Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




17 tháng 8, 2018

Thế Vận Hội


Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 382, tháng 6/2018

Kể từ ngày Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 khai mạc tại Pyeongchang, chiều nào ba cha con Tuấn cũng miệt mài xem các cuộc tranh giải trên màn ảnh truyền hình. Khen, chê, thất vọng, cổ võ, la hét, vỗ tay và bình luận về các lực sĩ cũng như những cuộc tranh tài, trận đấu là chuyện thường tình. Nhưng, ồn ào, hào hứng nhất cho ba cha con Tuấn phải nói là những trận banh trên băng (ice hockey). Hạnh không lấy làm lạ vì Đôn và Đán, hai đứa con của anh chị, đứa anh 17, đứa em 16 tuổi, đều là cầu thủ hockey của trường chúng đang theo học. Hạnh chỉ xem lễ khai mạc Thế Vận Hội thật là ngoạn mục và rực rỡ mà thôi, chị luôn bận tay lo cho buổi cơm ngày mai. Tuy nhiên, mỗi khi nghe chồng con la hét chị đều bỏ tay, ghé mắt vào xem các màn chiếu lại trên truyền hình và bàn luận cho vui.

Hôm ấy, trận ice hockey chung kết diễn ra giữa hai đội nữ Hoa Kỳ và Gia Nã Đại rất sôi nổi và hồi hộp vì đội nữ Hoa Kỳ chưa bao giờ đạt được huy chương vàng và đã ba lần thua đội Gia Nã Đại. Cuối cùng thì đội Hoa Kỳ thắng với tỷ số 3-2 và lẽ dĩ nhiên là cả ba cha con Tuấn rất sung sướng, vui cười hả hê. Bỗng nhiên, Đán hỏi cha:
"Ba, năm nào tiểu bang của mình cũng có Thế Vận Hội Đặc Biệt* vào mùa hè. Nhưng tại sao không có tổ chức giải thể thao  nào cho người khuyết tật trong mùa đông vậy ba?"
Tuấn nhìn đứa con trai của anh chị, ánh mắt tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên còn Hạnh thì cũng cảm thấy hơi bất ngờ vì mùa hè năm rồi nó là đứa nói lời chế giễu khi nghe Tuấn kể chuyện anh đi làm thiện nguyện một trong ba ngày Thế Vận Hội Đặc Biệt tại trường Đại học Thánh Tôma. Anh trả lời:
"Ba nghĩ rằng tiểu bang mình quá lạnh nên khó tổ chức. Tuy  nhiên, họ có những buổi sinh hoạt cho người khuyết tật như trợt tuyết, trợt băng, nhảy xuống hồ... trong suốt mùa đông. Con hỏi chi vậy?"
"Ơ... con hỏi để xem tụi con có thể giúp gì được không?"



Những lời đối thoại giữa ba cha con Tuấn làm Hạnh nhớ lại câu chuyện trên bàn cơm gia đình vào một buổi chiều thứ sáu mùa hè vừa qua. Hôm ấy là lần đầu tiên Tuấn tham gia công việc thiện nguyện cho Thế Vận Hội Đặc Biệt với các bạn cùng sở làm. Chiều về nhà, anh kể cho Hạnh và hai con nghe những điều anh 'tai nghe mắt thấy' trong ngày. Một chuyện khiến Tuấn cảm động nhất là lúc anh làm trọng tài cho cuộc thi chạy đua 100 thước. Đợt thi đua ấy có bảy chú bé lực sĩ trạc 10 tuổi, mỗi chú có một thiện nguyện viên đứng bên nhắc nhở, hỗ trợ. Khi Tuấn thổi còi bắt đầu, các lực sĩ lập tức chạy tới nhưng có một chú chạy ngược chiều làm cuộc thi đua bị gián đoạn. Nhìn gương mặt và tứ chi của chú bé rõ hơn Tuấn mới biết chú bị thiếu trí tuệ do hội chứng Down**. Tuấn cho thi lại ba lần nhưng lần nào chú bé cũng chạy ngược chiều. Vì thế, cô thiện nguyện viên lo cho chú bé phải lên tiếng hỏi thăm nhóm khán giả ai là phụ huynh của chú. Một chị phụ nữ bước ra, trợn mắt, la hét, chỉ tay bảo chú bé phải chạy theo chiều. Lần đó chú bé vừa chạy đua đúng chiều vừa khóc sướt mướt trông thật tội nghiệp. Kể đến đó, Tuấn nhìn Hạnh và bắt gặp một ánh mắt thông cảm. Hạnh đã qua hai lần sinh nở và lần nào vợ chồng anh chị cũng lo lắng, cầu xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn mẹ tròn con vuông, không mang bệnh tật chi hết. Bỗng có tiếng cười khì và Đán lên tiếng, giọng đượm chút giễu cợt:
"Có gì lạ đâu ba. Thằng nhóc đó bị bệnh Down, 'trí tệ' mà!"
Rồi Đôn tiếp lời em:
"Bị thiếu trí tuệ thì họ đã có trợ cấp xã hội rồi, lại còn tổ chức Thế Vận Hội Đặc Biệt cho họ để làm gì? Con thấy mất thời giờ  thôi."

