Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




28 tháng 3, 2014

Hèn Chi - Truyện thật ngắn - đàoanhdũng

Tạp chí Văn Hữu, số 23, mùa Đông 2013
đàoanhdũng

Ông bà về thăm quê, ở với gia đình chú em. Vài ngày sau, bà trổ tài nấu nướng, thiếu một vài gia vị nên nhờ đứa cháu gái lấy xe Honda đi mua dùm. Nghe nói thị xã mới mở một siêu thị mới toanh ông bèn đi theo, cho biết.
Hôm ấy thứ bảy nên siêu thị người đông như kiến. Mua xong các thứ cần dùng, ông sắp hàng để trả tiền trong khi đứa cháu còn đi dọ giá một vài món hàng cháu muốn mua.  Ông đứng chờ, mắt ngó thiên hạ mua bán tấp nập, mừng thầm, gần 40 năm tỉnh nhà mới có một siêu thị, hơi trễ nhưng “có còn hơn không.” Đợi một lát khá lâu nhưng chỉ nhích tới được có vài bước, ông mới để ý, thấy có nhiều khách hàng ngang nhiên chen vào trước. Khi gần đến phiên ông trả tiền, một cháu trai ăn mặc gọn gàng, tuổi học trò, “vô tư” bước tới, để món hàng của cháu trước ông. Chợt có một bàn tay chộp lấy các món của ông và dời chúng lên trước. À ... thì ra đó là đứa cháu gái của ông. Trả tiền xong, hai ông cháu bước ra về. Ngồi lên xe, đứa cháu quay lại nhìn ông, mỉm cười nói:
“Hiền như ông chắc đến chiều mới trả tiền xong!”
Ông hỏi:
“Nghe nói bây giờ nhà trường cho học lại môn Công Dân Giáo Dục, phải không cháu?”
“Dạ, nhưng gọi là Giáo Dục Công Dân!”
“Ối ... thời ông nói bảo đảm, bây giờ là đảm bảo. Cũng vậy thôi! Hồi xưa, trong giờ Công Dân Giáo Dục, thầy cô dạy học trò phải biết kính trọng, nhường chỗ cho người lớn tuổi, ra đường gặp đám tang phải dỡ nón ...”
“Ông ơi, bây giờ tụi cháu học luật giao thông, không vượt đèn đỏ, luật hình sự, ăn cướp ở tù bao nhiêu năm ...”
Ông nói lớn tiếng, “Hèn chi!” nhưng chắc đứa cháu không nghe vì khi ấy cháu rú ga, vượt xe ra khỏi khu siêu thị.

đàoanhdũng
10/2013


Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

23 tháng 3, 2014

Ngày Họp Mặt - Tùy bút của Phượng Ngày Xưa

1

Nhìn cái địa chỉ mới của tui ở Sài-gòn, ghi vào danh sách có mặt trong buổi họp “Cựu Học Sinh Trung Học Tây Ninh”, anh bạn tên Ch. ngồi bên trái tui buộc miệng thốt:
“Hôm nào rảnh, tui sẽ  tới…”
“Ê, đừng tưởng tui chết chồng rồi muốn tới lúc nào cũng được à nghen, con cháu tui dữ lắm, tụi nó xử ông chết liền tại chổ đó…”
Nhỏ Hằng lên tiếng:
“Đừng lo xảy ra án mạng, ông mà tới thì năm phút sau sẽ có mặt hai đồng bọn nầy rồi…”
Vừa nói, Hằng vừa chỉ vào nhỏ Hoà  ngồi bên cạnh. Mọi người cười ồ lên, tui thì bỗng có cảm tưởng như mình đang ngồi trong lớp học vui đùa với chúng bạn như ngày nào đó ...



2

Vô tình, người dọn bàn để dư một cái chén và một đôi đủa bên cạnh chén đủa của tui. Đây là lần thứ ba hiện tượng nầy xảy ra giống hai lần họp bạn trước ở nhà Hoà… Anh bạn tên T. giải thích:

“Tại vì ngày xưa HHV và tui, hai đứa cứ đạp xe theo đuôi bà suốt đoạn đường từ trường về nhà mà bà thì cứ chạy thẳng, không hề ngoảnh mặt lại nên bây giờ hồn linh nó mới bám sát theo bà đó…”
“Mô Phật, giờ tui mới biết thì bạn hiền còn đâu!”
Tui ngậm ngùi hướng một phút tưởng nhớ về người bạn tóc trắng đã đột ngột ra đi gần hai năm trước ...

3

Tiệc tan, mọi người kéo nhau ra trước sân trường chụp hình. Khi anh bạn tên Â. đòi chụp riêng với tui, tui nói với anh:
“Chờ tui dẹp tạm cái giỏ xách to đùng nầy đã.”
“Bộ bà sợ người ta thấy hình rồi tưởng bà đang xách giỏ theo tui hả?”
“Đừng có mơ nghe bạn, kiếp sau chưa chắc đã được…”



4

Tui rảo bước đi về dãy lớp Đệ Nhị Cấp ngày xưa. Lớp Đệ Nhứt B đây rồi, chỉ có hai đứa con gái ngồi ở bản đầu, còn lại là hơn bốn chục cái đầu “húi cua” ngồi phía sau.  Đúng là “hoa lạc giữa rừng gươm” nhưng toàn là gươm cùn vì tôi không thấy chiến sĩ nào dám múa kiếm xưng hùng trước “hai nữ tướng” của lớp mà chỉ lén nhìn từ phía sau lưng hai nàng mà thôi.
Tui ngậm ngùi nhớ đến chị Nguyệt, một người bạn, một người chị đã đồng cam cộng khổ cùng tui suốt ba năm học đệ nhị cấp… Giờ tui đang đứng nơi đây còn chị hiện đang sống khá giã ở Mỹ nhưng mạng sống được tính từng ngày vì chị vướng phải căn bệnh nan y…

5

Còn nữa, tui xin phép anh bạn NC, trích viết vào đây một đoạn “Tùy Bút Mùa Đông” của anh để kết luận cho bài viết nầy:

Tôi im lặng lắng nhe tiếng lòng khẻ gọi tên em. Xin em hãy trả lại cho tôi những ngày xưa thân ái nơi trường cũ mà tôi ngồi bàn sau lưng em cứ mơ ước chuyện đâu đâu. Những giờ toán của thầy Vũ mộng Hùng, giờ vật lý của thầy Triệu canh Ngũ sao mà căng thẳng và rắc rối quá. Nhìn em ngồi chăm chỉ theo dõi bài học tôi thầm khen em sao giỏi quá, hình như bài nào em cũng hiểu một cách thấu đáo, còn tôi nhìn lên bảng thấy những vòng tròn như đang nhảy múa trên mái tóc em, những  “tán sắc ánh sang” làm thành cầu  vòng bảy màu, in trên nền áo  dài  trắng trinh nguyên em đang mặc.


Xin em trả lại cho tôi những buổi tan trường về, tôi đứng chờ em trước cổng trường để nhìn nét mặt dễ thương của em mà chẳng bao giờ dám ngỏ lời yêu em, cô công chúa nhỏ của lớp đệ nhất B.

Mùa tựu trường tháng 9 năm ắy, tôi được tin em vào đại học, tôi biết  em sẽ có một tương lai tươi sáng, đời  em sẽ thăng hoa sau khi ra trường, còn tôi, coi như mất em vĩnh viễn. Tôi vào quân đội chấm dứt những ngày tháng cắp sách đến trường, tôi giã từ bè bạn thầy cô không hẹn ngày trở lại. Đời chinh chiến biết tôi còn sống được bao lâu mà mơ với ước?

“ Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê”
(Thơ Hữu Loan )

Từ đó, tôi không nghe tin tức gì về em nữa. Đôi khi nghĩ về “Trường xưa bạn cũ”, tôi tự hỏi không biết cô công chúa nhỏ ngày xưa ấy bây giờ ra sao? Em phiêu bạt phương trời nào rồi?

Bất ngờ tôi gặp lại em sau nửa thế kỷ và cách xa hơn nửa vòng trái đất.
Hôm nay viết những dòng chữ nầy như một lời tâm sự nói thay  tôi lúc còn ngồi dưới mái trường Trung học Tây Ninh.

Cali.  tháng 11/2013
(NC, chs Tây Ninh)

10 tháng 3, 2014

Hai Câu Chuyện Một Tâm Tình - Tùy Bút Đào Anh Dũng


Tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 59, tháng 3, 2014
     (Số đặc biệt tưởng niệm Phùng Thăng)

    Nhận được điện thư của nhà văn Trần Hoài Thư nhờ tôi mượn quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh của tác giả J. D. Salinger do hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch sang Việt Ngữ để anh trích làm tài liệu, tôi liên lạc ngay với thư viện thành phố Rochester, tiểu bang Minnesota. Gia đình chúng tôi ở cách đó khoảng 70 dặm. Hôm ấy, thời tiết xấu nên bà thư ký thư viện khuyên, thay vì lái xe, tôi nên mượn quyển sách này qua thư viện địa phương. Họ sẽ chuyển quyển sách ấy đến tôi qua hệ thống thư viện của tiểu bang.
Tôi hăng hái giúp anh Trần Hoài Thư một phần vì tôi rất cảm phục công việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trước 1975 của Thư Quán Bản Thảo, phần kia do một “kỷ niệm” khó quên với hai dịch giả Phùng Khánh và Phùng Thăng.
Tôi để hai chữ “kỷ niệm” trong dấu móc vì tôi không quen biết hai bà, nhưng tôi đã có duyên gặp hai bà vào năm 1968, năm tôi 18 tuổi, qua hai quyển sách Bắt Trẻ Đồng Xanh và Câu Chuyện Của Dòng Sông.

Năm ấy, sau biến cố Mậu Thân, gia đình ba má chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ về mặt tài chánh. Trước đó mấy năm, má tôi đã phải làm bún và bánh bò bán để phụ thêm tiền chợ. Vậy mà hai ông bà vẫn đèo bòng, tiếp tục gởi tôi học nội trú trường dòng Lasan Mossard ở Thủ Đức, chương trình Pháp. Ba tôi có một kỳ vọng rất lớn vào tôi. Ông chọn chương trình Pháp để dọn đường cho tôi vào trường Y khoa sau khi xong trung học. Thi xong bằng Brevet lúc 16 tuổi, sau bao năm bị kềm tay, bó chân trong nếp sống nội trú tôi thoát cũi sổ lồng học ngoại trú ở trường Taberd, Sài Gòn, và từ đó tôi... hư.
Bây giờ tóc đã bạc, đã có mấy đứa cháu nội, nhìn lại thời buổi nhiễu nhương ấy, tôi nghĩ mình không khác mấy so với những thanh niên cùng cỡ tuổi, cái tuổi mới lớn ấy. Chiến tranh ngày càng ác liệt; tương lai, chúng tôi chỉ thấy một màu áo lính; chúng tôi nghi ngờ, chán chường hầu như mọi người (nhất là người lớn), mọi việc và cả chính mình trong khi biết bao cám dỗ vây quanh. Vâng, thời gian ấy bạn bè chúng tôi tập tành hút sách, rượu chè, đàng điếm... và tôi hư thật hư... Một năm sau tôi bị quý thầy tống cổ ra khỏi trường Taberd. Biến cố Mậu Thân xảy ra khi tôi học lớp Première (lớp 11 chương trình Việt) ở trường Pasteur.
Nếu tôi nói tôi đành phải bỏ học năm ấy vì gia đình ba má tôi sa sút, không còn tiền cho tôi ăn học ở Sài Gòn nữa thì tôi chỉ nói có phân nửa sự thật mà thôi. Phân nửa kia chính là tôi đã chán ngấy chuyện đi học rồi. Tuy tôi khổ sở với mặc cảm của một kẻ thất bại, không thể thực hiện ước vọng của cha, tuy tôi hứa với ông rằng tôi sẽ tiếp tục tự học để thi đậu bằng Tú Tài Việt (với khả năng Pháp và Anh ngữ tôi rất tự tin mình sẽ thi đậu tú tài ban C một cách dễ dàng) nhưng trong thâm tâm tôi đã tự quyết định thôi học rồi. Học để làm gì? Cuối cùng tôi cũng phải lăn vào đời lính mà thôi. Đó là suy nghĩ của tôi và của nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi trong giai đoạn ấy.
Tôi trở về quê và may mắn bắt được việc làm phiên dịch giấy tờ và “các thứ” với văn phòng Cố vấn Quân sự Mỹ (MACV) tại tỉnh trong khi chờ ngày nhập ngũ nếu chẳng may tôi thi rớt tú tài. Có tiền rủng rỉnh trong tay, phụ giúp ba má một phần, phần còn lại tôi tiếp tục ăn chơi, không có một chút định hướng gì cho tương lai. Cuộc chơi nào cũng có lúc hào hứng, lúc ê chề, nhàm chán. Một trưa thứ bảy buồn nản, không thiết tha chơi bời, ăn nhậu, tôi chạy Honda vòng quanh tỉnh lỵ. Không biết làm gì, tôi ghé vào một quán sách, định mua một quyển sách đọc giải khuây.
Như các tỉnh lẻ khác, quê tôi chỉ có vài tiệm sách bán lèo tèo giấy viết, bài ca tân nhạc, sách vở giáo khoa, sách học làm người, dạy nấu ăn và tiểu thuyết của nhà xuất bản Sống Mới, đa số là truyện kiếm hiệp. Vậy mà hôm ấy tôi lại gặp hai quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông và Bắt Trẻ Đồng Xanh nằm ở kệ sách cuối, sát đất. Chắc chúng nằm nơi đó lâu rồi, không ai mua nên đóng đầy bụi.

Hermann Hesse là một tác giả hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Còn J.D. Salinger, tôi nhớ mang máng có một lần nghe tên. Đúng rồi, năm tôi học lớp 3è (lớp 9 chương trình Việt), trong một giờ Giáo Lý, thầy Raymond, giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi, nói đến xã hội băng hoại của xứ Mỹ. Thầy bảo rằng, có một quyển tiểu thuyết về tuổi học trò, L'attrape-cœurs của tác giả J.D. Salinger, rất đồi trụy nhưng nó được người Mỹ cho phép học sinh của họ đọc. Tôi tò mò lật vài trang Bắt Trẻ Đồng Xanh đọc thử, thấy lối hành văn là lạ, ngồ ngộ, rất trẻ trung. Đọc thêm mới biết đó là câu chuyện của một cậu học sinh 16, 17 tuổi. Đúng rồi, đây là quyển sách ba năm trước thầy tôi đã đề cập đến. Nhưng sao tựa tiếng Anh của quyển sách lại là The Catcher In The Rye? Nó có ăn nhậu gì đến L'attrape-cœurs! Còn tựa tiếng Việt, Bắt Trẻ Đồng Xanh? The Catcher rõ ràng là một danh từ mà! Tại sao dịch giả lại dùng một động từ? Máu tự phụ của một người “giỏi” ngoại ngữ là tôi bất chợt nổi lên. Đúng ra tựa phải là “Kẻ Bắt Người Ở Đồng Lúa” chứ! Phùng Khánh và Phùng Thăng là ai? Tò mò về một truyện “đồi trụy”, về hai dịch giả này, hôm ấy tôi mua cả hai quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông và Bắt Trẻ Đồng Xanh.

Chiều hôm ấy chắc ba má tôi ngạc nhiên lắm khi hai ông bà không thấy tôi đi chơi với chúng bạn như thường lệ mà nằm nhà đọc sách. Tôi đọc quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh một lèo cho đến quá nửa đêm, bị muỗi cắn tơi bời nhưng tôi cũng không màng. Má tôi nhắc mấy lần tôi mới lo giăng mùng rồi đọc sách tiếp.

Vâng, tôi say mê đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh vì tôi thoang thoáng thấy mình trong truyện. Tôi không nghĩ rằng tôi giống nhân vật Holden nhưng tôi hiểu được những gì cậu ta suy nghĩ, dự tính, ước mơ, dám nói và không dám nói, dám làm và không dám làm. Vì sao? Vì lạ thay, người ở châu Mỹ, kẻ châu Á, không gian cách nhau nửa vòng trái đất, sống không đồng thời, cậu Holden lớn lên trong thời hậu chiến, tôi đang sống chết với chiến tranh, vậy mà những gì tôi đã trải qua cũng na ná như câu chuyện của cậu. Tôi cũng chán ngấy trường học, cũng mất lòng tin vào tôn giáo và người lớn và cũng đang tập tành làm... người lớn. Tôi cũng đã từng học nội trú xa nhà, cũng có vài đứa bạn “trời đánh”, cũng có một hai người thầy tôi ưa không vô, nhưng sau khi rời mái trường nội trú tôi nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy da diết. Thêm vào đó, Holden có một người em, Allie, chết bệnh ung thư máu, còn tôi, tôi có một người anh lớn hơn tôi hai tuổi, thông minh, dễ thương, một người bạn thân nhất của tôi đã bỏ tôi ra đi cách đó bốn năm vì một căn bệnh quái ác, bệnh bướu óc. Cái chết của anh cũng đã làm tôi muốn điên lên, muốn đập phá mọi thứ. Tôi cũng có một cô em gái duy nhất, giống như Phoebe, em gái của Holden trong truyện, biết bao lần em đã móc tiền để dành từ con heo đất của em cho ông anh rong chơi đàng điếm.

Khi ấy, tôi không có quyển The Catcher In The Rye trong tay, tôi không biết ông Salinger viết truyện ấy như thế nào, tôi chỉ biết hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng đã chuyển dịch câu chuyện ấy ra ngôn ngữ Việt của tôi một cách tài tình và thật trẻ trung, đã giúp tôi nhận ra thằng người của tôi, đằng sau cái bộ mặt bất cần đời, sống không nghĩ đến ngày mai, tôi vẫn có một tâm hồn và cũng như cậu Holden, tôi ước ao làm một người bảo vệ các em bé khỏi rơi vào vực thẳm, không biến thành những con người giả dối tôi đã và đang gặp hàng ngày trong xã hội.

Bỏ quyển sách xuống tôi cố gắng dỗ giấc ngủ nhưng không tài nào chợp mắt được. Nhìn lại đoạn đường tôi đã đi trong mấy năm qua, tôi thấy mình sao quá nông nổi, sao quá “con nít” như cậu Holden, rồi tôi cảm thấy hối hận đã làm phụ lòng cha mẹ. Ba tôi không rầy tôi một tiếng khi tôi về nhà báo tin tôi bị đuổi học và khi tôi xin phép bỏ học để đi làm, nhưng ông không giấu được tiếng thở dài. Tôi chỉ mong trời mau sáng để nói lời tạ tội cùng cha mẹ. Thao thức, ngủ không được, tôi lấy quyển Câu Chuyện Của  Dòng Sông ra đọc.

Tôi đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông một mạch cho đến lúc gà gáy sáng. Tôi đã có dịp đọc thử một hai quyển sách về Phật Giáo nhưng sau vài chương tôi đành bỏ dở vì chúng quá khô khan, khó hiểu và không chút hấp dẫn. Tác giả Hermann Hesse là một người Âu nhưng ông đã giải thích triết lý Phật Giáo một cách tài tình, lôi cuốn được kẻ ở tuổi “cái gì cũng biết” như tôi quả là một thiên tài. Khen ông một, tôi khâm phục hai bà Phùng Khánh và Phùng Thăng đến mười. Đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông tôi không nghĩ mình đang đọc một truyện dịch. Giọng văn sao quá tự nhiên, gần gũi, thân tình và rất “Việt”.

Cả một đêm không chợp mắt nhưng tôi tỉnh táo lạ kỳ. Tôi không dám nói tôi đã hiểu rõ những thông điệp của tác giả đã gởi gắm, nhưng tôi biết tôi sẽ đọc Câu Chuyện Của Dòng Sông không phải một mà ngàn ngàn lần nữa. Tôi nghĩ tôi đã tìm được câu trả lời cho những ưu tư của mình về cuộc đời này. Tôi cũng định khoe với ba tôi đã đọc được một tuyệt tác, quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông. Tôi mong rằng ông sẽ đọc nó và sẽ hiểu ông và đám con của ông nhiều hơn.

Sáng chủ nhật ấy, ăn sáng qua loa xong tôi chạy Honda ngay đến tiệm sách, mua một lô sách luyện thi tú tài mang về nhà. Nhìn tôi sắp xếp các quyển sách trên bàn học, ba tôi mỉm cười hạnh phúc. Khi ấy, tôi biết mình không cần phải nói lời tạ lỗi cùng ba và tôi cũng không cần khoe với ông quyển Câu Chuyện Của Dòng Sông nữa.

Năm ấy, tôi thi đậu tú tài.

          
    Còn bây giờ thì sao? Sau bao năm, tôi còn muốn làm người “Bắt Trẻ Đồng Xanh” nữa chứ? Thưa bạn, vẫn còn!

 

đào anh dũng

Minnesota, Đông 2014

Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.

9 tháng 3, 2014

Thư Giãn - truyện thật ngắn - đàoanhdũng

Tạp chí Văn Hữu, số 23, mùa Đông 2013
đàoanhdũng


Bạn bè của ông bà, người ở lại quê nhà, kẻ lưu lạc nơi xứ lạ, hai ba năm mới có dịp gặp lại nhau một lần. Trong chuyến ông bà về thăm quê vừa qua, họ hẹn nhau mua tua (tour), thư giãn vài ngày trong khu rì-dzọt (resort) sinh thái ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Mục đích là để có nhiều thời giờ cùng nhau hàn huyên, tâm sự cho thỏa thích.
Đến khu sinh thái, một nhóm được đưa vào lấy phòng ở nhà nghỉ Bình An, nhóm kia ở nhà nghỉ Bình Minh, nằm kế bên. Cất hành lý xong họ cùng nhau đi dạo quanh khu sinh thái cho biết.
Đi được vài bước, bà X nói:
“Tụi này ở nhà nghỉ Bình An, nghe mà phát ớn!”
Bạn bè lau nhau hỏi tại sao, bà trả lời:
“Bên Mỹ người ta chúc kẻ qua đời bằng câu ‘Rest in peace’, dịch ra tiếng Việt là ‘Nghỉ bình an’. Vì vậy tui ở nhà nghỉ Bình An mà có cảm tưởng như ở nhà mồ!”
Bạn bè ai nấy cười rộ lên. Người nói, “Bá láp!”; kẻ bảo, “Khéo tưởng tượng!” Tiếng cười đùa chưa dứt, cả bọn nghe tiếng ông Y:
“Còn khá đó! Bọn này ở nhà nghỉ Bình Minh, nghe cũng rợn người.”
Bạn bè chưa kịp hỏi lý do, ông Y giải thích:
“Thì ở tỉnh mình đó! Sau khi giải tỏa các khu nghĩa trang trong thị xã, nhà nước lập một nghĩa trang rộng lớn, ở thiệt xa, gần xã Bình Minh nên họ đặt tên luôn là Bình Minh, chứ nếu là Hoàng Hôn thì có lý hơn, phải không các bạn? Từ đó tới nay, khi hỏi thăm nhau, thay vì nói ông ấy, bà ấy đã qua đời, người ta lại nói, ‘Lên Bình Minh rồi!’”
Bạn bè lại có dịp cười đùa với nhau cho đến khi nghe ông Z bảo:
“Ối, rồi ai cũng đến đó, hơi sức đâu mà lo!”
Im lặng trong giây lát, cả bọn lại cười rộ lên. Thư giãn?


đàoanhdũng
Tuyết đầu mùa
21/10/2013

Hân hạnh đón nhận những lời bình luận dễ thương của bạn.