(Tạp chí Văn Hữu, số 20, mùa Xuân 2013)
Sau 30 tháng 4 xóm ngoại của tôi có mọc
lên một quán chè chui. Quán không tên do dì ba làm chủ nên bọn học sinh chúng
tôi đặt tên là “quán chè dì ba”.
Quán chè dì ba mở cửa vào buổi tối, leo
lét một ngọn đèn dầu, có khoảng chục khúc cây làm bàn ghế. Chén chè thưng của
dì nhỏ xíu, thiếu ngọt, hơi mặn nhưng hạp với túi tiền học sinh. Vì thế, quán
chè của dì là chỗ hẹn hò của bọn chúng tôi. Một lần tôi ngồi một mình vì “hai đứa
giận nhau”; lúc vắng khách dì đến hỏi thăm, an ủi, chỉ vẽ cho tôi cách làm hòa.
Hỏi ra mới biết trong số bạn bè chúng tôi, trai gái đứa nào cũng được dì “gỡ rối
tơ lòng”.
Dì ba sống một mình. Nghe nói dượng ba
đi tập kết, dì ở vậy nuôi con, chờ dượng. Hai người con của dì đi quân dịch, chẳng
may tử trận. Dượng về, trách dì giết con rồi dượng bỏ đi, sống ở thành phố với
người vợ khác.
Thời gian ấy, vải sồ khan hiếm nên ban
ngày dì có thêm nghề vá, sửa quần áo. Dì mạng chỗ rách bằng tay, rút sợi chỉ của
món đồ ra mạng nên rất khéo, nhìn kỹ mới thấy vết mạng.
Tội nghiệp dì. Vết thương của dì ai mạng
dùm đây?
đàoanhdũng
Apple Valley,
Minnesota
Đông 2013