Từ lúc hai đứa con của anh chị đến tuổi biết lý luận và 'chuyện gì cũng biết', Tuấn cố tình không rầy la nếu chúng nói ra những điều sai trái với luân thường đạo lý làm anh phiền lòng. Tuấn chỉ cố gắng giải thích theo sự hiểu biết và đức tin tôn giáo của mình, và anh dành cho chúng quyền quyết định điều nào đúng, việc nào sai. Tuấn luôn mở lòng mình và mong muốn hai đứa con không có chút ngại ngùng khi bày tỏ ý kiến cùng cha mẹ. Tuấn tin rằng nhờ vậy mà vợ chồng anh có thể hiểu chúng và dạy dỗ chúng lớn khôn, sống tử tế, lương thiện và đạo đức trong đức tin và tình yêu Thiên Chúa. Tuấn chậm rãi trả lời:
"Thì ba đâu có lạ lùng gì khi thấy chú bé ấy chạy ngược chiều. Như con nói, chú ấy là một trong những người bị bệnh thiếu trí tuệ, và vì thế họ cần sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng để họ có cơ hội luyện tập thể thao, phát triển các khả năng mà sống vui, sống mạnh khoẻ đó con. Vì thế, hai con nghĩ xem, Thế Vận Hội Đặc Biệt có ích lắm chứ. Hơn nữa, nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ hai con sinh ra đời lành lặn, không bị một dị tật bẩm sinh nào hết. Làm việc thiện nguyện cũng là một dịp để ba tạ ơn Chúa và Đức Mẹ."
Nghe cha giải thích xong, Đôn và Đán ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Một lát sau, Đôn mở miệng nói:
"Trong lớp thầy con cho biết những người bị Down syndrome là do người mẹ sanh con trong lúc đã lớn tuổi. Nếu con nhớ không lầm, người mẹ đã trên 40 tuổi thì tỷ lệ sanh con có thể bị Down syndrome là 1 trên 100. Má sanh tụi con lúc má mới có 21, 22 tuổi thì có gì mà ba má phải lo lắng, cầu nguyện?!"
Khi ấy, Hạnh mới lên tiếng:
"Con nói đúng đó, tỷ lệ sanh con có nguy cơ bị Down syndrome còn cao hơn nữa, 1 trên 10 nếu người mẹ đã 49 tuổi. Nhưng, con không biết chứ có biết bao nguy hiểm trong lúc người mẹ mang thai.  Lúc con còn trong bụng, má có đi học lớp dưỡng thai và được biết tỷ lệ xẩy thai là từ 10 đến 25 phần trăm đó con. Đến khi sanh con thì má không biết chuyện gì có thể sẽ xảy ra, con có dị tật bẩm sinh không? có bị thiếu tay, thiếu chân? tim, phổi, bộ óc có phát triển đầy đủ chưa? Vì thế, má chỉ biết cầu nguyện."
Tuấn tiếp lời Hạnh:
"Chắc hai con cũng biết có một bệnh nữa là Autism, ba đọc trên Internet thấy họ dịch ra tiếng Việt mình là bệnh tự kỷ. Khoa học chưa có thể xác định rõ nguyên nhân trong khi ở xứ Mỹ tân tiến này 68 trẻ sinh ra đời thì một đứa mang bệnh Autism và con trai bị bệnh này nhiều hơn con gái. Vậy thì con cứ suy nghĩ xem, mặc dầu y khoa tiến bộ rất cao nhưng phải chăng mọi sự đều nằm trong bàn tay quan phòng của Chúa là Đấng tạo hoá. Lúc mang thai hai con, má rất thận trọng trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nhưng ba má đặt mọi sự vào lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ đó con."


Đó chỉ là một trong những câu chuyện bàn luận thường ngày trên bàn ăn gia đình của Tuấn và Hạnh. Chị luôn cầu xin Chúa soi sáng cho hai con của anh chị quyết định việc phải làm theo thánh ý của Ngài. Hôm nay, nhờ Thế Vận Hội Mùa Đông chị mới biết Đôn và Đán đã có suy nghĩ về những lời dạy dỗ của anh chị vào buổi chiều hôm ấy. Đán vừa mới trả lời với Tuấn rằng nó "hỏi để xem tụi con có thể giúp gì được không" nhưng Hạnh muốn biết rõ hơn nên chị nói:
"Mùa hè này má sẽ theo ba đi làm thiện nguyện một ngày cho Thế Vận Hội Đặc Biệt. Má đã ghi danh rồi, má sẽ làm việc trong nhà bếp, nấu ăn cho các lực sĩ. Nếu cả gia đình mình cùng đi làm chắc vui lắm!"
Đôn chưa kịp trả lời mẹ thì thằng em đã lanh miệng đáp:
"Anh hai và con có bàn chuyện này rồi, má ơi. Mùa hè nghỉ học, con sẽ xin phép ba má cho con theo anh hai đi làm part-time ở McDonald's như anh hai làm hồi mùa hè năm ngoái. Tụi con sẽ xin nghỉ làm một ngày để đi làm thiện nguyện cho Thế Vận Hội Đặc Biệt như ba. Hôm nay tụi con mới biết má cũng đi làm nữa. Kudos má!"
Đôn nhìn thằng em, lắc đầu nói:
"Hoan nghênh má thì nói hoan nghênh! Còn bày đặt nói Kudos làm sao má hiểu?"

Hạnh đưa mắt nhìn Tuấn. Gương mặt anh lúc ấy trông thật tươi vui, sung sướng. Lòng tràn đầy hạnh phúc, Hạnh thì thầm nói câu tạ ơn Chúa.

đàoanhdũng
Minnesota, mùa Phục Sinh 2018

* Special Olympics dành cho những người bị bệnh thiếu trí tuệ (intellectual disability), ** Down syndrome.

Không có nhận xét nào: