Thú vui nhiếp ảnh thơ văn
Sẻ chia cùng bạn tri âm khắp miền.

đào anh dũng




15 tháng 9, 2014

Bàng Hoàng - Thơ Phượng Ngày Xưa



Sống đời mộng mơ
Thực tế hững hờ
Ái ân hòa quyện tình thơ
Đau buồn chôn kín, đợi chờ trăm năm…

Niềm vui chóng tàn
Tâm tư ngổn ngang
Nửa đêm về sáng… bàng hoàng
Tủi phận đơn lẻ, lệ tràn gối chăn…

Thôi đành buông lơi
Phó mặc cho đời
Gió đưa thuyền mộng ra khơi
Tình xa vạn dặm… Đổi dời được sao???
                  



Phượng Ngày Xưa
Saigon  31/8/2014 

Sứ Giả Của Tình Yêu - truyện ngắn Nguyên Nhung




Khi đứa cháu ra đời thì sự căng thẳng giữa hai ông bà tạm thời lắng xuống, tự nhiên cả hai cùng có ý nghĩ phải giữ gìn vì đứa con dâu vừa ở cữ còn nằm trong nhà. Đã nhiều lần bà nổi cáu định hét lên với ông như mọi bận, nhưng rồi lại nén kịp khi nghe đứa cháu ọ ẹ trong phòng mẹ nó.
Dạo trước họ cãi nhau luôn,chả có chuyện gì quan trọng ở cái tuổi gần sáu mươi ấy nữa.Nhưng thật là kỳ cục, có những chuyện ngày còn trẻ họ dễ dàng tha thứ cho nhau, nay đến lúc tuổi già, ông nói một câu bà trả lời ngay một tiếng, thế là cái tức nó cứ ngùn ngụt dâng lên tận họng như ngọn núi phun lửa.
Nguyên nhân cũng dễ hiểu, chẳng là ông đã trải qua nhiều năm phải im lặng ở trong tù, lúc được về, vẫn cái thân “cá chậu chim lồng” nên đành nín thở qua sông” vậy. Bây giờ được dịp nói, ông nói cho hả những lúc phải "ngậm miệng cười ruồi" cho cái nhân tình thế thái đảo điên. Tuổi già thường quay trở về dĩ vãng, mỗi lúc nhàn rỗi nó lại hiện về mồn một như cuộn phim, bởi vậy trong ông lại sống dậy một người trẻ tuổi của mấy chục năm trước, ông muốn phục hồi quyền “công dân” cho mình, bằng cách lúc nào có dịp là lại bắt đầu câu chuyện bằng hai chữ “ngày xưa”. Ngày xưa thế này, ngày xưa thế nọ, lũ con ông chỉ cười rồi bỏ đi, có đứa nào muốn nghe mãi chuyện "ngày xưa" của ông. Chỉ có mỗi mình bà lúi xúi suốt ngày ở trong nhà, cái chuyện “ngày xưa” của ông thì bà còn lạ gì nữa. Thét rồi bà cũng nhớ, cái ngon lành của ông ngày xưa thì bà nhớ ít, còn những cái kỳ cục ngày xưa của ông thì bà nhớ nhiều, bởi vậy hễ ông mở miệng là bà chẹn họng, họ cãi nhau là vậy.
Thằng con trai đầu lòng lấy vợ muộn cho nên ông bà chậm có cháu, bởi vậy sự ra đời của đứa nhỏ là niềm vui cho cả gia đình. Lúc mới đẻ nó giống mẹ như khuôn, từ đôi mắt cho đến cái miệng, bà chỉ thấy có mỗi “cái ấy” của cháu là giống bố, vì nó là con trai. Bên này, trẻ con được bọc tã suốt ngày, chứ ngày xưa thằng bố nó cứ chổng lên trời mà phun nước, có khi vọt ngược bởi cú giơ chân, mặt mũi ướt tèm lem cả.
Ðược bốn, năm tháng thằng bé bụ bẫm hẳn ra, mớ tóc tơ loăn xoăn, mượt mà phủ lấy cái đầu to, cả nhà quả quyết thằng bé thông minh, như nhà bác học to đầu đã đem ánh sáng đến cho nhân loại. Càng lớn trông thằng bé lại càng dễ thương, đôi mắt to có vẻ mơ màng dưới hàng mi cong, chiếc môi cũng hơi cong tạo nên một vẻ nũng nịu rất dễ yêu, lúc này bà lại thấy cháu giống y bố nó hồi còn bé. Phân tách riêng từng phần, thằng bé có vẻ giống mẹ, nhưng cứ tổng hợp tất cả lại, thằng bé lại giống bố, bố nó lại giống ông nội nó.
Ái chà! Hễ nhắc đến ông nội thằng bé, bà không thể nào không nhớ lại hình ảnh ông những ngày còn trẻ, dạo ấy ông không lẩm cẩm và khó chịu như bây giờ. Của đáng tội, cũng chỉ lẩm cẩm và khó chịu mấy năm nay, chứ lúc còn trong tù, rồi cho đến lúc ra, tính ông vẫn xuề xòa, dễ thương sao cũng được, chứ không làm sao bà chịu nổi, để có ngày vợ chồng con cái có cơ hội dẫn nhau đi Mỹ.
Mỗi lần nhìn cháu, bà như nhìn thấy hình ảnh thằng bố nó lúc còn bé, cũng vầng trán vuông vắn, sáng rỡ, nụ cười trẻ thơ toác ra khoe mấy chiếc răng sữa, rồi cả mùi thơm trên đôi má phính, cái nào nó cũng làm bà xúc động hết. Thằng nhỏ thông minh thật, biết bà nội cưng nên cứ giẫy nẩy trong chiếc xe nôi, nó ngoác mồm la nhưng không chảy nước mắt. Bà sốt ruột bế cháu lên:
“ Thằng bố mày, nặng gì mà nặng gớm, vẹo cả xương sườn bà đây.”
Nói thế thì nói, một tay bà nách cháu, một tay bà quậy xoong bột trên bếp. Thằng bé nín khóc, nó ngửi thấy mùi bột thơm và cả mùi nước mắm nữa. Món khoái khẩu đấy, không biết Tây Mỹ nêm nếm bằng gì, chứ hễ quậy bột cho cháu bà luôn nêm vào một tị nước mắm. Thằng cháu ăn mãi đâm ghiền, hôm nào mẹ nó ở nhà cho ăn mấy hũ "baby food" bán ngoài chợ, nó vừa ăn vừa phun phèo phèo. Bà biết cháu bà mà, nó thèm ăn tỵ nước mắm thôi!
Hai vợ chồng bận đi làm cả, sợ phiền ông bà nên muốn đem thằng bé gửi “Day Care”, nhưng ông bà nhất định không chịu. Già rồi, ở nhà làm gì không giữ cháu, nhất là buổi sáng bố mẹ nó đi làm sớm quá, những ngày Ðông trời rét căm căm, nhìn thằng bé trong chiếc khăn to xù đi nhà trẻ mà cứ thương đứt ruột. Quan niệm “nước mắt chảy xuống” của cha mẹ Việt Nam đã không cho người già những giây phút nghỉ ngơi riêng tư, đám trẻ ngày nay mấy đứa đã hiểu cho sự hy sinh ấy, cứ cho là chuyện tự nhiên. Có “thức lâu mới biết đêm dài”, cha mẹ càng ngày càng già, thời gian đã cướp đi gần hết sinh lực để héo queo như một quả cam kiệt nước, còn lại cái vỏ không muốn rụng lúc nào chả được.
Từ dạo có cháu ông đã bớt nói nhiều, mấy lần định ca cẩm chuyện gì, thằng cháu lại tưởng ông nói chuyện với nó nên toét miệng cười, ông lo ầu ơ với cháu nên quên ngay những cái bực mình vẫn thường xảy ra trong nhà. Sự ra đời của đứa cháu như mở màn cho một thế hệ tiếp nối bằng tiếng khóc, tiếng cười của trẻ thơ, nó khiến lòng ông vui vẻ để bớt ngậm ngùi dĩ vãng. Ông như cây thông già, thỉnh thoảng có gió thổi qua lại reo lên với đất trời, để rồi lại làm cái bóng lặng lẽ che cho người lữ khách ven đường. Ðứa cháu ông như cái bóng của ông ngày nào, nó đã được sinh ra để thắt lại tình cảm có vẻ đã rời rã, cằn cỗi theo tuổi đời của ông bà nó, vun đắp tình yêu của bố mẹ nó thêm bền chặt, và là cái mầm non sẽ nẩy thành lá, thành hoa cho gia đình ông.
Lòng yêu cháu đã khiến ông phải hy sinh nhiều thứ, dù nhỏ nhặt nhưng khi phải từ bỏ một thói quen đã lâu, quả ông cũng phải tranh đấu với bản thân dữ dội lắm. Dạo trong tù, không có thuốc lá để hút, ông và các bạn đã phải thay thế bằng những “bi” thuốc lào hiếm như vàng. Mùa Ðông lạnh, nhớ vợ con không ngủ được, bên đống củi sưởi ấm của nhà tù miền Bắc, ông và bạn tù say lâng lâng hơi thuốc lào để quên đi phần nào nỗi đớn đau, nhục nhằn nơi sơn lâm, chướng khí, cái rét buốt của tâm hồn âm ỉ nhưng mãnh liệt, tàn khốc hơn cả cái rét buốt của mùa đông.
Nay nghe cả nhà nói xa, nói gần về mùi khói thuốc luẩn quẩn trong căn nhà hẹp, ảnh hưởng không tốt đến cơ thể đứa cháu yêu, cũng như chính cơ thể ông. Không ai bảo ông bỏ thuốc nhưng tự ông thấy mình phải bỏ, khi nhìn đứa cháu bụ bẫm, dễ yêu thế kia, mà lúc nào ông cũng muốn đặt lên đôi má phúng phính ấy những nụ hôn, đã phải thở hít mùi khói thuốc không lấy gì thơm tho , trong diện tích chật chội cuả căn chung cư, khiến ông phải suy nghĩ. Ông bỏ thuốc thật, cả nhà ai cũng ngạc nhiên, lúc đầu thật khó chịu, lạt mồm, lạt miệng, lơ ngơ, bần thần như người mất hồn.
Dân ghiền thuốc có câu:
       “ Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
       Ðã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Ông vứt điếu vào thùng rác, rồi có lúc tưởng phải đi mua ngay một chiếc khác, nhưng chỉ cần nhìn thằng cháu bi bô gọi ông, gọi bà, giụi mái tóc tơ vào ngực ông là ông có đủ can đảm bỏ tất cả, kể cả phù vân ảo ảnh cuộc đời , cũng vì sức khỏe của cháu. Ôi! Những “ giọt nước mắt chảy xuống” có ông là người tiêu biểu, để sẽ thấy lòng yêu thương của ông bà, như giòng suối róc rách từ trên đỉnh núi chảy về dòng sông.
Những ngày cháu mọc răng, những lúc cháu ấm đầu khóc cả ngày, bố mẹ nó mệt ít mà ông bà mệt nhiều. Suốt ngày bà băn khoăn sờ đầu cháu, hôn lên vầng trán phẳng phiu của đứa bé để ước định nhiệt độ trong cơ thể nó. Thằng bé cự nự vì khó chịu trong người, có lúc bà ao ước được ốm thay cho cháu, để biết được nó đau ở chỗ nào và đau làm sao, vì thằng bé chưa biết nói. Nói thế thôi, chứ bà mà lăn ra ốm là nguy to, lấy ai cơm nước, lấy ai vỗ về thằng bé, công việc của bà tuy không làm ra tiền, nhưng linh tinh suốt ngày chưa chắc ai đã làm nổi.
Thời trẻ tuổi, cũng như bao nhiêu người đàn ông khác, thành công của họ được đánh giá bằng sự ngưỡng mộ của phụ nữ, cho nên ông cũng thích thú với những mối tình văn nghệ của mình, để bà cứ ấm ức mãi đến tận bây giờ. May cho ông, lúc tù tội bà không bỏ rơi, vẫn thăm nuôi đầy đủ, con cái ăn học đàng hoàng, chứ còn cái đám “mèo mả gà đồng” kia, nó biến ngay từ lúc ông rũ áo phong sương với mai vàng, mai bạc, để trở thành người không chỗ đứng trong xã hội. Bây giờ ông mới biết thương vợ, vì ngày còn trẻ, ông chưa thấy thích thú lắm để lúc nào cũng quấn quýt bên vợ con, ông mặc kệ bà với lũ con, như đấy là bổn phận của bà, cho nên ông không nhìn thấy cái vất vả của người phụ nữ trong trách nhiệm làm vợ và làm mẹ.
Từ lúc có cháu ông mới thấy thương bà hơn, mới thấy cần phải đỡ đần công việc nhà cho vợ. Dạo trước, cứ ăn xong là ông “khểnh” ra đọc báo, xem Tivi, uống trà để rồi lại bắt đầu e hèm câu chuyện “ngày xưa”. Nhiều lần cãi nhau cũng chỉ vì chuyện ấy, mặt sưng mày xỉa với nhau đôi ngày rồi thì vẫn cơm chung một niêu, ngủ chung một giường để tha hồ "đồng sàng mà dị mộng". Bây giờ thì ông đã hiểu tại sao bà hay chẹn họng ông, chống lại ông vì không thể nghe nổi một câu chuyện nói đi nói lại hằng trăm lần.
Hôm nay, có người mời ông đi ăn cưới, ông loay hoay tìm đôi giày mà không thấy đâu. Hôm nọ, thằng cháu mới lẫm chẫm biết đi cứ xỏ chân nghịch đôi giày vía của ông nội, bà sợ hỏng đã cất đi chỗ khác, rồi quên. Tìm không được, ông đâm bực mình:
“Lạ thật, nhà có đàn bà mà cái gì cũng mất.”
Bà đang ngồi trông cháu, nghe được đứng phắt dậy, lâu lắm rồi ông bà không cãi nhau:
“Ðàn bà, cái gì mà đàn bà, không có đàn bà đã chả được thế.”
Cuộc đấu khẩu sắp có phần dữ dội thì “huỵch” một phát, thằng nhỏ ngồi trên “sofa” ngã chúi đầu xuống đất, khóc ré lên. Cả ông lẫn bà cùng đổ xô đến, sót sa ôm lấy cháu, ông cũng quên mà bà cũng quên, không nghĩ đến chuyện cãi nhau.

Nguyên Nhung

10 tháng 9, 2014

Xin Đừng Đứng Khóc Cạnh Mộ Tôi (Do Not Stand at My Grave and Weep)



Bài thơ này tôi đọc được trong ngày đưa đám tang một người bạn, mới đây tại Minneapolis.
Thấy hay hay nên tôi mạn phép phỏng dịch sang tiếng Việt để chia sẻ cùng quý bạn.
Xin cảm ơn quý anh chị bạn thơ văn vhp.Hạ Vũ, Phượng Ngày Xưa và Nguyễn Cang
đã góp ý cùng tôi trong việc dịch thuật này.
Theo Vikipedia, tác giả bài thơ này (Do Not Stand at My Grave and Weep)
là bà Mary Elizabeth Frye, sáng tác vào năm 1932 để an ủi một người bạn của bà.
Bà bạn này người Đức, gốc Do Thái, nghe tin mẹ mất nhưng bà không thể trở về nhà để tang mẹ vì khi ấy đang có phong trào đàn áp người Do Thái tại Đức Quốc.



Xin đừng đứng khóc cạnh mộ tôi
Tôi không ở đó và không ngủ,
Là ngàn cơn gió vi vu thổi, 

Là hạt kim cương tuyết sáng ngời,
Là tia nắng vàng ươm lúa mọng,
Là mưa lất phất thấm vàng thu.
Sớm mai thức giấc quạnh sương mù,
Là chim nhập đàn tôi cất cánh,
Bay tận thinh không vẽ vòng cầu.
Tôi là sao nhỏ sáng đêm thâu.
Xin đừng đứng cạnh mộ tôi, khóc
Tôi không ở đó, có chết đâu!


9/2014
Phỏng dịch từ nguyên tác  
Do Not Stand at My Grave and Weep, 
tác giả Mary Elizabeth Frye

đàoanhdũng


Do Not Stand at My Grave and Weep  - Xin Đừng Đứng Khóc Cạnh Mộ Tôi




Do Not Stand at My Grave and Weep

Do not stand at my grave and weep

I am not there. I do not sleep.

I am a thousand winds that blow.

I am the diamond glints on snow.

I am the sunlight on ripened grain.

I am the gentle autumn rain.

When you awaken in the morning’s hush

I am the swift uplifting rush

Of quiet birds in circled flight.

I am the soft stars that shine at night.

Do not stand at my grave and cry; 
I am not there. I did not die. 


Mary Elizabeth Frye
1932


Thân mời quý bạn thưởng thức hai bài thơ cảm tác, thể lục bác của hai bạn thơ văn Khôi Nguyên và Nguyễn Cang. Xin cảm ơn hai bạn.

Xin đừng khóc cạnh mộ tôi



Xin đừng khóc cạnh mộ tôi
Tôi không nằm đó ngủ đời thiên thu
Tôi là ngọn gió vi vu
Kim cương lấp lánh, cho dù tuyết trong
Tôi là tia nắng tươi hồng
Ươm màu lúa chín, phớt đồng mưa rơi
Lặng yên thức dậy sáng rồi
Tôi là nhạn lẻ tìm nơi nhập bầy
Chim đàn lặng lẽ tròn bay
Giúp ngôi sao nhỏ đêm nay tuyệt vời
Xin đừng khóc cạnh mộ tôi
Tôi không nằm đó ngủ đời thiên thu


Khôi Nguyên


Mộ Khúc


Xin đừng khóc cạnh mộ tôi
Tôi không  nằm đó ngủ đời thiên thu
Tôi là ngọn gió vi vu
Kim cương lấp lánh tuyết  mù thôn trang
Tôi là tia nắng huy hoàng
Ươm đồng lúa chín ngập tràn mưa thu
Quạnh hiu sương sớm mịt mù
Tôi là nhạn lẽ  thâm u mối sầu
Nhập đàn bay lượn vòng cầu
Như vì sao nhỏ trên cao sáng ngời
Xin đừng khóc cạnh mộ tôi
Tôi đâu có chết khi đời còn vương.

Nguyễn Cang
(với sự góp ý của Nguyên Khôi)

Thân mời quý bạn thưởng thức bản dịch của tác giả Thuyên Huy. Xin cảm ơn bạn.
(Nguồn: http://www.havuvhp.blogspot.com/)



Xin Đừng Đứng Cạnh Mộ Tôi Mà Khóc



(Với cảm xúc của riêng mình, khi đọc bài thơ, xin phép được phỏng dịch theo lời văn khác như là chút đóng góp theo tinh thần “xướng và họa” của các bài thơ mà quý anh chị thường đăng trên trang nhà)



Xin đừng đứng cạnh mộ tôi mà khóc
Tôi không ở đây với một giấc ngủ vùi
Tôi là ngàn cơn gió thổi
Là hạt kim cương sáng long lanh trên tuyết trắng
Là tia nắng mai trên hạt lúa vàng chín mọng
Là cơn mưa nhè nhẹ của trời Thu
Trong lặng yên của buổi sáng mai thức giấc
Tôi là con chim tung đôi cánh bay vù
Của đàn chim nối  vòng trên không đó
Là ánh sao hiền tỏa sáng đêm thâu
Xin đừng đứng cạnh mộ tôi mà khóc
Tôi không nằm ở đây và tôi đã chết đâu.

Thuyên Huy                                        



(Phỏng dịch từ bài thơ Do Not Stand at My Grave and Weep của Mary Elizabeth Frye 1932 được anh Đào Anh Dũng sưu tầm và đăng trên trang nhà ngày thứ ba 16/09/2014)


Kính mời quý bạn thưởng thức bài cảm tác của Mai Xuân Thanh.
Xin cảm ơn tác giả.


Triết lý huyền vi, mộ của tôi, 
Xin đừng đứng khóc tội thì thôi.
Thác về cát bụi khi hồn xuất,
Sống gởi trần ai, mây trắng trôi. ...
Trong mộ tôi không nằm ngủ đó,
Ngòai đời chớ tưởng thác đây rồi. !
Xin đừng đứng khóc mà vô ích,
Hằng sống Thiêng liêng sẵn chỗ ngồi. ... !

Nằm đây ngôi mộ của tôi,
Thác là thể phách, chớ ngồi khóc than.
Xin đừng đứng khóc, vấn an,
Kim cương lấp lánh tuyết tan trong ngần.
Giống như tia nắng phong vân,
Trên đồng lúa chín người dân ấm lòng,
Con chim nhạn lẻ chờ mong,
Nhập bầy tung cánh lên trong bầu trời.
Như ngôi sao nhỏ có nơi,
Tôi không còn đó ngủ đời thiên thu. ... !
Xin đừng khóc cạnh mộ tôi, ... !

Mai Xuân Thanh kính xin cảm tác
Bản Dịch Thơ "Do Not Stand At My Grave And Weep" của Mary Elizabeth Frye 1932, Đào Anh Dũng sưu tầm và phỏng dịch.
Ngày 18 tháng 09 năm 2014

(Nguồn: http://www.havuvhp.blogspot.com/)