dịu, tôi nhớ lại và kể cho
Long nghe những cảm nghĩ của mình sau khi đã thố lộ cùng dượng Peter đêm hôm
qua. Long nói:
“Thiếu tá Peter
thật tốt, Lisa à. Khi nãy trên đường đến nhà, anh chưa kịp nói hết lời cám ơn
của anh về sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ cũng như gia đình ông, thì ông đã ngắt
lời, xin lỗi thay cho đa số người Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam. Ông nói theo kinh
nghiệm ông đã trải qua, đây là một chính sách sai lầm, nhưng Quốc Hội phải theo
ý của đa số dân chúng. Biết làm sao, đó là cái giá của dân chủ mà mình phải
trả!”
Tôi vừa mở
miệng, định hỏi Long nghĩ sao về những cảm nghĩ của tôi, Long nói tiếp, chậm
rãi:
“Anh cũng đã
nghĩ như em. Bi quan, yếm thế không giúp anh gì hết. May mà có em giúp đỡ, gợi
ý cho anh. Nhất là những cảm tình của em, của gia đình Thiếu tá Peter, chúng đã
an ủi anh thật nhiều. Hôm qua là hôm qua, ngày nay là ngày nay. Anh phải nuôi
hy vọng. Anh phải sống cho ngày hôm nay, nhưng anh sẽ không bao giờ quên Việt Nam,
gia đình, đồng đội, đồng bào của anh. Điều anh quan tâm nhất là liệu mình có
học được bài học đau đớn này không, hay là khi vinh thân phì gia mình quên nó
đi. Hơn tuần nay anh muốn nhờ em cắt
ngắn dùm mái tóc này. Tóc dài làm anh khó chịu lắm, từ ngày anh đi lính … Nhưng
anh ngại, không hỏi em.”
Tôi mừng rỡ, kéo
Long đứng lên, chạy vội về hướng nhà dì Mary. Tôi muốn giúp Long vứt bỏ ngay
mái tóc dài đáng ghét ấy, cũng như chúng tôi đang bỏ mặc chiếc áo jean bạc màu đang lăn lốc cuốn theo
chiều gió trên bãi biển vắng người.
Về đến nhà dì
Mary, mời Long một ly trà đá ở phòng khách và trao cho anh một áo thun kỷ niệm Florida
tôi mua định làm quà cho bạn ở Fantastic Clips, tôi vội tìm ngay bộ đồ nghề để
cắt tóc cho Long ở ngoài sàn gỗ sau nhà, dễ dọn dẹp khi xong việc. Khi tôi trở
vào phòng khách, Long đã chờ sẵn trao cho tôi gói giấy báo, nói anh không có
quà gì cho tôi ngoài tập “hồi ký” mà mấy ngày qua anh đã chép lại và muốn tặng
tôi để làm kỷ niệm. Nếu không gặp tôi hôm nay, anh định sẽ gởi cho tôi qua bưu
điện sau khi đến Minneapolis.
Tôi rất cảm động, nói không nên lời ngoài hai chữ “cám ơn” thường lệ. Long muốn
thố lộ gì với tôi khi tặng tôi tâm tư của chính anh? Hay là Long yêu tôi?
Tôi cắt tóc cho
Long, chuyện trò như thường tình, nhưng lòng nghĩ ngợi bâng quơ. Tôi nói cho
Long nghe ước mơ viết văn của mình và xin phép được dùng “hồi ký” của anh để
viết thành một truyện khi có điều kiện. Long bằng lòng không do dự, bảo tôi:
“Dù muốn dù không em cũng đã góp phần viết tập bản thảo này rồi mà!”. Khi nhấp
nhát kéo cuối cùng, theo thói quen tôi nhóm người ra xa, nhìn công trình mỹ thuật
của mình từ phía sau lưng người khách. Mái tóc hớt ngắn, cao, sát da sau ót của
Long làm tôi bỗng nhớ cha tôi vô hạn. Cha tôi cũng có mái tóc hớt ngắn như thế
này. Bất giác tôi cúi xuống hôn nhẹ vào ót của Long. Anh quay lại, chưa kịp
phản ứng tôi đã ôm hai tai anh, đặt vào môi anh một chiếc hôn nồng nàn. Long
đứng dậy, đáp lại tình tôi bằng một vòng ôm thật chặt, môi không rời tôi. Tôi
không còn thắc mắc chi nữa, Long yêu tôi. Và, lúc ấy tôi thấy mình cũng yêu
Long. Tôi vâng lời theo cảm giác của mình, không chút do dự, khe khẻ nói:
“Mình vào phòng
đi anh. Em muốn có một kỷ niệm thật sự với anh …”
Khi Long dìu tôi
vào nhà, tôi thoáng nhận ra dấu hiệu ngập ngừng nơi vòng tay của Long. Vì thế
tôi không bỡ ngỡ khi anh đưa tôi đến phòng khách thay vì phòng ngủ. Chúng tôi
ngồi xuống ghế nệm. Long choàng tay
ôm vai tôi. Tôi ngả đầu trên ngực anh.
Long dịu dàng nói:
“Lisa, anh yêu em. Anh ... anh ...
muốn em nhiều lắm. Nhưng anh thấy chúng mình không nên vội vàng. Tháng vừa qua
và ngày hôm nay chúng mình đã có những giây phút tuyệt đẹp của tình người với
người, bạn với bạn, trai với gái, chân thật, không chút lừa dối, lợi dụng. Đó
là kỷ niệm thật sự mà anh sẽ không bao giờ quên. Anh không muốn và anh không
thể so sánh những kỷ niệm của anh và em trong tháng qua với ba năm John và em
chung sống. Anh trộm nghĩ cái “hội chứng Việt Nam” là lý do John xa em, chứ em
và John vẫn còn yêu nhau. Bây giờ cái “hội chứng” đó đâu còn là một trở ngại
cho em nữa. Hãy cho cuộc tình của em và John thêm một dịp may đi em.”
Tôi trở về Ohio vài ngày sau khi
chia tay với Long, không ở lại Florida cho hết mùa hè như đã dự tính. Tôi đi
làm việc ngay cho Fantastic Clips và sửa soạn cho khóa học mùa Thu. Lòng hân
hoan, tôi hạnh phúc như một con người mới. Vài tuần lễ sau, tôi tình cờ gặp lại
John trong một buổi tiệc ở nhà một người bạn chung. Tôi cứ tưởng hai chúng tôi
đã không còn gì với nhau nữa, nhưng tôi lầm, đúng như lời Long nói với tôi hôm
cuối cùng ở Destin.
Sau vài buổi hẹn hò, John ngỏ lời
cùng tôi, xin được trở về chung sống như xưa, và tôi đã nghe lời khuyên của
Long. Năm sau, tôi ra trường và có việc làm, rồi nhận lời cầu hôn của John. Tôi
liên lạc thường xuyên với Long. Anh lập gia đình sau tôi ba năm khi đã tốt
nghiệp đại học.
Sau khi bức tường Bá Linh bị phá vỡ
và Đông Đức không còn cộng sản, tôi gởi cho Long một bưu ảnh với dòng chữ duy
nhất: “Anh sai rồi!” Long trả lời bằng một bưu ảnh và hai chữ: “Em đúng!” Mới đây, khi Quốc Hội Hoa Kỳ bàn thảo ngân
sách chiến tranh, ra điều kiện chánh phủ phải rút quân khỏi Iraq, tôi nhận được
điện thư của Long. Anh bảo: “Chúng ta không thèm học, hay không học được bài
học Việt Nam?”
Tôi không trả lời thư Long mà viết
truyện ngắn này để tặng riêng anh. Tôi hãnh diện là bạn của Long. Sau bao năm
anh vẫn ghi nhớ bài học lịch sử ấy và anh không quên nguồn gốc của mình. Riêng
tôi, hơn 30 năm rồi mà tôi vẫn chưa đạt được ước mơ trở thành một văn sĩ chuyên
nghiệp. Tuy nhiên, tôi có một mái ấm gia đình, một cuộc sống hạnh phúc nhờ một
người bạn chân tình của mùa Hè năm xưa. Tôi còn muốn gì hơn?
đàoanhdũng
Chớm Thu, 2007
Ghi chú:
(1) Tên một loại học bỗng của chánh phủ Hoa Kỳ vào thập
niên 1970-1980.
(2) Khuôn viên trường đại học
(3) Tạm dịch: Con đâu còn bé nữa. Hãy trưởng thành!
(4) Đơn vị đo lường chiều dài, khoảng 1/3 mét.
(5) Vải xanh thô may quần áo cao-bồi
Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét